Tiểu Cần: Chương trình OCOP - nền tảng quan trọng xây dựng nông thôn mới

Xác định Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là giải pháp quan trọng phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Chính vì vậy huyện Tiểu Cần xem đây là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần xây dựng thành công nông thôn mới (NTM) tại địa phương.

Đoàn Lãnh sự quán Canađa đến tham quan quy trình sản xuất mật hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Fram.

Đoàn Lãnh sự quán Canađa đến tham quan quy trình sản xuất mật hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Fram.

Đồng chí Võ Quang Cường, Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần cho biết: sau gần 04 năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP đã thu hút nhiều chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và cá nhân tham gia. Qua đó, giúp huyện phát triển được nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng, có thế mạnh và nâng cao giá trị kinh tế.

Đến nay, toàn huyện có 16 sản phẩm OCOP; trong đó 07 sản phẩm đạt 03 sao là sản phẩm: kẹo đậu phộng, hạt ca cao mật hoa dừa, lạp xưởng 6 Be, rượu nếp than Thiên Phượng, bưởi da xanh Hùng Hòa, nước màu dừa Dương Phát, chả lụa 5 Nghĩa; 07 sản phẩm đạt 4 sao là sản phẩm mật hoa dừa lên men, nước uống mật hoa dừa, giấm mật hoa dừa, nước tương mật hoa dừa, gạo Rạch Lọp Tiểu Cần, gạo Rạch Lọp Tân Hùng, gạo Rạch Lọp Trà Vinh; 02 sản phẩm được Trung ương công nhận đạt 5 sao là sản phẩm: mật hoa dừa cô đặc và đường hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Farm.

Đáng ghi nhận, trong 16 sản phẩm OCOP của huyện có đến 07 sản phẩm của công ty TNHH Trà Vinh Fram. Hiện tại, Công ty đã có 05 sản phẩm nguyên chất từ mật hoa dừa được bày bán trên toàn quốc, trong đó có 02 sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài: 01 sản phẩm mật hoa dừa cô đặc xuất khẩu chính ngạch đi Nhật Bản và sản phẩm mật hoa dừa xuất khẩu đi Hà Lan.

Năm 2022, Công ty xuất ra thị trường được 450.000 sản phẩm, doanh thu 06 tỷ đồng, trong đó lượng xuất khẩu chiếm 05%. Công ty đã tạo việc làm cho 33 lao động, trong đó dân tộc Khmer chiếm khoảng 80%, đồng thời công ty hiện đang liên kết với 35 hộ trồng dừa để cung cấp mật hoa dừa tươi phục vụ cho việc sản xuất, đồng thời công ty cũng dự kiến liên kết thêm khoảng 200 hộ để mở rộng quy mô sản xuất. Thành công lớn nhất của Công ty không chỉ sản xuất ra nhiều sản phẩm từ mật hoa dừa mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp nông dân thoát nghèo, đồng thời góp phần nâng cao giá trị của cây dừa, một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương.

Nói đến sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện, không thể không nhắc đến sản phẩm gạo OCOP của HTX nông nghiệp Rạch Lọp, xã Tân Hùng. Đây là một trong những HTX không chỉ chủ động liên doanh, liên kết để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân, mà còn thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả và phát triển thêm các dịch vụ mới. Đến nay, HTX đã xây dựng được 03 sản phẩm gạo đạt chuẩn OCOP 4 sao mang thương hiệu HTX Rạch Lọp đó là: gạo Rạch Lọp Tiểu Cần, gạo Rạch Lọp Tân Hùng, gạo Rạch Lọp Trà Vinh.

Ông Huỳnh Đăng Khoa, Giám đốc HTX nông nghiệp Rạch Lọp cho biết: hiện HTX đã mở rộng 07 dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, HTX có 519 thành viên, với số vốn góp 1,5 tỷ đồng. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, dù lợi nhuận trên vốn góp không nhiều, nhưng HTX đã mang lại lợi nhuận tăng thêm và chất lượng cho thành viên khi sử dụng dịch vụ, ổn định giá thị trường tại địa phương.

