Tiêu điểm: Hiệu quả từ giám sát chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm

Năm 2022, hoạt động giám sát có nhiều đổi mới. Các chuyên đề giám sát được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm trên phương châm 'rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm' trong tham mưu, hướng dẫn, ban hành văn bản và triển khai thực hiện. Qua giám sát đã làm chuyển biến cả về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cơ quan trung ương và địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Với tổng mức đầu tư hơn 4.900 tỷ đồng, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đã được xây dựng nhiều năm nay nhưng vẫn nằm đắp chiếu. Lãng phí từ các công trình nghìn tỷ kéo dài đã được Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chỉ ra khi làm việc với Bộ Y tế. Sau cuộc giám sát, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp kiểm tra 2 dự án; yêu cầu đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án.

Để tránh tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”, nhận định khơi khơi, trong thời gian qua, các Đoàn giám sát chuyên đề được thực hiện với phương châm “rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm”. Giám sát tỉnh Đắk Nông về việc thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC, Đoàn giám sát đã chỉ rõ tỷ lệ tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND xã chỉ đạt 1,37%.

Trong năm 2022, Quốc hội, UBTVQH đã tiến hành 4 chuyên đề giám sát, trong đó, 2 chuyên đề của Quốc hội gồm: công tác quy hoạch và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; 2 chuyên đề của UBTVQH gồm: sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Thành công của các chuyên đề giám sát là đã xác định trúng đối tượng, đúng vướng mắc, tiến hành đúng “điểm rơi” bất cập cần điều chỉnh.

Thực hiện ngay Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề quy hoạch, tại Kỳ họp bất thường thứ 2 của Quốc hội, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xác định rõ “trọng tâm, trọng điểm” của chuyên đề giám sát khiến cho quá trình triển khai mang lại những chuyển biến tích cực, kỳ vọng sớm giải quyết sau giám sát.

ĐỔI MỚI TƯ DUY, CÁCH THỨC TỔ CHỨC GIÁM SÁT

Bên cạnh việc lựa chọn đúng, trúng nội dung, đối tượng giám sát, trong năm 2022, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội tiếp tục đổi mới về phương thức và quy trình tổ chức, nhằm hướng đến mục tiêu “giám sát đến nơi, đến chốn” nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giám sát.

Đây là 1 buổi khảo sát của Tổ Công tác về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại tỉnh Bình Dương. “Đích mục sở thị”, Tổ Công tác đến hiện trường ghi nhận thực tế, sau đó, hoàn thành báo cáo, gửi về Đoàn giám sát để nghiên cứu trước khi Đoàn đến làm việc trực tiếp. Với cách làm như vậy, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đã rút ngắn được thời gian làm việc với các bộ, ngành, địa phương, tập trung đi sâu vào nội dung cần giám sát.

Bên cạnh đó, các Đoàn giám sát chuyên đề cũng tổng hợp báo cáo của các Đoàn ĐBQH, HĐND về nội dung giám sát. Vì vậy, kết quả giám sát được phản ánh đầy đủ, toàn diện.

Hiệu quả của giám sát chuyên đề là một trong những thước đo đánh giá việc đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả, việc đổi mới giám sát đã bắt nguồn từ tư duy và cách thức tổ chức thực hiện.

GIÁM SÁT VÌ MỤC TIÊU KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN

Năm 2023 là năm bản lề triển khai thực hiện Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, các chương trình, kế hoạch trong nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV. Vì vậy, việc đổi mới và tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát nói chung cũng như giám sát chuyên đề nói riêng có vai trò rất quan trọng, đúng như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: C ũng như xây dựng pháp luật, công tác giám sát phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển.

Năm 2023, Quốc hội sẽ giám sát 02 chuyên đề gồm:

- “ Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng ” tại kỳ họp thứ 5;

- Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” tại kỳ họp thứ 6.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 02 chuyên đề về:

- “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại phiên họp tháng 8/2023;

- “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” tại phiên họp tháng 9/2023.

Kết luận Hội nghị triển khai hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, giám sát phải đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện.

Xuyên suốt trong nhiệm kỳ này, việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

“Giám sát phải chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm, đề xuất rõ các giải pháp”. Phương châm ấy đã và đang tiếp tục được phát huy trong hoạt động g íam sát chuyên đề nói riêng, và hoạt động giám sát nói chung - một trong 3 chức năng chính của Quốc hội.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Thực hiện : Khắc Phục Cao Hoàng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tieu-diem-hieu-qua-tu-giam-sat-chuyen-de-co-trong-tam-trong-diem