Tiết kiệm, chống lãng phí theo gương Bác

Học và làm theo tấm gương tiết kiệm, chống lãng phí của Bác Hồ sẽ là động lực quan trọng để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Ngày 8/1/1959, Xưởng May 10 (lúc đó thuộc Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần) vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Người góp ý kiến về cách cắt may sao cho nhanh, tiết kiệm, bảo đảm chất lượng

Ngày 8/1/1959, Xưởng May 10 (lúc đó thuộc Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần) vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Người góp ý kiến về cách cắt may sao cho nhanh, tiết kiệm, bảo đảm chất lượng

Bác Hồ là tấm gương sáng ngời về đức tính tiết kiệm và Người luôn luôn đấu tranh với thói lãng phí. Tư tưởng của Bác về tiết kiệm, phòng chống lãng phí để lại qua nhiều câu chuyện.

Trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí sĩ quan cấp tướng đến làm việc với Bác bị chậm 15 phút với lý do mưa to, suối lũ, ngựa không qua được. Bác bảo: ''Chú làm tướng mà đi chậm mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan không chuẩn bị đủ phương án, nên chú không giành được chủ động''.

Một lần khác, Bác và nhiều người phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi: ''Chú đến muộn mấy phút?''. Đồng chí kia trả lời: ''Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ''. ''Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây'', Bác nhắc.

Nội hàm chữ ''kiệm'' trong tư tưởng Hồ Chí Minh rất rộng, bao gồm tiết kiệm của cải vật chất, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm sức dân, tiết kiệm nhân tài, tiết kiệm lời... Tất cả mọi người, mọi tổ chức đều phải tiết kiệm, trong đó các cơ quan, bộ đội, xí nghiệp, cán bộ, đảng viên phải làm gương đi tiên phong.

Thực hành tư tưởng của Bác Hồ, ở thời kỳ nào, Đảng, Nhà nước cũng có những chủ trương, chỉ đạo, chính sách, pháp luật về tiết kiệm, phòng chống lãng phí. Gần đây nhất, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí và năm 2013 Quốc hội ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế luật năm 2005).

Rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án là một cách thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng. Trong ảnh: Ngày 26/4/2025, đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương kiểm tra Dự án Nâng cấp đường tỉnh 390B và xây dựng mới đoạn tuyến tránh trung tâm thị trấn Thanh Hà

Rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án là một cách thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng. Trong ảnh: Ngày 26/4/2025, đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương kiểm tra Dự án Nâng cấp đường tỉnh 390B và xây dựng mới đoạn tuyến tránh trung tâm thị trấn Thanh Hà

Kết quả công tác phòng chống lãng phí, thực hành tiết kiệm thời gian qua có những tiến bộ nhất định, song thực trạng lãng phí trong các mặt đời sống vẫn còn nhiều.

Trong sử dụng tài chính, tài sản công, nhiều cơ quan, đơn vị còn để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Không ít cán bộ phải vào tù do những sai phạm trong sử dụng nguồn lực của Nhà nước. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ''sáng cắp ô đi, tối cắp ô về'', làm việc thiếu tập trung, ít hiệu quả. Tình trạng hội nghị nhiều song mang tính hình thức, chất lượng thấp gây lãng phí thời gian. Có những nơi, người tài đức chưa thực sự được trọng dụng.

Hệ thống văn bản pháp luật thiếu đồng bộ, có những văn bản mâu thuẫn, chồng chéo gây vướng mắc khi thực thi cũng là một dạng lãng phí nguồn lực, thời gian. Bộ máy chính trị cồng kềnh, phình to gây lãng phí, khiến đất nước khó phát triển nhanh.

Việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức; khâu thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác này chưa nghiêm; việc kiểm soát, xử lý hành vi lãng phí chưa đủ sức răn đe... là lý do chính của những hạn chế nêu trên.

Trong bài ''Chống lãng phí'', Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Để đất nước vươn mình, phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, bên cạnh đẩy mạnh sản xuất, đầu tư, kinh doanh, cả xã hội phải coi trọng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sớm xây dựng và hình thành văn hóa tiết kiệm với mọi người, mọi tổ chức. Những bài học phát triển thần kỳ của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… trong thế kỷ trước đều cho thấy một tư tưởng giống như của Bác Hồ: Những nước này đã triệt để tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực, sức lao động… để phát triển. Những hành vi lãng phí đều bị lên án, xử lý nghiêm. Văn hóa ấy còn tồn tại đến ngày nay khi đến các nhà hàng, nếu người đến ăn để lại đồ thừa mứa nhiều hơn mức quy định, sẽ bị phạt tiền.

Nhiều biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được nêu ra trong các quy định, kế hoạch, chương trình. Hằng năm, chính quyền các cấp đều có kế hoạch về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở từng lĩnh vực. Song vấn đề cốt yếu là phải biến những giải pháp đó thành hành động và tạo hiệu quả trong thực tế, tránh để trên giấy. Bác Hồ từng căn dặn về việc này: Do nguy cơ lãng phí hiện hữu mọi nơi, mọi lúc nên cuộc đấu tranh chống lãng phí phải được tiến hành thường xuyên, triệt để, rộng khắp, có kế hoạch, có tổ chức, có lãnh đạo, có phương pháp. Tuyệt đối không được phát động phong trào rồi ''đánh trống bỏ dùi''.

NINH TUÂN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tiet-kiem-chong-lang-phi-theo-guong-bac-411799.html