Tiết học kết nối kéo gần khoảng cách vùng miền
Thực hiện Chương trình GDPT mới trở nên hiệu quả hơn với các tiết học kết nối được tổ chức thường xuyên, đa dạng, phong phú.
Kết nối 25 điểm cầu
“Những chuyến tàu không số” là tiết dạy học bộ môn Lịch sử lớp 4 về chủ đề Thăng Long - Hà Nội, với sự kết nối của 25 điểm cầu tại 25 trường tiểu học khắp cả nước. Đây là tiết dạy học tại buổi sinh hoạt chuyên môn cụm 1 thành phố Vinh, do cô Hồ Thị Thu Hằng – giáo viên Trường Tiểu học Lê Mao xây dựng giáo án và thực hiện.
Tại TP Vinh, Nghệ An tiết học có sự tham gia của học sinh các Trường Tiểu học Vinh Tân, Cửa Nam 1, Hưng Chính, Đông Vĩnh, Lê Lợi… Bên cạnh đó, nhiều trường tiểu học khác trên cả nước như: Skyline Hill (Quảng Nam), Xuân Đỉnh, Tiểu học Thạch Xá (Hà Nội), Trần Quốc Toản (Quảng Ninh), Tiểu học số 1 Bảo Ninh (Quảng Bình)... cũng có điểm cầu kết nối.
Chuẩn bị cho tiết học này, cô Hằng đã liên hệ với nhóm giáo viên tiểu học của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đặc biệt nhận được sự “hợp tác” của học sinh một số trường tiểu học tại Hà Nội, Nghệ An đã xây dựng các dự án học tập xung quanh chủ đề Thăng Long - Hà Nội.
Giờ học hào hứng ngay từ đầu, trên con tàu vượt thời gian, học sinh 25 trường tiểu học ngược dòng thời gian về lại thời vua Lý Thái Tổ dời đô ra Đại La để hiểu hơn về tên gọi Thăng Long. Các em được xem những chứng tích lịch sử mà cha ông xây dựng nên để trấn giữ giang sơn, hiểu hơn về sự tích Hồ Gươm qua phần hoạt cảnh hấp dẫn của nhóm năng khiếu Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh, Nghệ An).
Phần giới thiệu về Tổng đốc Hoàng Diệu - một vị quan kiên quyết hy sinh thân mình để bảo vệ thành Hà Nội khi Pháp xâm lược qua phần chia sẻ của các bạn học sinh Trường Tiểu học Skyline Hill. Trong khi đó, học sinh Trường Tiểu học Xuân Đỉnh (Hà Nội) lại chia sẻ về sự kiện lịch sử: Bác Hồ đọc Bản tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Tất cả như sống lại những giây phút hào hùng ngày 2/9/1945.
Nhưng điều đặc biệt và xúc động nhất của buổi học chính là việc được gặp gỡ và giao lưu trực tiếp với nhân chứng lịch sử - bác Nguyễn Đình Kiên - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ tổng Tư lệnh, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn phòng không Hà Nội.
Cô Hồ Thị Thu Hằng chia sẻ, việc mời được bác Nguyễn Đình Kiên đến giao lưu sẽ giúp học sinh được tiếp xúc với tư liệu lịch sử sinh động, có thật. Điều này quý giá hơn bất cứ tài liệu hay sách vở nào. Bên cạnh đó, suốt tiết học kết nối, học sinh có hoạt động liên tục nhưng không mệt mỏi, chán nản mà luôn háo hức chờ đợi phần tiếp theo. Tiết dạy được mở rộng cả không gian lẫn kiến thức, với nhiều trải nghiệm thú vị, độc đáo đặc trưng từ học sinh mỗi nhà trường. Và giáo viên cũng có nhiều bài học ý nghĩa từ sự giao lưu, kết nối này.
Kéo gần khoảng cách
Nằm ở thị trấn, nhưng Trường Tiểu học thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) được xếp vào diện trường khó khăn, do phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số, nhiều em thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, đây lại là ngôi trường mạnh dạn triển khai mô hình lớp học ảo do giáo viên nước ngoài, có kinh nghiệm dạy học tiếng Anh tham gia, với sự trợ giảng của giáo viên nhà trường. Trong kỳ học đầu tiên triển khai đã có 197 học sinh đăng ký lớp học tiếng Anh từ lớp 1 tới lớp 5.
