Tiếp tục vững tin trên hành trình thúc đẩy, bảo vệ quyền con người
Việc nhóm làm việc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (LHQ) đã đồng thuận thông qua Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi nghiêm túc cam kết quốc tế trong thúc đẩy quyền con người theo đúng nguyên tắc 'đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan và minh bạch', đồng thời phản bác thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền Việt Nam.
Hành trình bền bỉ và nỗ lực
Ngay từ khi cơ chế UPR ra đời - năm 2008, Việt Nam đã chủ động tham gia vào tiến trình này với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm. Xuất phát từ chính sách nhất quán về bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, đặt con người ở vị trí trung tâm của mọi chính sách phát triển, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ xây dựng báo cáo quốc gia theo đúng hạn định cũng như thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận ở tất cả các chu kì UPR. Trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kì 2023-2025, Việt Nam càng dành sự chú trọng đặc biệt đối với tiến trình UPR.
Để triển khai hiệu quả các khuyến nghị đã được chấp thuận trong Chu kỳ III, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch tổng thể với phân công cụ thể cho các cơ quan liên quan cũng như cơ chế rà soát tiến độ và đánh giá kết quả. Báo cáo quốc gia của Việt Nam chu kì IV được xây dựng một cách toàn diện với sự tham gia đóng góp tích cực của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các đối tác phát triển và người dân, theo đúng nguyên tắc “đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan và minh bạch” của tiến trình UPR. Việc hoàn thành Báo cáo theo đúng yêu cầu của Hội đồng Nhân quyền, cùng việc xây dựng Báo cáo giữa kì tự nguyện đã thể hiện nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành liên quan của Việt Nam và tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm của Việt Nam đối với cơ chế UPR.
Trong 241 khuyến nghị đã chấp thuận tại chu kỳ III, Việt Nam đã hoàn thành thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị (chiếm 86,7%), thực hiện một phần 30 khuyến nghị (12,4%), chỉ có hai khuyến nghị đang được xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp.
Từ năm 2019 đến hết tháng 11-2023, Quốc hội Việt Nam đã thông qua 45 luật, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Trong bối cảnh đối mặt với nhiều thách thức, Việt Nam đã nỗ lực bảo đảm, thúc đẩy quyền con người trên tất cả các lĩnh vực. Kể từ năm 2019, GDP trên đầu người đã tăng 25%, tỷ lệ hộ dân nghèo giảm 1,5% mỗi năm.
Trên thực tế, những thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam, đặc biệt là trong gần 40 năm đổi mới đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong giai đoạn từ 1989 tới 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 40 lần. Trong vòng 2 thập kỉ kể từ năm 1993, hơn 40 triệu người đã thoát cảnh đói nghèo và trong vòng 15 năm kể từ năm 2005, tỉ lệ nghèo đa chiều đã giảm một nửa. Các quyền tự do báo chí, tự do in - tơ - nét, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do lập hội,… cũng được thực thi nghiêm túc.
Việc Việt Nam hai lần được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu chọn làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ là minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực của Việt Nam.
Năm 2022, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã phát biểu, những kết quả đó là “minh chứng rõ nét cho sự quật cường và nỗ lực của người dân Việt Nam và cho các chính sách lấy người dân làm trung tâm của phát triển.
Không thể xuyên tạc sự thật
Có thể khẳng định, Việt Nam đã xây dựng Báo cáo quốc gia UPR chu kì IV một cách kỹ lưỡng, toàn diện với những kết quả cụ thể về việc thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận chu kì III. Quá trình xây dựng báo cáo cũng được thực hiện nghiêm túc với sự tham vấn rộng rãi với những bên liên quan theo đúng yêu cầu của cơ chế UPR.
Tuy nhiên, trước thềm Phiên đối thoại bảo vệ Báo cáo quốc gia của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền, nhiều tổ chức NGO (UNNP - tổ chức Các quốc gia, dân tộc không có đại điện, ICJ - Ủy ban Luật gia quốc tế, FIDH - Liên đoàn nhân quyền quốc tế…) và một số tổ chức phản động lưu vong (Ủy ban cứu người vượt biển - BPSOS, đảng Việt Tân, Liên đoàn Khơ-me Kampuchea Krom - KKF… đã tăng cường tán phát các thông tin, tài liệu với tần suất liên tục nhằm tác động, hướng lái dư luận, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam không có cải thiện gì kể từ sau lần bảo vệ trước. Đáng chú ý, Báo cáo của các cơ quan LHQ tại Việt Nam theo cơ chế UPR chu kỳ IV đã sử dụng nhiều thông tin không được kiểm chứng, đánh giá thiếu khách quan, không phản ánh chính xác, đầy đủ tình hình tại Việt Nam.
“Chúng tôi rất thất vọng dù có sự hiện diện đầy đủ tại Việt Nam và có quan hệ hợp tác lâu dài toàn diện với các bộ, ban, ngành địa phương của Việt Nam nhưng báo cáo riêng của các cơ quan LHQ tại Việt Nam về cơ chế UPR chu kỳ IV vẫn có nhiều nội dung sai sự thật, không được kiểm chứng, cùng nhiều đánh giá không khách quan, không công bằng, không phản ánh chính xác và đầy đủ về tình hình, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt đã phát biểu nêu rõ quan điểm của Việt Nam.
