Tiếp tục xây dựng, phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới

BPO - Thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 45-NQ/TW); Kế hoạch số 20-KH/TW, ngày 28-11-2023 của Bộ Chính trị về triển khai thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW (Kế hoạch số 20-KH/TW), ngày 26-6-2024, Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Chương trình hành động số 63-CTr/TU.

Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ trí thức, nhất là trí thức trong hệ thống chính trị của tỉnh từng bước có cơ cấu hợp lý hơn; chất lượng nâng lên, từng bước chuẩn hóa theo hướng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Đội ngũ trí thức góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đa số trí thức có năng lực hoạt động thực tiễn, có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, nổi bật là công tác phổ biến tri thức, sáng tác văn học, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đời sống.

Tuyên dương, khen thưởng đội ngũ trí thức có nhiều thành tích xuất sắc trong năm 2023 - Ảnh: X.T

Tuyên dương, khen thưởng đội ngũ trí thức có nhiều thành tích xuất sắc trong năm 2023 - Ảnh: X.T

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ cấu đội ngũ trí thức ở một số ngành, địa phương trong tỉnh vẫn chưa cân đối. Thiếu nhiều trí thức công tác ở các ngành, lĩnh vực then chốt, mũi nhọn. Chưa có nhiều trí thức tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn, phản biện, giám định xã hội về các chủ trương, chính sách, các dự án, đề tài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đóng góp của đội ngũ trí thức cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa ngang tầm với vị trí, vai trò. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức; quản lý, đánh giá, sử dụng trí thức có mặt còn hạn chế. Việc tuyển dụng, thu hút trí thức có năng lực, trình độ cao về công tác tại tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, phát huy vai trò đội ngũ trí thức; chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phát triển đội ngũ trí thức. Trí thức của tỉnh tuy có tăng về số lượng, cải thiện về chất lượng, nhưng chưa theo kịp mặt bằng chung của khu vực và cả nước; chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển…

Nhằm tiếp tục xây dựng, phát huy vai trò đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, Chương trình hành động số 63-CTr/TU của Tỉnh ủy Bình Phước đề ra mục tiêu tổng quát: Đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh theo hướng nâng cao về số lượng, bảo đảm chất lượng; có cơ cấu hợp lý, hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương; có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xây dựng Bình Phước giàu mạnh và văn minh.

Mục tiêu cụ thể, phát triển số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức, nhất là trí thức ở những lĩnh vực then chốt, trọng yếu, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đến năm 2030 phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh lên hơn 50.000 người, tăng số lượng tiến sĩ lên 120 và gần 3.000 thạc sĩ (tính đến ngày 31-8-2022 toàn tỉnh có 40.924 trí thức, bao gồm 90 tiến sĩ, 2.114 thạc sĩ, 32.510 bậc đại học và 6.210 cao đẳng).

Tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm khả thi, đồng bộ nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút và trọng dụng tài năng trẻ, tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện. Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với những ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, có vai trò quyết định, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đến năm 2030, 100% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo theo tiêu chuẩn và cập nhật kiến thức mới, bảo đảm trình độ chuyên môn phù hợp với đề án vị trí việc làm. Phấn đấu đến năm 2045 có từ 15-25% cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh đủ tiêu chuẩn làm việc trong môi trường quốc tế…

Chương trình hành động số 63-CTr/TU đã đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Trong đó, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài. Tăng cường quản lý Nhà nước và hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức. Tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội trí thức; phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức.

Vân Anh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/53/159350/tiep-tuc-xay-dung-phat-huy-vai-tro-doi-ngu-tri-thuc-trong-giai-doan-moi