Tiêu điểm: Luật PPP đã 'thông', tại sao huy động vốn PPP cho giao thông vẫn 'tắc'?

Mục tiêu 5000 km đường cao tốc vào năm 2030 cần tới 900 nghìn tỷ đồng, thế nhưng, gần 3 năm sau khi Luật Đối tác công tư PPP có hiệu lực Dự án giao thông PPP chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều dự án PPP phải xin chuyển sang đầu tư công. Từ chỗ hào hứng, nhiều nhà đầu tư tư nhân thoái thác 'chung tay với Nhà nước' Luật PPP đã 'thông', tại sao huy động vốn PPP cho giao thông vẫn 'tắc'?

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (gọi tắt là PPP) là hình thức đầu tư có sự chung tay của Nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân. Sau một thời gian “nở rộ” các dự án PPP giao thông thì đến nay, hình thức đầu tư này rơi vào giai đoạn thoái trào.

Trong các hình thức đối tác công tư PPP, phổ biến có các dự án BOT (Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao). Và gần đây, vì nhiều nguyên nhân, nhiều dự án BOT giao thông đã rơi vào tình trạng "vỡ phương án tài chính", thua lỗ kéo dài.

Vỡ phương án tài chính, hàng loạt dự án BOT giao thông kêu cứu khi chