Tiết lộ chế độ bổng lộc dành riêng cho hậu phi nhà Thanh: Đấu đá đến chết cũng vì lí do 'tế nhị' này

Đây là một lí do hàng đầu của các cuộc tranh đấu chốn hậu cung giữa các phi tần nhà Thanh. Sự chênh lệch quyền lực và bổng lộc giữa các phi tần chính là ngòi nổ cho những cuộc chiến đẫm máu.

Quy định vềgây sốc của hậu phi nhà Thanh

Ai cũng nghĩ rằng các phi tần, thê thiếp của nhà vua đều sẽ được hưởng thụ cuộc sống ăn sung mặc sướng, tiêu tiền như nước.

Trái ngược hẳn với tưởng tượng của chúng ta, thực tế là các hậu phi trong lịch sử Trung Hoa vốn không có quyền tự do tiêu xài tiền bạc mà cũng chỉ được phát bổng lộc ở một mức nhất định.

Đặc biệt là vào thời nhà Thanh, khi chế độ quản lý hậu cung đã đạt tới mức hoàn thiện và chặt chẽ nhất, thì đời sống chi tiêu của những phi tử nơi cung cấm thậm chí cũng được quy định hết sức rạch ròi.

Ảnh minh họa

Chiếu theo quy chế của Thanh cung, hậu cung của các vị Hoàng đế chỉ được phép có 1 Hoàng hậu, 1 Hoàng Quý phi, 2 Quý phi, 4 Phi, 6 Tần. Các cấp bậc thấp hơn như Quý nhân, Thường tại, Đáp ứng tuy không giới hạn số lượng nhưng cũng không thể lựa chọn một cách tùy tiện.

Về chế độ cấp phát bổng lộc, mỗi hàm phi vị khác nhau sẽ được hưởng thụ những đại ngộ khác nhau. Đãi ngộ này sẽ bao gồm cả ngân lượng cấp theo năm và các nhu yếu phẩm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của họ.

Cũng bởi quy chế phát "lương – thưởng" theo thứ bậc như trên, hậu cung Thanh triều từng được ví như một chốn quan trường thu nhỏ - nơi mà lợi ích kinh tế của mọi phi tử đều phụ thuộc vào phẩm hàm và sự sủng ái mà Hoàng đế dành cho họ.

Theo các nhà nghiên cứu sử học, nếu quy đổi ngân lượng của Thanh triều sang đơn vị tiền Trung Quốc hiện đại, 1 lượng bạc sẽ tương đương với khoảng 250 nhân dân tệ. Lấy tỷ giá 1 NDT xấp xỉ bằng 3500 VNĐ, ta sẽ có được con số về "mức lương" thực tế của những phi tần nhà Thanh thông qua các số liệu dưới đây:

Hoàng hậu

Theo lẽ thông thường, người được hưởng thụ đãi ngộ cao nhất trong hậu cung Thanh triều (chỉ tính riêng các thê thiếp của Hoàng đế) nghiễm nhiên sẽ là Hoàng hậu. Dựa vào ghi chép của Thanh cung, Hoàng hậu mỗi năm được hưởng 1000 lượng bạc.

Một lượng bạc của thời nhà Thanh sẽ ứng với khoảng 250 NDT. Như vậy, các Hoàng hậu của vương triều này mỗi năm sẽ nhận được 250.000 NDT/năm, tương đương mức lương 20.800 NDT một tháng, nghĩa là xấp xỉ với khoảng 73 triệu Việt Nam đồng cho mỗi tháng.

Hoàng Quý phi

Hưởng mức đãi ngộ cao thứ hai là các vị Hoàng Quý phi. Những nhân vật được ví như "Phó Hoàng hậu" trong hậu cung này sẽ được hưởng 800 lượng bạc mỗi năm, tương đương khoảng 200.000 NDT/năm, ứng với mức lương 16.600 NDT/tháng, nghĩa là xấp xỉ với khoảng 58 triệu đồng tiền Việt cho mỗi tháng.

Quý phi

Các vị Quý phi trong hậu cung Thanh triều mỗi năm được cấp phát 600 lượng bạc làm bổng lộc, tương đương với khoảng 150.000 NDT/năm, ứng với mức lương gần 12.500 NDT/tháng, nghĩa là xấp xỉ với khoảng 43 triệu 750 ngàn Việt Nam đồng cho mỗi tháng.

Phi

Những người ở hàng Phi vị sẽ được hưởng bổng lộc 300 lượng bạc/năm, tương đương 75.000 NDT/năm, ứng với mức lương 6250 NDT/tháng, xấp xỉ với khoảng 21 triệu 900 ngàn tiền Việt cho mỗi tháng.