Quá trình xây dựng báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV của Việt Nam đã được tiến hành một cách nghiêm túc, công khai, có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan cũng như các cơ quan của LHQ tại Việt Nam. Tuy nhiên, Báo cáo riêng của cơ quan LHQ đã không được xây dựng một cách minh bạch, tương xứng với thiện chí hợp tác và quá trình xây dựng báo cáo cấp quốc gia của Việt Nam; hoàn toàn không thể hiện đúng tinh thần và thực tiễn hợp tác giữa Việt Nam và LHQ, các ưu tiên hợp tác mà các cơ quan hợp tác phát triển đã nhất trí. Trên thực tế, bản thân những người xây dựng Báo cáo này không có mặt tại Việt Nam, không tận mắt chứng kiến và ghi nhận thực tế tình hình Việt Nam và cũng không tham gia vào quá trình tham vấn khi Việt Nam xây dựng Báo cáo quốc gia. Điều này đã ngược lại nguyên tắc “đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan và minh bạch” mà cơ chế UPR đặt ra.
Việt Nam mong muốn các nước, các tổ chức khi đánh giá về tình hình Việt Nam cần khách quan, toàn diện và sử dụng nguồn thông tin chính xác và đầy đủ.
Tự tin chọn con đường của riêng mình
Việc đánh giá về một vấn đề luôn có những ý kiến trái chiều. Đối với tình hình nhân quyền Việt Nam, thường xuyên có những cá nhân, tổ chức đưa ra thông tin thiếu khách quan, sai lệch, thậm chí xuyên tạc bởi bản chất cực đoan, chống phá, hận thù đối với Việt Nam. Những nguồn thông tin này lại được một số cơ quan, tổ chức khác sử dụng mà không có sự kiểm chứng kỹ càng.
Thực tế không có một quốc gia nào là hoàn hảo về vấn đề nhân quyền. Với tinh thần cởi mở, cầu thị, Việt Nam xác định rõ vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: vẫn còn 800.000 hộ nghèo, khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng miền và nhóm dân cư vẫn tồn tại, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao, vẫn còn tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực để bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho mọi người dân còn hạn chế…
Đoàn Việt Nam đến với Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế UPR chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ ngày 7-5 với tinh thần cởi mở, cầu thị và sẵn sàng đối thoại. Và chiều 10-5, tại Trụ sở LHQ tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ, Nhóm làm việc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền LHQ đã đồng thuận thông qua Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam.
Tại Phiên đối thoại, có hơn 130 nước tham gia đối thoại và phát biểu trong không khí cởi mở, thẳng thắn và thực chất. Các nước ghi nhận các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, việc Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận. Nhiều nước hoan nghênh các thành tựu của Việt Nam về phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội, đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức về quyền con người, thúc đẩy quyền phụ nữ, quyền của nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới, quyền của người dân tộc thiểu số.
Các đại biểu đoàn Việt Nam cũng đã trả lời nhiều câu hỏi, cung cấp thêm thông tin về các vấn đề được các nước quan tâm, trong đó có nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh, bao trùm, phát triển của in - tơ - nét và mạng xã hội, quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin của người dân, quyền của người lao động, vai trò của Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do học thuật, gia nhập và thực thi các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), phòng, chống mua bán người, thực hiện Công ước Chống tra tấn, hỗ trợ người dân tộc thiểu số… Đối với một số ý kiến dựa trên những nguồn tin chưa được kiểm chứng, đoàn Việt Nam đã giải đáp, cung cấp thông tin xác thực, nhấn mạnh nguyên tắc đối thoại, hợp tác, tôn trọng khác biệt.
Pháp luật quốc tế về quyền con người ghi nhận quyền tự quyết của mỗi dân tộc được tự do lựa chọn con đường phát triển. Thực tế, không có một mô hình chung cho tất cả các nước bởi mỗi nước có những đặc thù, điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nên sẽ có những cách thức riêng cần phải được tôn trọng. Sự lựa chọn ấy được quyết định bởi chính người dân Việt Nam, chứ không phải bất cứ một cá nhân, tổ chức và quốc gia nào khác. Việt Nam tự tin tiếp bước trên con đường đã chọn để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trong đó, mọi người dân được thụ hưởng các quyền con người và thành quả của phát triển.
“Báo cáo Quốc gia của Việt Nam trong chu kỳ IV phản ánh tiến triển đạt được trong quá trình triển khai các khuyến nghị trên. Báo cáo được xây dựng một cách toàn diện, bao trùm, và minh bạch. Chúng tôi đã tổ chức tham vấn rộng rãi với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, trong đó có các tổ chức phi chính phủ (NGO), tổ chức xã hội, các quốc gia thành viên, đối tác phát triển, và người dân. Hàng trăm các ý kiến, phản hồi đã được thu thập và được thể hiện rõ nét trong Báo cáo này”.
(Phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt - Trưởng Đoàn Việt Nam tại phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam tại phiên họp lần thứ 46 của Nhóm làm việc về UPR).