Tiết Thanh minh ở làng chài Chí Công
Đầu tháng 4 dương lịch, nhằm ngày 26/2 âm lịch, làng chài Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận lại tổ chức lễ Tiết Thanh minh. Thanh minh là dịp để con cháu hướng về tổ tiên như đại thi hào Nguyễn Du từng viết: 'Thanh minh trong tiết tháng Ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh'. Nhưng ở làng chài này, Tiết Thanh minh đã trở thành dịp để con cháu tưởng nhớ các anh hùng dân tộc từ hàng ngàn năm trước.
Xã Chí Công từng được gọi là Duồng vào thời nhà Nguyễn. Trong Đại Nam nhất thống chí, quyển 12 có ghi: “phía Nam huyện 30 dặm, đầu nguồn từ trong động Man chảy xuống phía Đông, đến cửa Duồng rồi ra biển”. Tại miếu Hùng Vương nằm ở đầu làng chài, bước chân người liên tục ra vào để đặt lễ, thầm cầu nguyện về một mùa biển mới no đủ và xem chương trình hát tuồng được trình diễn trong miếu.
Ông Trần Ngọc Hòa ngồi lẳng lặng phía sau miếu Hùng Vương và nhìn từng ngư dân bước đến khu mộ cổ rồi lặng lẽ nói về bao nhiêu năm ngư dân ở xã Chí Công làm biển, dù thỉnh thoảng vẫn gặp rủi ro, nhưng rất nhiều người đã tai qua, nạn khỏi. Các ngư dân vào cúng lễ thì cho biết, hiện nay, Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn phát triển tàu đánh cá công suất lớn nên ngư dân ở Chí Công không còn luẩn quẩn ở vùng biển quê nhà mà vươn ra tận Hoàng Sa, Trường Sa.
Bước vào bên trong miếu Hùng Vương, trên sân khấu nhỏ đang diễn ra các vở tuồng, các diễn viên trên sân khấu được hóa trang hí kịch, côn khúc, đeo mặt nạ, mặc trang phục của binh sĩ ngày xưa. Bà Nguyễn Thị Hải (76 tuổi) cho biết, tuồng, chèo tổ chức tại làng là truyền thống mấy trăm năm nay rồi, ngày xưa chưa có ti vi, cả làng kéo tới xem và phải diễn luôn ngoài trời. Các vở tuồng luôn ca ngợi về các anh hùng dân tộc, như bà Trưng, bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, nên ông bà xưa có câu “bỏ cửa, bỏ nhà vì ma hát bội”.
Gian miếu nhỏ được nối với bên ngoài bằng 2 chiếc loa để phát chương trình hát tuồng. Trên sân khấu, 36 làn điệu: Nói lối thường, nói lối ai, nói lối xuân, nói lối sảng, ngâm tương tư, vịnh tương tư, hát nam bình ai... luôn cuốn hút những người lớn tuổi ngồi nghe giữa âm thanh của sóng gió biển rì rào. Trong suốt 3 ngày, ngư dân ở làng chài neo đậu toàn bộ tàu, thuyền, thúng để đón chào sự kiện vừa quan trọng, vừa linh thiêng và gắn bó với cả cuộc đời của mỗi thế hệ.
Để phục vụ Tiết Thanh minh diễn ra suốt 3 ngày, ngoài ông trưởng ban còn có tới 15 ông phó ban để trực hương, đèn, lo cho chương trình hát tuồng. Ông Đỗ Bắc, 73 tuổi, chức vụ trong ban nghi lễ là chấp cảnh. Ông lẳng lặng gõ vào chiếc chiêng nhỏ trên bàn thờ. Giữa âm thanh ồn ào của hát tuồng ở gian ngoài, ông nhắc tới việc ngôi làng này nằm doi ra ngoài mặt biển và từ trước tới nay, con cháu lớn lên cũng dựa vào biển, ông cũng một thời đi làm biển và bây giờ về già thì lo phần lễ nghi, góp phần cầu cho con cháu ra khơi đánh bắt bình an.
Xã Chí Công là một làng chài độc đáo nhất nhì so với các làng chài trong cả nước. Nhìn từ xa, ngôi làng nằm trải dài trên một gành biển (gành Son), trong khi phần lớn ở các địa phương khác, những khu gành này chỉ sử dụng để neo đậu tàu thuyền. Diện tích tự nhiên của xã là hơn 2.500ha, nhưng dân số lên đến 4.796 hộ/22.915 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Kinh (99,9%), còn có các dân tộc khác cùng chung sống như Chăm, Hoa, Khmer... Cả xã có hơn 519 thuyền/2.462 lao động. Ngoài ra, một bộ phận dân cư sinh sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, kinh doanh buôn bán, làm rẫy, làm vườn, trồng rừng, chăn nuôi.
Ngư dân Nguyễn Thành Chung (sinh năm 1973) cho biết, tuổi thơ ở làng chài này thì ai cũng nhớ nhất là chờ đến ngày Tiết Thanh minh, rồi hỏi cha mẹ là ngày giờ nào sẽ tổ chức xô cỗ. Vì các gia đình mang các tháp bánh đến cúng rất nhiều. Sau khi cúng xong, bánh được bê lên tầng 2 và đó là giờ phút trẻ em đến vây kín trước miếu Hùng Vương. Các cụ già rải bánh xuống những đôi tay đang giơ cao mong chờ. Nhiều người lớn cũng tới nhặt bánh về nhà để cầu may mắn.
Suốt 3 ngày diễn ra Tiết Thanh minh, đi khắp làng chài, nơi nào cũng bắt gặp các ngư dân ngồi quanh mâm cỗ. Mọi người nói Tiết Thanh minh còn vui hơn cả Tết Nguyên đán, vì Tết thì mọi người chỉ gặp nhau trong gia đình, còn Tiết Thanh minh là ngư dân gặp nhau để bàn tính chuyện làm ăn, các chủ ghe thì lấy lòng bạn chài để sau 3 ngày mở biển ra khơi, trên mỗi ghe có đủ chục người đi biển.
Trong những ngày này, các cụ già còn đến thắp hương tại chùa Phước An và nhắc lại chuyện người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từng lưu lại làng chài. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận còn ghi lại: “Trên đường vào Nam, cuối năm 1909, Nguyễn Tất Thành đã đến Duồng (thôn Hà Thủy, xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Thuận Hải, nay là tỉnh Bình Thuận). Ở lại Duồng gần một tháng, được sự giúp đỡ của cụ Trương Gia Mô, Nguyễn Tất Thành vào dạy học ở trường Dục Thanh một thời gian. Phan Thiết là nơi Nguyễn Tất Thành, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân lâu nhất trên đường từ Huế vào Nam để ra nước ngoài tìm đường cứu nước".
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tiet-thanh-minh-o-lang-chai-chi-cong-post474516.html