Tiếp tục truy tố cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình
Bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 5.518 tỷ đồng, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (DAB) Trần Phương Bình bị đề nghị truy tố về tội 'Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng'.
Theo đó, ông Trần Phương Bình bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, theo điều 206 Bộ luật Hình sự.
Các đồng phạm khác bị truy tố cùng tội danh gồm: Nguyễn Đức Tài, cựu Giám đốc DAB Sở Giao dịch; Nguyễn Thị Ngọc Vân, cựu Phó tổng giám đốc DAB; Vũ Thị Thanh Hoa, cựu Trưởng phòng tín dụng khách hàng doanh nghiệp DAB; Nguyễn Văn Thuận, cựu Phó giám đốc DAB Sở Giao dịch; Phùng Ngọc Khánh, cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần M&C; Châu Thị An Bình, cựu Phó giám đốc Phòng sản phẩm dịch vụ, Hội sở DAB.
Đây là lần thứ tư ông Trần Phương Bình bị đề nghị truy tố. Trước đó, trong hai lần bị đưa ra xét xử, ông Bình đã bị Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP. HCM xử phạt tù chung thân về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và xử phạt 20 năm tù, về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Theo kết luận điều tra, ông Bình giữ cương vị Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á từ năm 1998 đến năm 2015. Cuối năm 2012, dưới sự tổ chức, chỉ đạo của ông Bình, Sở Giao dịch Đông Á Bank đã cho 5 doanh nghiệp thuộc nhóm Công ty cổ phần M&C vay 5 khoản, tổng cộng 1.680 tỷ đồng gồm: Công ty Ngôi Sao, Liên Phát, Phát Vạn Hưng, Biển Bạc và Minh Quân.
Tài sản đảm bảo chung cho 5 khoản vay trên là một phần quyền sử dụng đất, diện tích hơn 62.000 m2 thuộc dự án 7,6 ha ở phường An Phú, quận 2, TP. HCM, trị giá 2.100 tỷ đồng.
Khoản vay của các công ty trên được xác định là không được sử dụng đúng mục đích vay, mà chủ yếu dùng để trả nợ hoặc chuyển cho một số đơn vị khác. Đến nay 5 công ty đã ngừng hoạt động, dẫn đến không có khả năng hoàn trả cho Đông Á Bank 5.518 tỷ đồng, trong đó gần 3.700 tỷ đồng là lãi. Tài sản được thế chấp cho các khoản vay này tại thời điểm khởi tố vụ án (24/5/2022) được định giá chỉ gần 185 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, ông Trần Phương Bình khai, thời điểm 2008, Tổng giám đốc Công ty cổ phần M&C đã rất khó khăn về tài chính, không có tiền để trả gốc và lãi cho các khoản vay đến hạn.
Để đảm bảo DAB không bị tỉ lệ nợ quá hạn quá cao, ông Bình yêu cầu Tổng giám đốc M&C phải tiếp tục vay để có tiền trả gốc và lãi cho các khoản vay đến hạn.
Ông Bình thừa nhận, với vai trò là Tổng giám đốc DAB, đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong việc thỏa thuận, thống nhất với Công ty cổ phần M&C về việc vay vốn với mục đích trả nợ cho các khoản vay đến hạn.
Đồng thời ông Bình chỉ đạo các cấp dưới lập, ký hợp thức hồ sơ cho vay, trực tiếp phê duyệt cấp tín dụng cho các công ty thuộc nhóm M&C.
Hành vi của ông Trần Phương Bình và các bị can này được xác định đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á hơn 5.518 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc vào thời điểm cuối năm 2015, lỗ lũy kế của Ngân hàng Đông Á lên tới hơn 31.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 25.000 tỷ đồng, và tổng tài sản thực chỉ còn 47.000 tỷ đồng.
Ngoài 5 khoản vay trên, hai khoản vay khác cũng được xác định thực hiện không đúng quy định, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á 462 tỷ đồng. Theo đó, năm 2009, Công ty cổ phần M&C do Phùng Ngọc Khánh làm đại diện, phát hành lô trái phiếu với mục đích đầu tư vào 2 dự án bất động sản. Doanh nghiệp này đề nghị DAB phát hành thư bảo lãnh cho số trái phiếu trên, tài sản bảo đảm là hơn 2,6 triệu cổ phiếu mà Công ty cổ phần M&C sở hữu tại Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn M&C.
Tháng 12/2009, Ngân hàng An Bình ký hợp đồng mua lô trái phiếu của Công ty cổ phần M&C, với giá trị 120 tỷ đồng. Nhận được tiền, công ty dùng phần lớn để trả nợ chứ không đầu tư như mục đích đưa ra khi phát hành trái phiếu.
Đến thời hạn thanh toán, Công ty cổ phần M&C không có khả năng trả tiền gốc và lãi cho Ngân hàng An Bình. Để không ảnh hưởng đến uy tín của DAB là đơn vị bảo lãnh, ông Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ cho Công ty cổ phần M&C vay bắt buộc 2 khoản vay, với tổng cộng hơn 146 tỷ đồng để có tiền trả cho Ngân hàng An Bình.
Cơ quan điều tra nhận định Công ty cổ phần M&C vi phạm điều kiện ngay từ khi thực hiện phát hành trái phiếu; đồng thời, hơn 2,6 triệu cổ phiếu tại Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn M&C đến nay không đủ căn cứ để định giá, coi như không có tài sản bảo đảm.
Do vậy, DAB vi phạm quy định khi bảo lãnh trái phiếu; cho Công ty cổ phần M&C vay 2 khoản tiền khi không có bảo đảm, không đủ điều kiện cấp tín dụng, gây thiệt hại hơn 462 tỷ đồng, trong đó có hơn 146 tỷ đồng tiền gốc và hơn 316 tỷ đồng tiền lãi.