Tiếp tục triển khai hộ chiếu vaccine và công tác bảo hộ công dân

Nhân dịp Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 và Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng chia sẻ về việc triển khai hộ chiếu vaccine và công tác bảo hộ công dân thời gian tới.

Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng chủ trì Hội nghị Gặp mặt các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam về công tác lãnh sự. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng chủ trì Hội nghị Gặp mặt các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam về công tác lãnh sự. (Ảnh: Tuấn Anh)

Việt Nam đã điều chỉnh chiến lược ứng phó với dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Xin Thứ trưởng cho biết, những đóng góp nổi bật của Bộ Ngoại giao trong công tác phòng chống dịch Covid-19 là gì?

Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất điều chỉnh chính sách về xuất nhập cảnh, công nhận và sử dụng hộ chiếu vaccine nước ngoài tại Việt Nam, thí điểm đón khách du lịch với người có hộ chiếu vaccine, nối lại đường bay thương mại với các nước, vùng lãnh thổ có hệ số an toàn cao, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệch, xu thế mở cửa của thế giới cũng như nhu cầu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, Tổ Công tác 5 Bộ (gồm các Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Ngoại giao, trong đó Bộ Ngoại giao chủ trì) đã giải quyết thuận lợi đề nghị nhập cảnh của các chuyên gia nước ngoài, người nước ngoài do các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự nước ngoài mời đón, bảo lãnh sang Việt Nam làm việc.

Trước tình hình phòng, chống dịch có nhiều chuyển biến tích cực, nhằm từng bước mở cửa, phục hồi, tiến tới trạng thái “bình thường mới”, trên cơ sở báo cáo của Bộ Ngoại giao, ngày 29/10 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có công văn số 7937/VPCP-QHQT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho phép nhập cảnh một số đối tượng bổ sung, ngoài các đối tượng ta đã cho phép nhập cảnh nêu trên, bao gồm người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhập cảnh với một số mục đích như tìm hiểu thị trường, thăm thân, du lịch tại khu vực triển khai thí điểm đón khách.

Phó Thủ tướng Thường trực đồng thời chỉ đạo tiếp tục phân cấp phê duyệt nhập cảnh đối với các trường hợp cụ thể; đề xuất cách ly tại nhà với chuyên gia nước ngoài và thành viên Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và gia đình, rút ngắn thời gian cách ly tập trung…

Việc điều chỉnh chính sách xuất nhập cảnh nêu trên hướng tới thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ nhằm tạo thuận lợi cho đi lại, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Để đẩy mạnh hiệu quả chiến lược vaccine, tạo miễn dịch cộng đồng, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với chủ trương tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hiện đang cư trú tại Việt Nam không phân biệt quốc tịch, không phân biệt hình thức cư trú.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao tiếp tục vận động các nước để tiếp cận nguồn cung vaccine, trang thiết bị y tế, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19; tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài… triển khai công tác đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước.

Vừa qua, một số địa phương đã thí điểm triển khai đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thông qua chương trình “hộ chiếu vaccine”. Thứ trưởng đánh giá thế nào về quá trình triển khai hộ chiếu vaccine?

Trước hết, cần giải thích khái niệm “hộ chiếu vaccine” dùng để định nghĩa Giấy chứng nhận đã tiêm chủng đủ liều vaccine ngừa Covid-19 hoặc Giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19.

Theo kinh nghiệm quốc tế, Giấy chứng nhận tiêm chủng có giá trị sau 14 ngày kể từ ngày cá nhân tiêm đủ liều và hiệu lực đến một năm kể từ ngày tiêm chủng. Giấy chứng nhận khỏi bệnh có giá trị sáu tháng từ ngày cá nhân được xác nhận khỏi bệnh.

Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Ngoại giao nghiên cứu công nhận lẫn nhau đối với hộ chiếu vaccine, Bộ Ngoại giao đã xác định đây là cơ sở, nền móng để từ đó kiến nghị chính sách ưu tiên về nhập cảnh, y tế, đi lại, tham gia hoạt động xã hội… đối với người mang hộ chiếu vaccine đã được công nhận. Công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau là chìa khóa của lộ trình mở cửa biên giới với các nước.

Ngay sau khi các tiêu chí về hộ chiếu vaccine được Chính phủ thông qua, Bộ Ngoại giao đã chủ động, nhanh chóng gửi công hàm cho các Cơ quan đại diện ngoại giao và Phái đoàn EU tại Việt Nam, thông báo các tiêu chí để Việt Nam công nhận hộ chiếu vaccine nước ngoài và Việt Nam sẵn sàng đàm phán để hai bên công nhận hộ chiếu vaccine của nhau, trên cơ sở có đi có lại.

