Tiêu điểm: Bức tranh kinh tế 8 tháng 2022 ghi nhận nhiều điểm sáng
Qua số liệu thống kê trên có thể thấy, hầu hết động lực tăng trưởng của nền kinh tế đều đã có sự phục hồi mạnh mẽ, đóng tích cực cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, đặc biệt là xuất khẩu, với 6 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu vượt quá 10 tỷ đô. Trong khi đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hay lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đều có mức tăng trưởng khá.
Có 6 nhóm hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD gồm: điện thoại và linh kiện, máy tính-linh kiện, máy móc, thiết bị, hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ. Với đà tăng trưởng như hiện nay, nhiều ý kiến lạc quan về mục tiêu đạt kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm sẽ vượt mốc 700 tỷ USD.
Ông VÕ THÀNH HIỆP, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Hưng Trường Phát: “Từ nay đến cuối năm về cái thuận lợi là nguồn nguyên liệu sẽ tăng lên, thì giá thu mua đầu vào nguyên liệu sẽ giảm xuống, sẽ tốt hơn cho xuất khẩu.”
Ông VŨ BÁ PHÚ, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương: “Với một loạt Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại được tổ chức hàng tháng sẽ ngày càng lôi kéo được hệ thống thương vụ tham gia vào hoạt động xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam và hỗ trợ tốt hơn xuất khẩu của các địa phương, của ngành hàng.”
Vốn FDI cũng có sự tăng trưởng mạnh, với số vốn thực hiện trong 8 tháng 2022 đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 5 năm. Điều đáng chú ý, nhiều tập đoàn lớn hàng đầu thế giới đang có kế hoạch chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam.
Ông MICHAEL ZHENG, Giám đốc vận hành Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam: “Chúng tôi đánh giá rất cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nói chung cũng như tại Thái Nguyên nói riêng. Đó là sự hỗ trợ từ phía chính quyền, như ban hành nhiều chính sách mở, cơ sở vật chất cũng được đảm bảo. Chúng tôi là 1 trong những nhà cung cấp phụ tùng chính cho Samsung, cho nên việc đặt vị trí nhà máy thuận tiện sẽ giúp chúng tôi tối đa hóa hoạt động kinh doanh.”
Bên cạnh đó, t ổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
TS. NGUYỄN BÍCH LÂM, Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê: “Tổng mức bán lẻ phản ánh tổng cầu của nền kinh tế cũng đã tăng hai con số. Nếu loại trừ yếu tố giá đã tăng đến 15,5%, cho thấy đã có những mức cao trong thời gian vừa qua.”
TS. LÊ XUÂN NGHĨA, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia: “Chúng ta có thể duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao mà chúng tôi tính ra là 1 trong 7 nước có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới. Và nếu như vậy sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển hoạt động tốt hơn, kể cả trong khu vực bất động sản, dịch vụ, sản xuất, công ăn việc làm của người lao động sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại.”
QUỐC TẾ LẠC QUAN VỀ TRIỂN VỌNG TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CỦA VIỆT NAM
Rõ ràng, những kết quả đạt được trong 8 tháng qua là rất đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh sự phục hồi và phát triển của nhiều nền kinh tế trên thế giới còn gặp khó khăn. Với những tín hiệu khả quan, nhiều tổ chức quốc tế đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trong đó, Việt Nam là nước duy nhất được Ngân hàng thế giới World Bank điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm nay.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 8,5% - mức cao nhất trong số các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng là nền kinh tế duy nhất trong khu vực được WB điều chỉnh dự báo tăng trưởng từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm nay. Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trường GDP của Việt Nam sẽ đạt 10,8% trong quý 3/2022 và 3,9% trong quý 4/2022, đưa tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%.
Ông PATRICK LEE, Tổng Giám đốc khu vực ASEAN, Ngân hàng Standard Chartered: “Chúng tôi lạc quan về tăng trưởng của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng vì nhiều lý do, như sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, và minh chứng là dòng vốn FDI vẫn duy trì xu hướng tăng đều qua các năm. Cùng với đó là những lợi thế từ dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh mẽ, yêu tố sẽ thúc đẩy tiêu dùng. Chúng tôi cho rằng, Việt Nam sẽ nằm trong số những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng đầu trong khu vực.”
Ông NGUYỄN HẢI MINH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham): “Nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ vẫn giữ vững sự ổn định và vẫn tiếp tục tăng trưởng trong các quý tiếp theo. Đây là sự tự tin của các DN châu Âu tại Việt Nam. Và có đến 76% Doanh nghiệp cho rằng sẽ giữ vững quy mô về đầu tư, thậm chí mở rộng quy mô đầu tư trong quý tới.”
Mặc dù các tín hiệu đều lạc quan từ nay đến cuối năm, tuy nhiên, trong bối cảnh địa chính trị thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, đặc biệt là nguy cơ tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát đình đốn tại những thị trường xuất khẩu chủ lực, thì kinh tế Việt Nam luôn cần có kịch bản để kip thời ứng phó, thích nghi. Sau đây là khuyến nghị của một số chuyên gia về vấn đề này.
