Tiêu điểm: Điều con mong muốn

Tại các vùng nông thôn hiện nay, ngày càng nhiều trẻ em phải sống cảnh xa bố mẹ. Do áp lực cuộc sống, hầu hết các cặp vợ chồng trẻ phải bỏ quê đi làm ăn xa. Có người thì về nhà mỗi năm một lần. Cũng có người, phải vài năm mới về thăm con được 1 lần. Đó chính là lí do tại sao có rất nhiều ngôi làng - chỉ có người già và trẻ em sinh sống.

Gần 70 tuổi, ông Lê Đình Sơn và bà Lê Thị Mừng ở thôn Giao Sơn, xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa vẫn giữ nghề ve chai, thu mua phế liệu.

Hàng ngày, hễ có ai gọi, là hai ông bà lại rong ruổi, người cân, người kéo đi khắp các con ngõ.

Khi cha mẹ vắng nhà, ông bà trở thành siêu nhân. Ở cái tuổi đáng nhẽ ra đã được nghỉ ngơi, nhiều người cao tuổi vẫn lao động hết công suất để đỡ đần nuôi con cháu.

Đến năm ngoái, không may con bé thứ hai nó bị bệnh hiểm nghèo. Nói chung là đời sống nó cũng hơi vất vả.

Ly hương khiến bộ mặt làng quê thay đổi, cuộc sống khấm khá hơn nhiều so với trước. Nhưng đằng sau những cánh cổng lớn cửa chốt then cài là những khoảng trống và nỗi niềm mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, số liệu tổng hợp mới nhất từ 41/63 tỉnh thành cho thấy hơn 71.000 trẻ em ở nước ta không được sống cùng cha mẹ. Trong đó, gần 61.000 trẻ em phải sống xa cha mẹ từ 6 tháng tuổi khi vẫn có đầy đủ cả cha và mẹ. Trẻ em ở nhà thiếu vắng sự chăm lo của cha mẹ đã trở thành một hiện tượng xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trẻ em bị bỏ lại ở các vùng nông thôn chủ yếu do tình trạng những dòng người di cư, những người trẻ tuổi, còn sức lao động đi ra các khu công nghiệp, các khu đô thị lớn hoặc là đi lao động ngoài nước để con ở lại cho ông bà chăm sóc, nuôi dưỡng.

Theo quy định của Luật Trẻ em và pháp luật khác như Luật Hôn nhân và Gia đình, trách nhiệm đầu tiên để chăm sóc, bảo vệ, giáo dục những đứa trẻ thuộc về trách nhiệm của cha mẹ. Cha mẹ là một trong những hàng rào bảo vệ đầu tiên, quan trọng nhất của trẻ em và môi trường gia đình là môi trường chăm sóc tốt nhất.

Tuổi thơ là giai đoạn quan trọng để trẻ em nhận sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ người chăm sóc, từ đó hình thành thế giới tâm lý và xã hội. Trẻ em sống xa cha mẹ thường thiếu sự quan tâm, bảo vệ, và chăm sóc thường xuyên của cha mẹ, nên có nhiều nguy cơ tổn thương tâm sinh lý. Tai nạn, lo lắng, mất kiểm soát, tự ti, căng thẳng, sợ hãi, cảm giác bị bỏ rơi, tức giận, có các hành vi bạo lực là một số nguy cơ mà trẻ em ở lại có thể phải gánh chịu. Cha mẹ vắng nhà lâu và thường xuyên khiến nhiều trẻ em có xu hướng thích ở một mình, khó hòa nhập xã hội.

Khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái đã lớn. Khoảng cách thế hệ giữa ông bà và các cháu còn lớn hơn…Dù tình yêu và sự hy sinh của ông bà là không thể phủ nhận.

Khoảng cách ngăn trở những điều con muốn nói.

Sự thu mình ngăn trở những điều con muốn thể hiện.

Nỗi buồn ngăn trở con đến với niềm vui sống.

Và áp lực vô hình dạy con những bài học trưởng thành trước tuổi.

Về mặt chính sách hiện nay, trẻ em sống xa cha mẹ chưa phải là đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, đây là đối tượng yếu thế, ngày càng đông đảo và cần được quan tâm hơn trong thời đại hiện nay.

Trong thời gian tới, để làm tốt hơn công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ và giáo dục trẻ em, cần những hành lang pháp lý rõ ràng, chuyên biệt cho từng đối tượng trẻ em, đáp ứng yêu cầu mà thực tiễn đặt ra.

Trước mắt cần nhanh chóng thể chế hóa những quy định của Chỉ thị 28 của Ban Bí thư vào thực tiễn để triển khai thực hiện, hoàn thiện cơ sở pháp luật liên quan đến chính sách chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, tiếp tục yêu cầu lồng ghép những chỉ tiêu phát triển trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở Trung ương và địa phương, bố trí những nguồn lực xứng đáng để đầu tư cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Câu nói này chỉ có thể hiện thực hóa khi chính sách đi trước và song hành với thực tiễn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thu Dung - Văn Thắng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/focus-xa-chi-co-nguoi-gia-tre-em-224154.htm