Tiết lộ về sát thủ chống tăng 'nhỏ mà có võ' của Ukraine trên chiến trường
Các thành viên NATO đã trang bị cho Ukraine nhiều phương tiện bọc thép tiên tiến trong cuộc xung đột với Nga, giúp Kiev sở hữu hỏa lực, cơ hội sống sót và khả năng cơ động trước khi bước vào những cuộc giao tranh ác liệt.
Trong số những phương tiện được bổ sung vào kho vũ khí của Ukraine có xe chiến đấu bộ binh Bradley - một phương tiện mạnh mẽ đang cho thấy giá trị trên chiến trường, hàng thập kỷ sau khi lần đầu tiên được vào tác chiến.
Người ta từng kỳ vọng cao vào xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất nhưng kỳ vọng đó đã ngày càng mai một. Tuy nhiên, bất chấp việc chịu tổn thất đáng kể, Bradley đã liên tục cho thấy tính hiệu quả, theo một cách nào đó thậm chí còn vượt qua Abrams. Kiev không nhận được nhiều xe tăng Abrams và điều này đã hạn chế khả năng tạo nên tác động của nó trên chiến trường.
Bradley không mang đến sức mạnh chiến đấu tổng thể như Abrams bởi chúng là phương tiện chiến đấu và chở quân nhân nhưng Bradley có thể hoạt động theo những cách thức giống như một xe tăng với những lợi thế riêng. Theo chuyên gia quốc phòng Mark Cancian, xe bọc thép Bradley do Mỹ sản xuất "đang phát huy hiệu quả với vai trò là xe tăng hạng nhẹ".
Phương tiện chiến đấu bộ binh "rất hiệu quả"
Xe bọc thép Bradley được xây dựng nhằm phản ứng trước những phương tiện chiến đấu bộ binh thời Liên Xô, đi vào hoạt động trong những năm 1980. Đây là một hệ thống đã chứng minh được khả năng chiến đấu, được triển khai trong Chiến tranh vùng Vịnh vào đầu những năm 1990 và sau đó được đưa tới Iraq trong thập kỷ sau đó. Nó được khen ngợi về khả năng cơ động, cơ hội sống sót trên chiến trường, hỏa lực và đặc biệt là khả năng loại bỏ xe bọc thép của đối phương đang di chuyển.
Với tầm hoạt động gần 500km và kíp lái 3 người, Bradley có thể vận chuyển 6 binh lính được trang bị đầy đủ đến và rời chiến trường với tốc độ 64km/h. Nó được trang bị tên lửa TOW, súng xích M242 Bushmaster cỡ nòng 25mm và súng máy M240C cỡ nòng 7,62mm.
Xe tăng Bradley sở hữu hệ thống giám sát tầm nhiệt - cũng được trang bị trên xe tăng Abrams, có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 8km. Lớp giáp bằng thép và nhôm, cũng như tấm chắn phía trước bụng xe đủ bền để bảo vệ nó khỏi một số loại đạn dược và chắn cho nó trước các vụ nổ mìn. Lớp giáp của Bradley cũng có thể được tăng cường bằng giáp phản ứng nổ giống như xe tăng chiến đấu chủ lực để bảo vệ nó tốt hơn.
Một cựu sĩ quan bộ binh của quân đội Mỹ nhận định với Business Insider rằng, "những khả năng mà nó mang lại về tốc độ, khả năng theo kịp xe tăng, khả năng di chuyển bộ binh trên chiến trường nhanh chóng và lớp giáp khá chắc chắn của nó cùng với các hệ thống vũ khí được trang bị, đã khiến nó trở thành một phương tiện chiến đấu bộ binh hiệu quả".
Các xe tăng chiến đấu chủ lực, chẳng hạn như Abrams không nhất thiết phải là phương tiện phù hợp cho Ukraine. Một phần nguyên nhân là bởi Kiev có nhiều xe bọc thép Bradley hơn xe tăng Abrams. Ngoài ra, các điều kiện chiến trường cũng cho thấy một phương tiện hạng nhẹ sẽ tốt hơn các phương tiện hạng nặng
Phương tiện chiến đấu bộ binh Bradley nhẹ hơn xe tăng Abrams khoảng 40 tấn. Cựu sĩ quan bộ binh Mỹ giải thích, phương tiện này xử lý tốt các hoạt động địa hình và thường không dễ bị "sa lầy trong bùn".
"Bradley có lẽ cơ động hơn một chút so với xe tăng chiến đấu chủ lực. Nó cao hơn nên dễ thành mục tiêu nhưng lại nhỏ gọn và có thể di chuyển qua địa hình nhanh hơn", cựu sĩ quan trên cho hay.
