Tiết học ở thư viện làm sao để cuốn hút học sinh?
Thư viện thân thiện theo mô hình của Room to Read có nhiều khác biệt rõ nét với thư viện truyền thống, thư viện xanh, thư viện thân thiện trước đây.
Làm sao để khiến học sinh hứng thú đọc sách là câu hỏi khiến nhiều người trăn trở. Các trường học đã tổ chức khá nhiều hình thức để thu hút học sinh đến với sách. Đó là mô hình thư viện lưu động (mang sách đến gần các lớp học), rồi thư viện xanh ở góc mỗi lớp học, góc sân trường.
Những cuốn sách hay, hấp dẫn được cuộn vào ống tre treo lủng lẳng trên các cành cây hay để trên các kệ sách được trang trí bằng những hình ảnh bắt mắt.
Trường học tổ chức buổi đọc sách, những hoạt động giao lưu giới thiệu sách, bổ sung nhiều cuốn sách hay, hấp dẫn. Tuy nhiên, học sinh cũng chỉ đến với thư viện thời gian đầu rồi đâu lại vào đấy.
Học sinh tìm đến thư viện vì tò mò hơn là ham thích sách do các em chưa có được một thói quen đọc sách. Tạo được thói quen đọc sách mỗi ngày cho học sinh lại không hề đơn giản. Đó là một việc làm lâu dài và thật kiên trì.
Tiết đọc sách đã vào chương trình mới
Trong chương trình giáo dục 2018, lần đầu tiên đã xuất hiện một tiết đọc mở rộng ở môn tiếng Việt. Cứ sau 2 tuần học sẽ có 1 tiết đọc mở rộng theo chủ đề cho trước như đọc một bài văn, bài thơ về chủ đề gia đình và trả lời câu hỏi: Tên bài đọc, tác giả, nhân vật, đặc điểm, từ ngữ hay, hình ảnh đẹp, hay biện pháp nghệ thuật...Để trả lời được những yêu cầu trên, học sinh phải tìm sách để đọc.
Nhiều trường học hiện nay đã thực hiện thư viện thân thiện theo mô hình của Room to Read. Mô hình thư viện này, giống như một làn gió mới tạo nhiều hứng thú cho giáo viên và học sinh trong việc hình thành, và nuôi dưỡng thói quen đọc sách. Đây được xem như một sự kết hợp hoàn hảo giữa các mô hình thư viện trước đây.
Thư viện thân thiện theo mô hình của Room to Read là gì?
Thư viện thân thiện theo mô hình của Room to Read có không gian thoáng, thư viện được trang trí bằng những hình ảnh gần gũi với thiên nhiên, phù hợp với thị hiếu của học sinh từng cấp học.
Thư viện được bài trí, sắp xếp theo hướng mở, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận sách một cách dễ dàng, phù hợp với sở thích và khả năng đọc của từng khối lớp.
Thư viện được bố trí các góc hoạt động khác nhau, như góc trò chơi phát triển ngôn ngữ, góc tra cứu, góc sáng tạo....Sách được đánh dấu theo 6 mã màu tương ứng với trình độ đọc của học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.
Thư viện có nhiều kệ sách được thiết kế mở, có nhiều ngăn, kê ở tầm thấp cho học sinh dễ lựa chọn.. Các kệ sách cũng được đánh dấu theo mã màu tương ứng với mã màu của từng loại sách.
Bàn trong thư viện được thiết kế thấp, gọn nhẹ, dễ di chuyển. Nền nhà được lót các thảm xốp. Học sinh được ngồi bệt xuống nền khi tham gia hoạt động. Trong phòng đọc, ngoài bàn của giáo viên còn có thêm bàn của thủ thư, để cho học sinh mượn và trả sách.
Ngoài ra, thư viện còn dành một góc cho học sinh trưng bày sản phẩm cá nhân sau khi các em thực hiện hoạt động viết, vẽ về câu chuyện vừa nghe, vừa đọc.
Tiết đọc thư viện đã đưa vào chương trình học chính khóa
Điểm khác biệt lớn nhất của Thư viện thân thiện theo mô hình của Room to Read so với nhiều mô hình thư viện khác còn thể hiện ở nội dung tiếp cận sách của học sinh. Tiết đọc thư viện ở mô hình này đã được đưa vào chương trình học chính khóa.
Đó là, mỗi tháng mỗi lớp sẽ có 2 tiết đọc được tổ chức dạy tại thư viện theo kế hoạch dạy học của nhà trường. Ngoài giáo viên tổ chức hướng dẫn học còn có thêm sự góp mặt của cán bộ thư viện.
