Tiếp xúc cử tri đặc biệt tại Quốc hội: Bức bách chuyện nhà ở cho công nhân
Chiều 28/7, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - chủ trì cuộc 'tiếp xúc cử tri đặc biệt' với chủ đề 'Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn'.
Tại diễn đàn này, vấn đề nhà ở, nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm, lương của công nhân lao động là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm bày tỏ.
Nhiều gia đình tá túc trong 10m2
Nhà ở cho công nhân là vấn đề được các đại biểu quan tâm, phản ánh tại diễn đàn Người lao động năm 2023 này. “Chúng tôi chứng kiến nhiều gia đình công nhân 4-5 người ở vẻn vẹn trong hơn 10 m2, các con nằm giường, bố mẹ trải chiếu nằm sàn. Nhìn vào không ai gọi đó là nhà, mà thực chất chỉ là chỗ ngả lưng. Nhiều gia đình không dám cho con ở cùng mà phải gửi về quê, có bạn sắp đến ngày sinh nhưng chủ nhà trọ đòi nhà, có bạn vào dịp giáp Tết, công ty nợ lương không có tiền về quê nên ở lại, nhưng không đủ tiền trả tiền nhà, bị chủ nhà trọ yêu cầu dọn đi chỗ khác… Chúng tôi rất mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm đặc biệt vấn đề này để công nhân an cư, lạc nghiệp”, ông Nguyễn Việt Anh - Công đoàn Tổng Cty CP Bưu chính Viettel bày tỏ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Sơn - Chủ tịch Công đoàn Cty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam quan tâm tới gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, áp dụng cho cả chủ đầu tư dự án và người mua, thuê nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ông cho rằng, mức lãi suất 8,2%/năm vẫn rất cao, thời gian ưu đãi chỉ trong 5 năm là quá ngắn, gây tâm lý bất an cho công nhân, người lao động. Ông kiến nghị Quốc hội giám sát và yêu cầu Chính phủ có giải pháp để giúp người lao động tiếp cận được nguồn vốn.
Trao đổi vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chính phủ có chương trình đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Để tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với quỹ nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng chính sách xã hội đã đưa ra các gói hỗ trợ ưu đãi cho cả nhà đầu tư và đối tượng được mua nhà.
Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, để người lao động đảm bảo về chỗ ở, cần quan tâm đến 3 hình thức: Nhà để bán; nhà lưu trú cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp và nhà thuê - mua. Việc này vừa giải quyết được vấn đề chỗ ở của công nhân và người thân của họ. Tổng LĐLĐ Việt Nam và Chính phủ đã trình chủ thể có thể đứng ra làm chủ đầu tư nhà ở xã hội. Tuy nhiên vấn đề này còn liên quan đến nhiều chính sách, trong đó có Luật Nhà ở, Luật Đất đai, có nhiều khác nhau do đó cần tiếp tục được nghiên cứu, làm rõ. “Các dự án Luật sẽ được Quốc hội quyết định một lần trong tháng 10 này, hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề nhà ở cho công nhân lao động”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Nợ bảo hiểm gây mất niềm tin, dẫn đến rút một lần
Trong khi đó, ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch Công đoàn Cty Taekwang Vina phản ánh tâm tư của người lao động về vấn đề bảo hiểm xã hội. Theo ông, qua những lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), quyền lợi của người lao động đang có xu hướng suy giảm, ví dụ như nâng số năm đóng để được hưởng mức tối đa 75% lên 35 năm đối với nam, 30 năm đối với nữ. Ông kiến nghị trong lần sửa đổi tới đây, Quốc hội cần nghiên cứu, ban hành các quy định để không làm suy giảm quyền lợi của người lao động; tạo sự linh hoạt, hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia BHXH.
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cũng phản ánh lo lắng, bức xúc của người lao động trước tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH. “Chúng tôi rất bức xúc trước tình trạng nợ BHXH của nhiều doanh nghiệp, khiến hàng trăm nghìn người lao động lao đao, có gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Rất nhiều nữ công nhân sinh nở không được hưởng tiền thai sản, có cả trường hợp công nhân con đã 8 tuổi mà mẹ vẫn không được hưởng chế độ gì; nhiều người lao động thất nghiệp lâm vào cảnh ốm đau, chết mà không có được trợ cấp thất nghiệp; có người nghỉ hưu 7-8 năm mà vẫn chưa được cầm sổ hưu… Đó cũng là lý do mà nhiều người mất niềm tin, muốn rút BHXH một lần”, bà Lê Thị Hà - Chủ tịch Công đoàn Cty may Minh Anh (tỉnh Nghệ An) nêu.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong tháng 8 tới, dự thảo Luật BHXH sửa đổi sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, với tinh thần chung là tập trung chỉnh sửa những bất cập và mở hướng phát triển bảo hiểm linh hoạt, đa tầng, đồng thời tăng quyền lợi của người lao động.
Chia sẻ với người lao động về tình hình nợ, chậm đóng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, ngành bảo hiểm đã đưa ra một số giải pháp, trong đó, thường xuyên bám sát và nắm chắc tình hình doanh nghiệp, trên cơ sở đó các dòng tiền ưu tiên đóng trước cho người lao động. BHXH Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo thu nợ, đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra, công khai danh sách nợ, đưa những hồ sơ đủ điều kiện chuyển sang cơ quan công an để khởi tố theo quy định. “Tới đây khi sửa đổi Luật BHXH cần đưa vào những biện pháp đủ mạnh để doanh nghiệp chấp hành nghiêm việc đóng BHXH cho người lao động”, ông Mạnh cho hay.
Tại cuộc tiếp xúc, lãnh đạo Quốc hội đã trao quà cho 20 đoàn viên, người lao động có thành tích xuất sắc và 30 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà cho Tổng Liên đoàn nhân kỷ niệm 94 năm thành lập Công đoàn Việt Nam; và phát động Giải Bóng đá Công nhân toàn quốc lần thứ I.