4 đóng góp của Kiểm toán nhà nước đối với công tác phòng, chống lãng phí
Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, ông Bùi Đặng Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - nhận định: Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã có nhiều đóng góp đối với công tác phòng, chống lãng phí. Kết quả kiểm toán tạo được niềm tin khoa học, niềm tin thực tiễn cho cử tri, cho Nhân dân và những đơn vị đang quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.
Thưa ông, hiện nay, phòng, chống lãng phí là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và được đặt ngang hàng với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo ông, xuất phát từ đâu mà Đảng ta có quan điểm như vậy?
Đất nước ta đã bước vào giai đoạn mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, Đảng ta mong muốn đưa đất nước, dân tộc bước vào kỷ nguyên mới. Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, bài phát biểu của Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề lãng phí. Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng, lãng phí thậm chí còn lớn hơn tiêu cực, tham nhũng.
Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh để chúng ta phải quyết tâm và quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống lãng phí.
Chúng ta đều nhận thấy sự lãng phí trong mỗi người dân, mỗi tập thể, mỗi cơ quan, đơn vị sử dụng vốn, ngân sách và tài sản nhà nước. Điều đó trở thành hành vi, thói quen thường ngày, thậm chí bản thân họ lãng phí nhưng họ không biết rằng mình đang lãng phí. Tôi nói chuyện rất nhỏ thôi, chẳng hạn, trong việc sử dụng điện hằng ngày, nhiều người chưa có thói quen tắt điện khi ra khỏi phòng hay là nên để nhiệt độ điều hòa ở trong phòng bao nhiêu thì vừa phải.
Các quốc gia phát triển khuyến khích, thậm chí hạn chế mặc vest trong các hoạt động giao tiếp, mặc sơ mi để có thể để nhiệt độ trong phòng cao hơn, qua đó tiết kiệm điện. Họ tiết kiệm từ những mẩu giấy, những vấn đề nhỏ nhất trong cuộc sống, trong chi tiêu tài sản công để đảm bảo không lãng phí.
Việc lãng phí như vậy còn rất rõ ở đất nước ta, trên mọi lĩnh vực. Tỉnh, thành nào cũng có những câu chuyện, có những sự việc, hiện tượng sử dụng tài chính công, tài sản công lãng phí.
Có dự án bệnh viện được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng rồi bỏ không bao năm nay. Cùng với đó, hàng chục ký túc xá cho sinh viên, hàng chục khu nhà ở cho người thu nhập thấp có tình trạng lãng phí. Không chỉ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh, thành nào cũng có những công trình xây dựng lãng phí. Điều đó rất nhức nhối.
Cho nên chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh để chúng ta phải quyết tâm và quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống lãng phí.
Trong bối cảnh nhiệm vụ phòng, chống lãng phí trở nên quan trọng và cấp bách như vậy, vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN) cần được nhìn nhận như thế nào, thưa ông?
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang đi vào cuộc sống. Đối với KTNN, việc thực hiện Luật này lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Bởi lẽ, KTNN kiểm tra tài chính công, tài sản công của tất cả đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công trên cả nước.
Thông qua kiểm tra tài chính công, tài sản công, KTNN kết luận, kiến nghị rõ ràng đơn vị A làm tốt, đơn vị B làm chưa tốt ở chỗ nào, bao nhiêu tiền... Đó sẽ là cơ sở để các cấp đánh giá cán bộ và có thể xử lý những tập thể, những đơn vị làm sai.
Mặt khác, thông qua bài học kinh nghiệm của những đơn vị được kiểm toán được công khai, được truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các đơn vị chưa được kiểm toán cũng phải rút kinh nghiệm và điều chỉnh.
Tóm lại, KTNN có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bởi vì hằng năm khi quyết toán ngân sách nhà nước, Chính phủ có báo cáo Quốc hội về việc xử lý những tập thể, cá nhân vi phạm trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công. Việc xử lý những tập thể, cá nhân vi phạm đó căn cứ vào phát hiện của KTNN và Thanh tra Chính phủ.
Ông có thể đánh giá cụ thể hơn về những đóng góp của KTNN đối với công tác phòng, chống lãng phí?