Tiết đọc thư viện thứ nhất, hướng dẫn học sinh về nội quy thư viện và cách tìm sách theo mã màu.
Tiết đọc thư viện thứ hai, hướng dẫn học sinh về quy trình mượn, trả và cách bảo quản sách.
Có nhiều hình thức đọc như đọc to nghe chung, cùng đọc, đọc cặp đôi, đọc cá nhân…cũng có nhiều hoạt động mở rộng như thảo luận sách, viết và vẽ, sắm vai…giúp cho mỗi tiết đọc thêm sinh động và hấp dẫn hơn.
Học sinh phát triển tư duy đọc và cảm thụ tác phẩm
Tại Trường Tiểu học Tân An, thị xã La Gi (Bình Thuận), học sinh đang học bộ sách Chân trời sáng tạo. Trong 2 tuần học môn tiếng Việt, học sinh sẽ có 1 tiết đọc mở rộng.
Sau tiết học cuối cùng của một buổi sáng trong những tuần đầu tháng 10, giáo viên của Trường đã được tham dự tiết đọc to - nghe chung do cô giáo Nguyễn Thế Kim Thảo cùng các em học sinh lớp 3A thực hiện.
Trước đó, các thầy cô giáo đã được tập huấn phần lý thuyết và tham dự nhiều tiết dạy của đồng nghiệp nhưng đây mới thật sự là tiết học đầu tiên thầy cô được tương tác cùng học sinh một cách trực tiếp.
Mở đầu tiết dạy, học sinh được sắp xếp ngồi quây quần quanh giáo viên. Sau khi, giáo viên cho học sinh nhắc lại nội quy thư viện, khéo léo giới thiệu bài đọc. Trước khi vào nội dung chính, giáo viên cho học sinh xem tranh để trả lời những câu hỏi trước khi dẫn dắt vào bài.
Nhiều cánh tay giơ lên để được trả lời theo suy nghĩ cảm nhận của riêng mình. Những phán đoán tiếp theo về câu chuyện...
Tiếp đến là phần đọc của giáo viên. Ngoài sự hấp dẫn của câu chuyện được chọn, giáo viên đọc đã thể hiện được sự truyền cảm trong từng câu chữ, kết hợp với ngôn ngữ cơ thể như nét mặt, cử chỉ, điệu bộ phù hợp với từng nhận vật của câu chuyện.
Cứ sau một đoạn, cô giáo lại dừng lại và đặt câu hỏi để học sinh trả lời. Những câu hỏi gợi mở, câu hỏi dẫn dắt, câu hỏi phỏng đoán càng gây thêm sự tò mò, hứng thú cho các em.
Sau mỗi câu chuyện, bằng sự dẫn dắt khéo léo của giáo viên, học sinh đã rút ra được bài học cho mình.
Điều gây bất ngờ nhất là phần hoạt động mở rộng với hình thức viết, vẽ. Người viết cứ ngỡ hoạt động này sẽ rất khó đối với các em. Tuy nhiên, nhiều em đã cảm nhận và thể hiện nội dung câu chuyện rất tốt bằng những nét vẽ ngộ nghĩnh nhưng đáng yêu của mình.
Em Đăng Khôi - học sinh lớp 3A vẽ một con chuột, khi giáo viên hỏi vì sao con vẽ con chuột? Cậu bé đã trả lời rất ngộ nghĩnh: "Em vẽ con chuột vì con chuột là tuổi của ba em". Em Bảo Lâm - học sinh lớp 3A vẽ con cáo vì "Con cáo giống với con cáo em đã xem ti vi ở nhà".
Học sinh đã rất hào hứng chia sẻ tác phẩm của mình cùng những suy nghĩ rất đáng yêu. Nghe các bạn nói, học sinh cả lớp cũng cười rộ lên tán thưởng.
“Con rất thích học tiết đọc thư viện vì đã giúp cho con được nghe nhiều câu chuyện hay và được vẽ ra những nhân vật con yêu thích”, Minh Khang đã trả lời khi được hỏi.
Thông qua những tiết đọc thư viện có hướng dẫn của giáo viên, học sinh sẽ được cảm nhận sâu sắc hơn cái hay cái đẹp về nội dung, hình thức. Ngoài ra, các em còn được mượn sách về nhà đọc. Điều này, không chỉ lan tỏa văn hóa đọc đối với người thân trong gia đình mà còn góp phần hình thành thêm thói quen đọc sách ở mỗi học sinh.