Tần

Những phi tử mang Tần vị thường được cấp phát 200 lượng bạc mỗi năm, tương đương 50.000 NDT/năm, ứng với mức lương khoảng 4200 NDT/tháng, xấp xỉ với khoảng 14 triệu 700 ngàn Việt Nam đồng cho mỗi tháng.

Quý nhân

Quý nhân trong hậu cung Thanh triều mỗi năm được cấp 100 lượng bạc làm bổng lộc, tương đương 25.000 NDT/năm, ứng với mức lương 2000 NDT/tháng, xấp xỉ với khoảng 7 triệu tiền Việt cho mỗi tháng.

Thường tại

Xếp dưới Quý nhân là các Thường tại, nhóm người này được phát 50 lượng bạc làm bổng lộc hàng năm, tương đương 12.500 NDT/năm, ứng với mức lương hơn 1.000 NDT/tháng, xấp xỉ với khoảng 3 triệu 500 ngàn Việt Nam đồng cho mỗi tháng.

Đáp ứng

Đứng cuối trong danh sách những phi tần có chức vị trong hậu cung là các Đáp ứng. Họ chỉ nhận được 30 lượng bạc để chi tiêu cho cả năm, tương đương với 7.500 NDT/năm, ứng với mức lương 625 NDT/tháng, xấp xỉ với khoảng 2 triệu 900 ngàn tiền Việt cho mỗi tháng.

Ảnh minh họa

Ngoài số bổng lộc được xem như tiền lương kể trên, mỗi phi tần ở các thứ bậc khác nhau sẽ được hưởng những đãi ngộ khác nhau về nhu yếu phẩm. Số vật dụng này sẽ bao gồm lăng la tơ lụa, đồ ăn hàng ngày, số cung nữ hầu hạ...

Ngoài ra, vào dịp sinh nhật của mỗi phi tử, nhà vua sẽ ban thưởng cho họ quà tặng là những lễ vật riêng. Trong các dịp lễ tết, những phi tần có con đều được Hoàng đế phát "hồng bao". Số ngân lượng hoặc lễ vật được phát trong các dịp này được gọi là "thứ bổng", tương đương với tiền thưởng trong thời hiện đại.

Mặc dù được quy định rõ ràng, thế nhưng thông qua các đãi ngộ kể trên, không khó để nhận thức mức độ chênh lệch giữa những người có thứ bậc khác nhau là rất lớn.

Thực tế là chỉ cần hơn kém một thứ bậc là đãi ngộ của người có phẩm hàm cao hơn gần như đã gấp đôi, gấp rưỡi người ở hàng thấp hơn. Đó là chưa kể tới việc Hoàng hậu thậm chí còn được hưởng đãi ngộ gấp tới hàng chục lần so với các phi tần cấp thấp.

Sự thay đổi trong chế độ bổng lộc

Danh sách phía trên chỉ là “mức lương cơ bản” mà bất kì phi tần tiêu chuẩn nào cũng có thể đạt được, và được sử dụng cố định qua các đời (suốt gần 300 năm mức lương chả được tăng lên lúc nào cả) - nhưng đến thời Càn Long, có lẽ do thừa hưởng thành quả quá lớn từ cha là Hoàng đế Ung Chính và ông nội là Hoàng đế Khang Hi, bổng lộc của nữ nhân trong cung có chút ít thay đổi như sau:

Ghi chép vào năm Càn Long thứ 16, lúc này Phú Sát Hoàng hậu đã qua đời, Nhàn Phi năm nào giờ đã được tấn phong dần lên vị trí trung cung Hoàng hậu, trở thành vị Hoàng hậu thứ hai của Càn Long, các phi tần cũng đã được thăng lên vị phân cao hơn.

Na Lạp Hoàng hậu: 1 ngàn lượng bạc, 13 cung nữ

Thuần Quý phi, Gia Quý phi: 600 lượng bạc, 8 cung nữ

Thư Phi: 300 lượng bạc, 7 cung nữ

Du Phi, Lệnh Phi: 300 lượng bạc, 6 cung nữ

Di Tần, Uyển Tần, Khánh Tần, Dĩnh Tần: 200 lượng bạc, 6 cung nữ

Thận Quý nhân, Lâm Quý nhân: 100 lượng bạc, 4 cung nữ

Bách Thường tại, Quỹ Thường tại, Ngạc Thường tại: 50 lượng bạc, 3 cung nữ

Chính vì sự chênh lệnh quá nhiều giữa các cấp bậc này mà các cuộc tranh đấu không ngừng diễn ra nơi hậu cung.

Theo Mộc/Khỏe & Đẹp

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/tiet-lo-che-do-bong-loc-danh-rieng-cho-hau-phi-nha-thanh-dau-da-den-chet-cung-vi-li-do-te-nhi-nay/20200212020719191