Tiết kiệm điện: Đã hết thời 'không muốn thì thôi'?
Ông Hà Đăng Sơn- Chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh đặt vấn đề, việc tiết kiệm điện hiện tại cần hành động mạnh mẽ hơn, mang tính chất bắt buộc thay vì 'không muốn thì thôi'.
Chia sẻ tại tọa đàm về “Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống”, ông Trịnh Quốc Vũ- Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ thị, chỉ đạo về việc tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Về vấn đề này, ông Hà Đăng Sơn cho rằng, tiết kiệm điện liên quan đến nhận thức, bởi thói quen của chúng ta được xây dựng qua quá trình lâu dài chứ không phải thông qua những phong trào mang tính chất ngắn hạn.
Theo ông Sơn, đã đến lúc tiết kiệm điện cần hành động mạnh mẽ hơn, mang tính chất bắt buộc hơn chứ không phải không muốn thì thôi.
Có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân khiến việc tiết kiệm điện chưa mang lại kết quả như mong muốn là do giá điện của Việt Nam còn thấp. Ông Hà Đăng Sơn cho biết: “Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đang trong tiến trình cố gắng cải cách giá theo các cơ chế khác nhau để làm sao bám dần vào thị trường. Chúng ta phải mua nhiên liệu đầu vào rất cao nhưng bán ra với giá đã được cố định và giữ nguyên trong rất nhiều năm, không hề có điều chỉnh trượt giá so với giá năng lượng thế giới”.
Vị chuyên gia này cho hay, chúng ta mua nhiên liệu, mua thiết bị từ nước ngoài, theo giá quốc tế thì chẳng có lý do gì để giá năng lượng của Việt Nam lại rẻ hơn giá thế giới; Có chăng chỉ có hai ba dạng năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời) vì nguồn nguyên liệu của chúng ta rẻ hơn còn ngay cả nhiệt điện than, hiện TKV cũng yêu cầu giá than bán cho EVN phải phản ánh được giá thị trường.
“Giá của chúng ta hiện nay là đang được trợ giá do chính sách an sinh xã hội và nhiều chính sách khác của Chính phủ”- ông Hà Đăng Sơn nói.
Nhìn nhận ở góc độ khác, TS. Trần Đình Thiên- Chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, để sử dụng điện hiệu quả là sản lượng phải đủ, nếu thiếu điện thì không thể nào hiệu quả được.
“Không phải vì thiếu mà chúng ta mới cần tiết kiệm, mà điều quan trọng là nguồn cung về điện phải ổn. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực hơn. Vừa rồi, chúng ta tăng sản lượng điện, đây là một trong những cách tiếp cận quan trọng bậc nhất để tăng hiệu quả sử dụng điện”- ông Trần Đình Thiên cho hay.
Theo ông Võ Quang Lâm- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 4 tháng đầu năm nay, điện thương phẩm đạt 96,2 tỷ kWh điện, tăng 12,4% so với 2023. Nhìn lại cả năm 2023, điện thương phẩm toàn quốc tăng 4,26%. Như vậy, riêng 4 tháng đầu năm 2024, điện thương phẩm tăng xấp xỉ khoảng 3 lần so với 2023 và đây cũng là tỉ lệ tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây.
Trong đó, điện cho công nghiệp tăng 10,91%, điện cho thương mại-dịch vụ tăng 18,95% , điện cho sinh hoạt tăng 18,54%, cao gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng của cả nước trong thời gian vừa qua.
Nhìn kỹ hơn vào từng khu vực, riêng tại Hà Nội, điện cho thương mại-dịch vụ tăng trưởng 33,26%, điện cho sinh hoạt khu vực Hà Nội tăng 29,27%, tức là tăng xấp xỉ hơn 30% với 2 thành phần thương mại và dịch vụ.
Còn tại miền Bắc, tiếp tục duy trì tăng trưởng điện thương phẩm cho sản xuất công nghiệp (tăng trưởng 13,02% - là mức rất cao trong 4 tháng vừa qua).
Trong tháng 4-2024, hệ thống điện đã lập những kỷ lục mới, cao hơn rất nhiều so với công suất và sản lượng trong quá khứ. Vào 13h30 ngày 27-4-2024, công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia đã đạt 47.670 MW, tăng trưởng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn công suất cực đại năm 2023 là 1.929 MW, con số kỷ lục trong toàn bộ quá trình 70 năm của ngành điện lực Việt Nam.
Về sản lượng, ngày 26-4-2024, sản lượng điện toàn quốc đạt 994 triệu kWh, tăng 14,3% so với 2023 và tăng 7,6% so với ngày cao nhất của 2023. Tính theo giá trị tuyệt đối thì số lượng này tăng 70 triệu kWh trong 1 ngày của ngày 26-4.
“Tuy nhiên, những kỷ lục này đều xảy ra vào những ngày nghỉ lễ. Đó là thời kỳ bắt đầu mùa nắng nóng ở miền Bắc và cũng là mùa nắng nóng ở miền Trung. Chúng tôi dự báo trong năm 2024, vào những tháng sắp tới, hệ thống điện của chúng ta có thể có những kỷ lục mới về công suất, sản lượng”- ông Võ Quang Lâm thông tin.
Về tiết kiệm điện, đại diện EVN cho rằng, nước ta là quốc gia có tỉ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả bằng một số nước khác. Ví dụ, so sánh theo hệ số quy đổi, để có 1.000 USD chúng ta cần 376 tấn dầu quy đổi, trong khi trung bình trên thế giới chỉ vào khoảng 170 tấn dầu quy đổi, với các nước trong OECD thì con số này khoảng 104 tấn dầu quy đổi, với Singapore là 99 tấn dầu quy đổi, Nhật Bản là 90 tấn dầu quy đổi.
Như vậy, để có 1.000 USD, chúng ta đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2-3 lần các quốc gia khác. Đây là thách thức rất lớn để chúng ta phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện trong thời gian tới.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tiet-kiem-dien-da-het-thoi-khong-muon-thi-thoi-post576519.antd