Tiếp tục vận chuyển nước ngọt miễn phí tưới cây ăn trái
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống hạn, mặn vùng phía Tây vào chiều ngày 23-4, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho rằng, nhìn chung, các cấp chính quyền và các ngành đã chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn và sự đồng lòng của người dân nên đã giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.
Việc vận chuyển nước ngọt cứu khẩn cấp cây sầu riêng và cây ăn trái các huyện phía Tây đã được thực hiện kịp thời, đáp ứng được nguyện vọng của người dân.
Tuy nhiên, một số hộ dân ở xa vẫn chưa tiếp cận được nguồn nước ngọt nên thời gian tới, cần nghiên cứu để khắc phục tình trạng này.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn yêu cầu ngành Nông nghiệp và các địa phương đánh giá thực chất thiệt hại do hạn, mặn.
Các địa phương tiếp tục thực hiện phương án vận chuyển nước ngọt miễn phí để tưới cho cây ăn trái đến hết ngày 30-4.
Nếu mưa đến muộn, độ mặn không cải thiện, tỉnh sẽ có chỉ đạo tiếp theo. Nơi nào nước ngọt đã về thì phải tiến hành xổ xả mặn.
Về vấn đề thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có khảo sát, tính toán giải pháp trước mắt để khắc phục hạn chế của hệ thống thủy lợi hiện nay.
Ngành Nông nghiệp và các địa phương phải tuyên truyền, vận động người dân chủ động dự trữ nước; hướng dẫn người dân chăm sóc, phục hồi vườn cây ăn trái sau hạn, mặn…
Theo Sở NN&PTNT, mặn bắt đầu ảnh hưởng đến các khu vực phía Tây từ đầu tháng 2-2020. Trước tình hình trên, tỉnh đã kịp thời triển khai các giải pháp để ứng phó như: Tổ chức quan trắc mặn, mực nước tại 93 điểm; vận hành các cống để đảm bảo ngăn mặn, trữ, lấy nước ngọt; tuyên truyền người dân tích trữ nước; nạo vét các tuyến kinh bị cạn, sửa chữa các cống đập…
Đặc biệt, để bảo vệ vùng cây ăn trái phía Nam Quốc lộ 1, tỉnh đã ban hành phương án vận chuyển nước ngọt cứu khẩn cấp cây sầu riêng và phục vụ sản xuất cây ăn trái khác ở khu vực phía Tây.
Đến ngày 21-4, các địa phương đã vận chuyển được hơn 530 ngàn m3 nước, phân phối hơn 432 ngàn m3 cho 19.870 hộ dân.
Từ sự chủ động, nỗ lực ứng phó, đến nay, tỉnh đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn. Cụ thể, diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng là 2.275 ha; trong đó, tỷ lệ thiệt hại từ 30% - 70% là 2.186 ha, trên 70% là 89 ha.