Chiến trường ở Ukraine khác với những gì vũ khí Mỹ trải qua ở Trung Đông. Không phận trong trạng thái giao tranh - ngăn cản sự yểm trợ trên không cho các chiến dịch bằng xe bọc thép, UAV cùng với xe chiến đấu bộ binh được trang bị tên lửa chống tăng và trực thăng được trang bị tương tự, hiện đang đe dọa các xe tăng với mức độ chưa từng có. Một môi trường như vậy có thể tạo ra những lựa chọn thay thế nhẹ hơn, nhanh hơn và cơ động hơn xe tăng hạng nặng.
Ngoài ra, trong khi các xe tăng Abrams với lớp giáp mạnh mẽ được chế tạo để tiêu diệt các xe tăng khác thì những trận tăng chiến dường như không phổ biến ở Ukraine. Chiếc xe tăng hàng đầu này cũng được chế tạo để thực hiện những chiến dịch đột phá nhưng các cuộc tấn công bọc thép quy mô lớn không thực sự diễn ra.
Theo Business Insider, Bradley có thể trụ vững trong một cuộc tăng chiến. Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder trước đây đã nói rằng Bradley không phải là xe tăng nhưng nó là một "sát thủ chống tăng" đồng thời là một công cụ hữu hiệu chống lại bộ binh. Ukraine đã sử dụng chúng để nhắm vào các boongke, bộ binh, súng máy và các mục tiêu khác.
Bradley có thể dễ dàng khôi phục, sửa chữa, bảo trì, có khả năng cơ động, tác chiến và bảo vệ tổ lái, đồng thời không được xem là một mục tiêu có giá trị cao như Abrams. Một số kíp tăng Abrams nói rằng phương tiện này khiến họ trở thành "mục tiêu số 1".
Kể từ khi những phương tiện Bradley đầu tiên đến chiến trường cách đây 1 năm, các binh lính Ukraine đã khen ngợi phương tiện này về vai trò chiến đấu, hỏa lực cũng như khả năng sống sót của nó.
Phát huy vai trò của xe tăng hạng nhẹ
Phần lớn thành công của Bradley phụ thuộc vào cách Ukraine sử dụng chúng. Chuyên gia Cancian - cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết, dựa trên các đoạn video, dường như Ukraine đang vận hành Bradley tương tự như một xe tăng thay vì một phương tiện bọc thép hay vận chuyển.
"Rõ ràng Ukraine dường như đang sử dụng phương tiện này rất khác so với cách quân đội Mỹ sử dụng. Họ sử dụng nó nhiều hơn trong vai trò trinh sát, vai trò xe tăng hạng nhẹ thay vì một phương tiện chiến đấu bộ binh", chuyên gia này cho hay.
Mỹ có xu hướng vận hành những chiếc Bradley theo nhóm, trong đó các phương tiện này hoạt động cùng với các xe tăng Abrams. Phương tiện này được hỗ trợ bởi bộ binh và được yểm trợ trên không. Kho vũ khí hạn chế của các xe tăng chiến đấu chủ lực mà Ukraine sở hữu và việc thiếu sự yểm trợ trên không đã khiến Kiev sử dụng Bradley theo cách khác. UAV và mìn cũng dẫn đến những thay đổi, trong đó thường Ukraine chỉ điều động 1 - 2 phương tiện trong một lần.
Tính linh động của phương tiện chiến đấu bộ binh cho phép Ukraine phát huy hiệu quả các khả năng của nó trong những thời điểm cụ thể. Chúng có thể vận chuyển binh lính, giao tranh trên tiền tuyến hoặc trinh sát các vị trí của Ukraine cách xa hàng km.
Bradley không phải phương tiện bất khả chiến bại
Mặc dù được khen ngợi về tính hiệu quả nhưng Bradley không phải bất khả chiến bại và nhiều phương tiện này đã trở thành nạn nhân của các mối đe dọa từ Nga như pháo, mìn và UAV.
Cho đến nay, Ukraine đã tổn thất ít nhất 90 phương tiện chiến đấu bộ binh Bradley. Dù vậy, theo Business Insider, việc sử dụng Bradley có nhiều lợi ích hơn so với việc sử dụng xe tăng Abrams và các xe tăng chiến đấu chủ lực khác trong những nhiệm vụ nhất định. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu Ukraine có còn phụ thuộc nhiều vào Bradley nếu nhận được thêm xe tăng Abrams từ Mỹ hay không.
Xe thiết giáp số lượng lớn có thể cực kỳ hiệu quả cho các cuộc tấn công đột phá bằng xe bọc thép nhưng nếu không có những yếu tố khác như không lực, Ukraine có lẽ không thể phát huy hết tiềm năng của nó. Kiev đã đối mặt với những thách thức này trong cuộc phản công năm ngoái, khiến các xe tăng chiến đấu chủ lực phương Tây cung cấp cho Ukraine thất bại. F-16 đang trên đường tới Ukraine, tạo ra những khả năng mới nhưng hiệu quả của nó vẫn cần xem xét.