Tiếp tục tuyên truyền, đóng góp trí tuệ vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Các thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh Hà Tĩnh cần thực hiện có hiệu quả việc tổ chức lấy ý kiến góp ý của cán bộ, công chức, Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Chiều 7/3, Sở Tư pháp Hà Tĩnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và quán triệt các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL và một số báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh cùng dự.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều, phạm vi sửa đổi toàn diện các lĩnh vực, nội dung, chính sách. Mục tiêu của việc sửa đổi nhằm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để phù hợp với quy định quản lý và sử dụng đất đai.
9 nội dung trọng tâm được lấy ý kiến gồm: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai; quy định về hộ gia đình quản lý sử dụng đất.
Đối tượng lấy ý kiến về dự thảo luật gồm các tầng lớp Nhân dân; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Tại hội nghị, đại biểu đã tập trung góp ý về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quy định về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất...
Một số ý kiến góp ý về các trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê và cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm; quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất...
Các nội dung về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể... cũng được thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tích cực tham luận, góp ý.
Bên cạnh việc tham gia góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), hội nghị cũng đã quán triệt kế hoạch triển khai 2 đề án PBGDPL được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2022, gồm: Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027 và Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”.
Kết luận hội nghị, ông Đinh Viết Hồng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị, các thành viên trong Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo và triển khai có hiệu quả việc tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại ngành, cơ quan, đơn vị để huy động trí tuệ, tâm huyết đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai.
Đối với đội ngũ báo cáo viên pháp luật cần tích cực tham mưu lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong việc truyền thông, tuyên truyền và tổ chức góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các cơ quan truyền thông tăng cường phản ánh các hoạt động góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.