Cô Lê Thị Cẩm Ly - giáo viên tiếng Anh được giao phụ trách lớp “tăng cường” này cho biết, đây là cơ hội để cô và trò một trường ở vùng sâu, xa khó khăn được trải nghiệm lớp học hiện đại và chuyên nghiệp. Về phía giáo viên được hỗ trợ, tập huấn phương pháp, cách tổ chức bài giảng, tương tác với học trò, phát âm. Với học sinh sẽ có nhiều tiết học kết nối với giáo viên người nước ngoài, tạo thói quen tương tác, giao tiếp để không sợ môn ngoại ngữ. Đồng thời rèn các kỹ năng học tiếng Anh từ đầu một cách chuẩn xác.
Cô giáo Vy Thị Nhung có gần 30 năm công tác ở vùng cao Nghệ An và hiện là giáo viên môn Giáo dục công dân tại Trường THCS Châu Thôn, huyện Quế Phong. Ở tuổi ngoài 50, với nhiều giáo viên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học là thử thách khi không có sự nhanh nhẹn, năng động như người trẻ. Nhưng cô Vy Thị Nhung lại là giáo viên đầu tiên của nhà trường tham gia tiết dạy học kết nối giữa học sinh của trường với Trường THCS Hưng Bình và Trường THCS Nghi Liên (thành phố Vinh).
Đó là tiết dạy về Bảo tồn di sản văn hóa của chương trình Giáo dục công dân lớp 7. Cô Nhung cùng với 2 giáo viên là Trà Giang (Trường THCS Nghi Liên) và Thúy Hồng (Trường THCS Hưng Bình) liên lạc, kết nối, soạn giáo án.
Với chủ đề về di sản văn hóa, cô Nhung tìm kiếm tư liệu, hình ảnh, sử dụng công nghệ để thiết kế bài giảng, dựng video liên hệ cho bài học. Cô đã mạnh dạn đưa vào tiết dạy Lễ hội đền Chín Gian – lễ hội lớn đầu xuân hằng năm trên địa bàn huyện Quế Phong, về các làn điệu dân ca ví giặm Nghệ - Tĩnh hay nét đẹp văn hóa ở vùng đất khác trong tỉnh.
Kết quả hơn cả kỳ vọng của giáo viên, học sinh 3 trường học đã tương tác sôi nổi, tham gia hiệu quả các hoạt động mà giáo viên đưa ra. Điều ý nghĩa khác là học sinh ở Châu Thôn mạnh dạn, tự tin hơn, từng bước “xóa nhòa” được khoảng cách với các bạn thành phố.
Chia sẻ sau tiết dạy, cô Vy Thị Nhung cho rằng, Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên phải thay đổi nhiều trong cách soạn giáo án, giảng bài và truyền thụ kiến thức. Trước đây, giáo viên thường chú trọng vào truyền thụ kiến thức bài học thì bây giờ chuyển trọng tâm về học sinh. Giáo viên là người tổ chức hoạt động, phân công nhiệm vụ để học trò tham gia, rút ra kết luận, sau đó tổng hợp và bổ sung mở rộng vấn đề cho các em.
“Nếu chỉ gói gọn phạm vi trong trường, trong huyện, với nhóm học sinh quen thuộc thì không thể phát triển được. Các tiết học kết nối như thế này là dịp sinh hoạt, trao đổi chuyên môn, giúp chúng tôi triển khai hiệu quả Chương trình GDPT mới”, cô Vy Thị Nhung chia sẻ.
Ông Lê Đình Tam - cán bộ Phòng GD&ĐT Quế Phong cho biết: Bên cạnh các tiết học kết nối, vừa qua phòng cùng đại diện các nhà trường trên địa bàn xuống thành phố Vinh tham quan, học hỏi và bàn giải pháp để nâng cao chất lượng chuyên môn cho trường vùng cao.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ kết nối với nhiều trường học khác để có thêm tiết học ở các cấp học. Đây cũng là mô hình thiết thực, ý nghĩa để giáo viên các vùng miền giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Cùng đó giúp học sinh thụ hưởng tối đa giá trị ưu việt mà chương trình mới đem lại.