Tiết kiệm gần 80 triệu sau 4 năm đại học, bí quyết là gì?
Theo Phương Hà, điều quan trọng là phải có ý thức tiết kiệm và không để bản thân sa vào chủ nghĩa tiêu dùng.
Phương Hà, 23 tuổi, hiện tại đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội đã có khoản tiết kiệm gần 80 triệu đồng sau 4 năm đại học. Được biết, trong khoảng thời gian học đại học, cô bạn gần như không đi làm, chỉ có đi thực tập vào kỳ cuối với mức hỗ trợ khá ít. Vậy bí quyết gì để giúp cô bạn có số tiền tiết kiệm khá lớn sau 4 năm?
Khoản tiết kiệm gần 80 triệu đồng đến từ đâu?
Phương Hà chia sẻ rằng có 2 lý do giúp cô bạn tiết kiệm được khoản tiền như vậy đó là thứ nhất gia đình khá hỗ trợ trong chi phí sinh hoạt và thứ 2, cô bạn có ý thức tiết kiệm, biết đến lãi kép ngay từ năm đầu đại học.
“Mình xa nhà học ở Hà Nội. Cùng lúc, anh họ đi du học và làm việc ở nước ngoài nên mình được ở ké nhà, đỡ được chi phí thuê nhà. Ngoài ra, bố mẹ ở quê sẽ gửi đồ ăn, cho nên, mình không phải đi mua đồ ăn”.
Khi học đại học, mỗi tháng cô bạn sẽ được gia đình cho 4 triệu và thường sẽ chỉ tiêu khoảng 3,2 triệu/tháng. Khoản này bao gồm tiền điện nước, dịch vụ, Internet khoảng 1 triệu; đi siêu thị và ăn hàng quán với bạn bè 1,2 triệu; xăng xe, mua sắm và những chi phí phát sinh là 1 triệu. Do vậy mỗi tháng, Phương Hà sẽ tiết kiệm được 900 nghìn đồng. Tổng 4 năm chưa tính lãi kép khi gửi tiết kiệm ngân hàng là 38,4 triệu đồng.
Ngoài ra, khi đại học cô bạn được họ hàng cho 5 triệu, cùng với lễ Tết sau khi trừ đi chi phí mua đồ sắm sửa sẽ còn khoảng 10 triệu. Tổng cộng khoản này tiết kiệm được 15 triệu đồng.
Bên cạnh đó, năm cuối đại học tức từ tháng 1/2022 đến tháng 6/2022, cô bạn đi thực tập với mức hỗ trợ 2 triệu/ tháng. Phương Hà chia sẻ bản thân chi thêm 1 triệu/ tháng để ăn trưa và đôi lúc uống cà phê cùng đồng nghiệp. Tức là trong 6 tháng cô bạn tiết kiệm được 6 triệu đồng.
Và 3 tháng cuối cho đến khi tốt nghiệp đại học, cô trở thành nhân viên chính thức với mức lương 8 triệu, không nhận hỗ trợ từ bố mẹ, mỗi tháng cô bạn vẫn chi tiêu như cũ khoảng 4,2 triệu/ tháng, và tiết kiệm được 11,4 triệu đồng.
“Mình không nhớ chính xác khoản tiền lãi kép trong 4 năm, mình nhận được từ ngân hàng là bao nhiêu bởi vì thường mình sẽ gửi theo tháng, khá là khó để tính toán chính xác. Song, nó rơi vào khoảng 5-7 triệu, tổng cộng cho đến thời điểm nhận bằng tốt nghiệp, mình tiết kiệm được gần 80 triệu đồng”.
Hàng tháng đều gửi tiết kiệm online
Phương Hà chia sẻ rằng do bố mẹ luôn nhắc nhở về tầm quan trọng của tiết kiệm nên cô bạn đã có ý thức tích lũy khi bắt đầu học đại học. Khi nhận được khoản “tiền thưởng” từ họ hàng, cô bạn ngay lập tức đã ra ngân hàng để tạo tài khoản tiết kiệm trực tiếp.
Bên cạnh đó, cô bạn 23 tuổi cũng mở tài khoản tiết kiệm online ngày từ tháng đầu tiên học ở Hà Nội. “Tháng đầu tiên, sau khi nhận được tiền sinh hoạt từ gia đình, mình liền chuyển luôn 500 nghìn vào tài khoản tiết kiệm. Sau đó, cuối tháng còn thừa bao nhiêu, mình sẽ để lại để đến lần đáo hạn tiếp theo gửi vào. Sau 1 thời gian, mình tính trung bình mỗi tháng để dành được 800 nghìn đồng, từ đó về sau cứ đúng hạn, mình gửi vào tài khoản tiền tiết kiệm online”.
Song, Phương Hà nhấn mạnh rằng để tài khoản tiết kiệm online, nhiều người có xu hướng rút về hơn là khi ra quầy gửi trực tiếp. Bởi vì, thao tác để tất toán online rất nhanh chóng còn đi ra quầy có rất nhiều thủ tục phức tạp. Chẳng hạn, Phương Hà sẽ rất lười để ra hoàn thành nhiều bước như vậy.
Do vậy, thông thường, mỗi năm cô bạn sẽ gửi toàn bộ tiền tiết kiệm online sang lấy sổ tài khoản tiết kiệm giấy 1 lần. Như vậy, cô bạn sẽ hạn chế được tối đa tình huống, vì những mong muốn mua sắm không cần thiết mà rút tiết kiệm ra chi tiêu.
Ngoài ra, nhiều người cho rằng có tiền thì nên đầu tư, song Phương Hà tự nhận chưa đủ kiến thức nên không muốn liều lĩnh. Hiện tại, cô bạn đã bắt đầu dành 1 khoản tiền nhỏ để vừa trải nghiệm đầu tư vừa học hỏi trong khoảng rủi ro chấp nhận được.
Mặt khác, trong quản lý chi tiêu, Phương Hà chia sẻ bản thân ít khi ghi chép lại. Bởi vì đã trích khoản tích lũy trước, do vậy, cô bạn sẽ tự cân đối chi tiêu trong tháng. Nếu đầu tháng, tiêu quá tay, cuối tháng sẽ thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”.
“Mình thường ít khi mua sắm quần áo hay mỹ phẩm vì không có nhu cầu và đam mê quá nhiều. Mặt khác, mình khá thích đi du lịch và ăn uống. Tháng nào, đầu tháng chi tiêu quá nhiều, cuối tháng mình sẽ tự động hạn chế để cân bằng. Tất nhiên, cũng có tháng, chi vượt ngân sách, những tháng sau mình sẽ cắt bớt 1 phần tiền sinh hoạt để chắc chắn chia trung bình ra vẫn giữ nguyên con số đã định ra trước đó”.
Hơn thế nữa, dù đã đi làm được hơn 1 năm, mức lương cũng tăng lên, Phương Hà vẫn gần như giữ nguyên mức chi tiêu hàng tháng như cũ. “Mình cố gắng tránh xa chủ nghĩa tiêu dùng, lạm phát chi tiêu, để có thể tiết kiệm cho những mục tiêu xa hơn”.