Tiết kiệm điện, ai cũng có thể thực hiện

Tuần qua, Hà Nội và nhiều địa phương lân cận đón những cơn mưa giải nhiệt sau những ngày nắng nóng. Và không chỉ góp phần giải nhiệt, những cơn mưa còn giúp người dân Hà Nội vợi bớt nỗi lo cắt điện luân phiên do mực nước các hồ thủy điện phần nào được cải thiện.

Tuy nhiên, cũng cần thấy nguyên nhân quan trọng khiến tình hình cung cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất được cải thiện là kết quả của việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản và các bộ, cơ quan có liên quan đã nỗ lực thực hiện một số giải pháp cấp bách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có việc kêu gọi thực hành tiết kiệm điện.

Không phải ngẫu nhiên mà trong Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành mới đây đã nhấn mạnh yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân nghiêm túc, quyết liệt thực hiện việc tiết kiệm điện nhằm mục tiêu cả nước phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ tới năm 2025.

Theo tinh thần Chỉ thị 20/CT-TTg, việc tiết kiệm điện phải được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, từ cơ quan, công sở, DN sản xuất, cho đến các hộ gia đình. Do tính chất đặc thù của việc sử dụng điện trong sinh hoạt, mang tính liên tục 24/24 giờ trong ngày, có thể nói, việc thực hiện tiết kiệm điện tại các hộ gia đình có tác dụng rất lớn nếu như được thực hiện rộng khắp, thường xuyên.

Cụ thể là tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện, chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết và sử dụng ở chế độ, mức nhiệt độ phù hợp (chế độ làm lạnh từ 26oC trở lên)…

Những điều đó tưởng như đơn giản nhưng để thực hiện rất cần ý thức tự giác của mỗi người, dần trở thành một thói quen tốt.

Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, nền nhiệt độ các tháng trong năm 2023 dự báo có xu hướng cao hơn mức trung bình nhiều năm và nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn, số ngày nắng nóng trong năm 2023 xuất hiện nhiều hơn so với năm 2022.

Cũng do ảnh hưởng của tình trạng trên, ở nước ta, từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa trên toàn quốc phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng lượng mưa giảm, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, nắng nóng và khô hạn có thể xuất hiện trong thời gian tới.

Trong khi đó, nắng nóng gay gắt và tác động của hiện tượng El Nino diễn ra tại nhiều nơi trong cả nước đã làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt của Nhân dân. Mặt khác, với tình trạng thiếu mưa ở các tỉnh phía Bắc cũng làm cho lượng nước về các hồ thủy điện rất thấp, ảnh hưởng rất lớn đến cung ứng điện trong mùa khô năm 2023.

Như vậy trong dài hạn nguy cơ thiếu điện vẫn hiện hữu. Và thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/6/2023 về thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới cũng như Chỉ thị 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo vẫn là một nhiệm vụ cấp bách.

Theo EVN, cơ cấu phụ tải điện năng hiện nay có 2 thành phần chủ yếu là Công nghiệp và xây dựng (54%) và Quản lý và tiêu dùng dân cư (34%).

Thành phần điện sử dụng cho sinh hoạt vẫn chiếm tỷ trọng lớn, ảnh hưởng nhiều tới biểu đồ phụ tải, chênh lệch cao điểm - thấp điểm lớn… do ảnh hưởng từ thói quen, tập quán sinh hoạt của cư dân. Vì vậy, sử dụng điện một cách hợp lý, tiết kiệm vẫn cần được coi là một biện pháp mang tính bền vững.

Trong khi đó, đây lại là điều mỗi người dân, từ người già đến trẻ nhỏ, từ cán bộ đến dân thường, ai cũng có thể thực hiện. Cũng bởi vậy, tiết kiệm điện mọi nơi, mọi lúc cần được coi là biện pháp quan trọng, ích nước lợi nhà.

Lê Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tiet-kiem-dien-ai-cung-co-the-thuc-hien.html