Tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp
Theo Bộ Công thương, ngành công nghiệp hiện chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Các khảo sát cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp tại Việt Nam được đánh giá vào khoảng từ 20 - 30%.
Dư địa tiết kiệm năng lượng tiềm năng
Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam - một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu đã đưa ra cam kết mạnh mẽ, đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0.
Thống kê của Bộ Công thương cho biết, thực hiện Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc từ ngày 1/7/2013, đã có trên 90% thiết bị gia dụng có dán nhãn năng lượng. Chương trình đã loại bỏ tiêu thụ bóng đèn sợi đốt, nâng hiệu suất năng lượng đối với 6 loại sản phẩm sử dụng nhiều năng lượng (Máy biến áp, điều hòa không khí, nồi cơm điện, quạt điện, đèn huỳnh quang ống, CFL).
Còn đối với các công trình xây dựng tại Việt Nam, với tỷ lệ gia tăng diện tích sàn đưa vào sử dụng hàng năm là trên 40% thì tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng tại Việt Nam ước tính từ 30 - 35%.
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cả nước có 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE (tấn dầu quy đổi) tương đương 6 triệu kWh điện/năm trở lên. Các doanh nghiệp này có mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm. Nếu các cơ sở này chỉ cần tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025, hàng năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh điện (tương đương tiết kiệm chi phí tiền điện được hơn 3.200 tỷ đồng).
Ông Mã Khai Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về tiết kiệm năng lượng (Enerteam) từng chỉ ra thực trạng việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn rất lãng phí. Cường độ sử dụng năng lượng trên GDP ở nước ta rất cao so với mức bình quân trên thế giới. Và nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì lượng năng lượng nhập khẩu chắc chắc sẽ ngày càng cao. Cũng theo ông Hiền, đã đến lúc phải chấm dứt việc sử dụng năng lượng lãng phí và cải thiện chất lượng “cầu” của năng lượng, hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh hơn, bền vững.
Cần có kiểm toán năng lượng
Đại diện Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ Việt Nam (VETS) Thái Hoài Thanh cho biết, tỷ trọng tiêu thụ năng lượng của ngành công nghiệp Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc) và ngày càng tăng cao. Lượng phát thải khí nhà kính của các ngành công nghiệp cũng cao tương ứng. Vì vậy các doanh nghiệp công nghiệp cần được hỗ trợ để nâng cao hiệu quả năng lượng.
Mặc dù hiện nay, Bộ Công thương đã ban hành hướng dẫn “Các bước thực hiện kiểm toán năng lượng và mẫu báo cáo kiểm toán năng lượng” ban hành kèm theo Thông tư 25 ngày 29/9/2020, tuy nhiên việc thực hiện vẫn còn một số khó khăn, tồn tại nhất định.
Ông Thanh đánh giá, khung chính sách đang hoàn thiện nên các doanh nghiệp đã quan tâm đến quản lý năng lượng, song vẫn còn có tiềm năng để cải tiến hơn nữa. Tuy vậy, điều cần thiết là phải có đơn vị tư vấn đủ kinh nghiệm và tuân thủ đầy đủ quy trình thực hiện kiểm toán năng lượng và các hướng dẫn của Bộ Công thương. Trong báo cáo kiểm toán năng lượng, các giải pháp phải được phân tích chi tiết tiềm năng tiết kiệm năng lượng, phương án kỹ thuật, lượng tiền tiết kiệm được, khả năng hòa vốn...
Về các giải pháp kỹ thuật, ông Nguyễn Thanh Hà - chuyên gia năng lượng (Công ty cổ phần RCEE-NIRAS) cho biết, trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025 (DEPP3), Bộ Công thương đã phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch tiến hành một số nghiên cứu về Chương trình thỏa thuận tự nguyện (VAS) nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp.
Doanh nghiệp tham gia vào Chương trình thỏa thuận tự nguyện sẽ nhận được các hỗ trợ kỹ thuật, như hỗ trợ kiểm toán năng lượng, thực hiện nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, xây dựng đề xuất dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng để tiếp cận vốn vay ngân hàng và chuẩn bị hồ sơ thu xếp tài chính để tiếp cận các nguồn tài chính xanh, tài chính khí hậu. Các kết quả đạt được sẽ đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, giảm tiêu hao năng lượng, tuân thủ quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để tăng cường năng lực cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tiet-kiem-nang-luong-trong-cong-nghiep-10291234.html