PGS.TS ĐỖ HOÀI LINH, Phó Trưởng bộ môn Ngân hàng Thương mại, Đại học Kinh tế Quốc dân:“Giai đoạn vừa rồi chúng ta có những biện pháp kịp thời và phù hợp với bối cảnh của chúng ta, do đó những công bố về chỉ tiêu lạm phát, CPI vẫn trong ngưỡng mà chúng ta đặt mục tiêu. Tuy nhiên chúng ta cũng không thể nào chủ quan vì giá ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của người dân ảnh hưởng rất rõ nét Thêm một điểm nữa, từ giờ đến cuối năm, khi yếu tố địa chính trị được kiểm soát, mối quan hệ giữa Nga và Ukraine đi dần vào ổn định thì tôi kỳ vọng những mục tiêu của chúng ta có thể đạt được.”
PGS. TS. PHẠM THẾ ANH, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô thuộc trường Đại học Kinh tế quốc dân: “Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những tháng cuối năm và xa hơn nữa năm2023 có lẽ phụ thuộc vào rất nhiều các ẩn số không chỉ ở trong nước mà còn trên thị trường quốc tế. Nếu như các nền kinh tế lớn, các đối tác thương mại lớn trên thế giới mà có cái tránh được cái suy hóa kinh tế hay là có sự hồi phục nó bền vững thì có lẽ rằng Việt Nam sẽ đạt được tăng trưởng rất tích cực.”
Bà DORSATI MADANI, Chuyên gia Kinh tế cao cấp - Ngân hàng Thế giới World Bank: “Với tình trạng hiện nay, chính sách tiền tệ đang được áp dụng là phù hợp. Tuy nhiên, nếu như rủi ro về lạm phát gia tăng Chính phủ nên cân nhắc tăng lãi suất hoặc và hạn chế nguồn cung tiền ra thị trường.”
UBTVQH XEM XÉT DANH MỤC, DỰ ÁN PHỤC HỒI PHÁT TRIỂN KT-XH
Về triển vọng tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, các chuyên gia đánh giá cao việc Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp bất thường vào ngày 29/8, để kịp thời xem xét những vấn đề quan trọng và cấp thiết liên quan đến phục hồi và phát triển kinh tế xã hội-theo như lời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Cụ thể, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Ngay sau phiên họp, UBTVQH đã kịp thời ra kết luận về vấn đề này, tạo điều kiện sớm nhất để Chính phủ triển khai
Trước đó, theo Tờ trình của Chính phủ, trong tổng số 176 nghìn tỷ đồng được Quốc hội cho phép phân bổ, số vốn Thủ tướng Chính phủ đã thông báo cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư cho 264 nhiệm vụ, dự án để hoàn thiện thủ tục đầu tư là 172.568 tỷ đồng; Trong tổng số 172.568 tỷ đồng đã thông báo cho các bộ, địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư, đến nay có 94 nhiệm vụ, dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn; 168 dự án đã được thông báo vốn từ Chương trình đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.
KỲ VỌNG TỪ CÁC DỰ ÁN PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN KT-XH
Như vậy, mặc dù sau 8 tháng kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, thì Chính phủ mới hoàn thành các thủ tục để trình UBTVQH phê duyệt. Tuy nhiên, với việc các nhiệm vụ, dự án này được triển khai, được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế những tháng cuối năm và giai đoạn tiếp theo. Chúng ta cùng nghe ý kiến chuyên gia về vấn đề này.
GS. TS. HOÀNG VĂN CƯỜNG, Ủy viên Tài chính Ngân sách của Quốc hội: “Tôi rất kỳ vọng tác động đó nó sẽ mang lại hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất là nguồn lực đấy được đưa vào sẽ tạo ra nguồn lực phục hồi. Nhưng đấy chỉ là một phần. Phần thứ hai rất quan trọng thể hiện sự quyết tâm của cả Quốc Hội của cả Chính phủ và làm thế nào để mọi nguồn lực đều phải được khai thác khơi thông và chính những điều đó sẽ thúc đẩy niềm tin thúc đẩy tất cả các thành phần lực lượng sẽ sẵn sàng bỏ tiền bỏ của đầu tư vào cho phục hồi kinh tế chứ không phải do dự không phải chần chừ nữa.”
TS. NGUYỄN BÍCH LÂM, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: “Cái đồng hành cùng Quốc hội với Chính phủ triển khai rốt ráo khẩn trương trong thời gian vừa qua nó thể hiện sự đồng lòng của chúng ta để triển khai thực hiện. Và cái triển khai này không chỉ tạo đà tăng trưởng trong năm 2022 này mà còn tạo đà cho những năm tiếp theo. Bởi vì nếu chúng ta xử lý tốt triển khai tốt các đầu tư thì nó sẽ nâng cao năng lực của nền kinh tế, và sẽ là cú hích cho tăng trưởng trong thời gian tiếp theo.”
Thực hiện : Lê Hương