Hàng năm HTX đều xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh chi tiết cho từng vụ và cả năm, nhờ đó, thành viên HTX sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, cùng loại giống, từ đó sản phẩm đầu ra đồng nhất, số lượng lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp. Sản lượng lúa thương phẩm HTX cho ra thị trường đạt từ 750 - 1.000 tấn/năm, còn đối với các sản phẩm gạo OCOP, HTX cho ra thị trường khoảng 200 tấn/năm. Nhờ việc bán trực tiếp cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nên giá cao hơn thị trường tại địa phương, giúp nông dân an tâm sản xuất, thu nhập tăng thêm cho thành viên cao hơn so với khi chưa tham gia vào HTX tăng từ 10 - 15%/năm.

Có thể nói, nhờ tích cực tham gia chương trình OCOP, các chủ thể đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn. Đóng góp tích cực cho việc thực hiện đạt nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn huyện.

Cụ thể: cuối năm 2022 toàn huyện còn 233 hộ nghèo, chiếm 0,79%; 1.067 hộ cận nghèo, chiếm 3,62% so dân số chung toàn huyện; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 74,5 triệu đồng/người/năm; còn trong 06 tháng đầu năm 2023, huyện đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho 3.027 lao động; đến nay huyện có 7/9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 09 ấp đạt NTM kiểu mẫu, 69/69 ấp đạt chuẩn NTM, còn về xây dựng huyện NTM nâng cao, huyện đã đạt 5/9 tiêu chí, còn 04 tiêu chí với 05 nội dung chưa đạt.

Đồng chí Trần Văn Quân, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần cho biết thêm: xác định mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP chính là đòn bẩy góp phần xây dựng thành công huyện NTM nâng cao, giúp kinh tế huyện nhà phát triển mạnh, những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Đồng thời, có các cơ chế hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế của từng xã, thị trấn; vận động các chủ thể sản xuất tham gia OCOP; tập trung tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, hỗ trợ các chủ thể OCOP mở rộng thị trường và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn, hỗ trợ người dân và các cơ sở sản xuất xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục công nhận, nâng hạng sản phẩm OCOP. Cụ thể huyện đang hướng dẫn các chủ thể kinh doanh sản phẩm than gáo dừa không khói, gạo sạch Cô Ba, chổi cọng lá dừa, trái dừa xiêm xanh, Bánh trung thu gà quay Jambon, tổ yến tham gia chương trình OCOP năm 2023. Ngoài ra, Phòng còn phối hợp ngành, đoàn thể huyện, các xã, thị trấn tổ chức cho các doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh tham gia các hội chợ triển lãm, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh...

Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP, trọng tâm là tuyên truyền sâu rộng đến Nhân dân về nội dung chương trình, những gương điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất tiêu biểu, các sản phẩm đặt trưng và sản phẩm OCOP của huyện; tăng cường rà soát, khuyến khích, hướng dẫn người dân và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP; tổ chức đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp sản phẩm, thực hiện tư vấn hoàn thiện sản phẩm về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, hồ sơ sản phẩm để đánh giá sản phẩm; tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...

Ngoài ra, huyện Tiểu Cần cũng đang chỉ đạo ngành chuyên môn và các xã, thị trấn có các giải pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh gắn với phát triển du lịch để quảng bá các sản phẩm OCOP của địa phương. Từng bước hình thành các vùng nguyên liệu và cơ sở hạ tầng hiện đại, trong đó xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng gắn với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, coi đây là “đòn bẩy” để các sản phẩm OCOP của huyện vươn đến các thị trường lớn. Góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho nông dân, thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh, phát triển bền vững, là nền tảng vững chắc để huyện Tiểu Cần xây dựng thành công huyện NTM nâng cao trong năm 2023.

Bài, ảnh: NGỌC DIỄM

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/tieu-can-chuong-trinh-ocop-nen-tang-quan-trong-xay-dung-nong-thon-moi-32119.html