Để đánh giá việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và vai trò của KTNN, tôi thấy có mấy điểm. Thứ nhất, đối với cơ quan quản lý nhà nước, rõ ràng, kết luận, kiến nghị của KTNN về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các đơn vị là cơ sở để họ nhận thấy đơn vị, tập thể của mình và những tập thể, đơn vị sử dụng ngân sách đã làm tốt hay chưa.
Thứ hai, đơn vị trực tiếp được kiểm toán sẽ rút ra bài học kinh nghiệm rất sâu sắc trong quá trình triển khai để thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý tài sản công và những luật khác liên quan đến tài chính, ngân sách.
Thứ ba, kết quả kiểm toán có ý nghĩa, tác dụng rất lớn đối với các cơ quan xây dựng chính sách. Ví dụ kết quả kiểm toán của KTNN sẽ giúp Quốc hội, Chính phủ phát hiện ra văn bản quy phạm pháp luật nào phù hợp, thậm chí lạc hậu, cản trở quá trình triển khai thực hiện. Có thể những đơn vị đó không cố tình vi phạm hoặc vi phạm đó do những văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, lạc hậu thì kịp thời điều chỉnh cho tốt hơn.
Thứ tư, kết quả kiểm toán lan tỏa tác dụng rất tốt đối với xã hội, với cử tri, với Nhân dân ở những cơ quan, đơn vị sử dụng vốn, tài sản, ngân sách nhà nước, tạo niềm tin cho người dân. Qua các vụ án, sai phạm vừa qua, rất nhiều người dân mất niềm tin bởi họ thấy những nơi nhiều tiền, nhiều tài sản và nhiều dự án có biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực.
Chính vì vậy, qua kiểm toán, KTNN chỉ rõ đúng, sai và tạo được niềm tin của người dân đối với những đơn vị, cơ quan quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Có như vậy, chúng ta mới có đội ngũ cán bộ, những tập thể tốt để thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của Nhà nước.
Từ đó trở lại khẳng định, việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không thể thiếu được vai trò rất cần thiết của KTNN. Kết quả kiểm toán của KTNN tạo được niềm tin khoa học, niềm tin thực tiễn cho cử tri, cho Nhân dân và đặc biệt cho những đơn vị đang quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước.
Ôngvừa khẳng định KTNN có vai trò rất quan trọng trong phòng, chống lãng phí. Vậy theo ông, KTNN cần làm gì để có thể phát huy tốt hơn vai trò của mình trong bối cảnhphòng, chống lãng phí đang được người đứng đầu Đảng ta đặt ra với yêu cầu cấp bách và quyết liệt hơn?
Thời gian qua, KTNN đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trong bối cảnh mới, vai trò của KTNN lại càng quan trọng. Thực hiện lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, tôi tin rằng KTNN sẽ nghiên cứu để có những cách làm phù hợp. Chẳng hạn, KTNN đã và đang áp dụng công nghệ thông tin, KTNN có thể kiểm toán tất cả những đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công được hay không?
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, việc đổi mới cần bắt đầu từ mỗi tổ kiểm toán, mỗi kiểm toán viên để trong thời gian ngắn nhất kiểm toán tại đơn vị vẫn có thể đạt hiệu quả công việc cao nhất.
Bây giờ KTNN đã thực hiện kiểm toán quyết toán ngân sách 63 tỉnh, thành, các Bộ, ngành đầy đủ chưa, chưa kể cấp huyện (hàng trăm huyện) và cấp xã. Các công trình, dự án còn rất nhiều chưa được kiểm toán.
Rõ ràng, các báo cáo Quốc hội và thông tin của KTNN cho thấy vẫn có những đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công chưa được kiểm toán. Vậy KTNN có thể thuê kiểm toán độc lập với sự chủ trì của KTNN hay không trong khi vấn đề này cũng đã được luật hóa.
Hoặc trong bối cảnh hiện nay, áp dụng công nghệ thông tin như thế nào để có thể rút gọn thời gian kiểm toán mà vẫn đảm bảo chất lượng, yêu cầu của KTNN.
Vấn đề nữa là thông qua ý kiến của cử tri, những đề xuất của các Bộ, ngành, đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân, KTNN lựa chọn những chủ đề, chọn mẫu những đơn vị, những tập thể để kiểm toán.
Như vậy chắc chắn sẽ tạo ra những "cú huých", tạo ra những nhận xét xác đáng nhất về bức tranh tổng thể và cả những điểm nhấn về vấn đề quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.