Trong thời gian các cơ quan chức năng của ta xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiệu mẫu hộ chiếu vaccine chính thức, nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu kép được lãnh đạo Chính phủ đề ra, Bộ Ngoại giao đã thống nhất với Bộ Y tế về việc công nhận tạm thời hộ chiếu vaccine của các nước theo hướng cho phép sử dụng trực tiếp tại Việt Nam các mẫu được giới thiệu chính thức qua đường ngoại giao.

Việc tạm thời công nhận hộ chiếu vaccine của các nước cũng là cơ sở quan trọng để triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tại một số địa phương như Khánh Hòa, Phú Quốc, Quảng Ninh, Quảng Nam, cũng như để triển khai việc nối lại các chuyến bay thương mại thường lệ với các nước.

Tình hình đàm phán, công nhận hộ chiếu vaccine với các đối tác cơ bản thuận lợi khi các nước đều nhất trí về nguyên tắc và ý nghĩa của việc công nhận lẫn nhau đối với hộ chiếu vaccine, một số nước như Anh, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản còn khẳng định công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng hiện nay của Việt Nam do các bệnh viện hoặc cơ sở tiêm chủng cấp. Các nước đều mong muốn ta sớm giới thiệu mẫu hộ chiếu vaccine chính thức để hai bên có thể chính thức công nhận mẫu của nhau.

Công tác bảo hộ công dân trong thời gian qua luôn được Bộ Ngoại giao xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng và cần được thực hiện thường xuyên, kịp thời.

Công tác bảo hộ công dân trong thời gian qua luôn được Bộ Ngoại giao xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng và cần được thực hiện thường xuyên, kịp thời.

Thời gian tới, công tác lãnh sự, trong đó có bảo hộ công dân trong tình hình mới, sẽ được triển khai như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Có thể khẳng định rằng, công tác bảo hộ công dân trong thời gian qua luôn được Bộ Ngoại giao xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng và cần được thực hiện thường xuyên, kịp thời.

Trong đó, điểm sáng là việc tổ chức các chuyến bay hỗ trợ công dân về nước đã được thực hiện đồng bộ, nề nếp, đáp ứng tốt nhu cầu về nước của công dân, đặc biệt chú trọng sớm đưa về các trường hợp công dân dễ bị tổn thương, gặp khó khăn, bị trục xuất... Hệ thống Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng luôn sẵn sàng và thường trực triển khai công tác bảo hộ công dân.

Đại dịch Covid-19 được dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, song xu hướng tái khởi động, phục hồi kinh tế - xã hội sẽ được tăng tốc, lưu thông quốc tế và giao lưu nhân dân dần sôi động hơn, cùng với đó rủi ro tiềm ẩn khác như thiên tai, chiến tranh, tội phạm… Điều này sẽ làm phát sinh vụ việc công dân ta gặp nạn, gặp khó khăn, trở ngại, cần tới sự bảo hộ và giúp đỡ của Nhà nước.

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi hơn nữa công tác bảo hộ công dân, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện sẽ phải tiếp tục nâng cao hiệu quả và khả năng sẵn sàng triển khai nhiệm vụ bảo hộ công dân ở nước ngoài. Trong đó, tôi cho rằng cần làm tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, cần quán triệt và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó nêu rõ phải “nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân”; “mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”; “lấy sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và cán bộ”. Bảo hộ quyền và lợi ích của công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài cũng chính là bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Hai là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng chủ trương chính sách về bảo hộ công dân. Nâng cao hiệu quả công tác lãnh sự ở ngoài nước, công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Đáp ứng kịp thời các nhu cầu của công dân về giấy tờ, thủ tục ở nước ngoài để góp phần giúp bà con có địa vị pháp lý, điều kiện thuận lợi để làm ăn sinh sống, hòa nhập với cuộc sống ở nước ngoài. Duy trì mối liên hệ mật thiết với các công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Ba là, thúc đẩy triển khai hộ chiếu vaccine, tham mưu, đề xuất chính sách tạo điều kiện cho công dân Việt Nam xuất nhập cảnh, đi lại thuận lợi, góp phần phục vụ mục tiêu kép trong bối cảnh tình hình mới.

Thời gian tới, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục chủ động theo dõi tình hình thế giới và khu vực liên quan đến công tác bảo hộ công dân; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các công việc bảo hộ phát sinh khi công dân gặp khó khăn, hoạn nạn ở nước ngoài; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho công dân, đưa ra các khuyến cáo phù hợp để công dân có thông tin cần thiết khi ra nước ngoài. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các Cơ quan đại diện cần thông tin kịp thời để các cơ quan chức năng trong nước có biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Tính từ 15/4/2020 đến nay, Việt Nam đã tổ chức gần 800 chuyến bay đưa gần 200.000 công dân từ hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tiep-tuc-trien-khai-ho-chieu-vaccine-va-cong-tac-bao-ho-cong-dan-167766.html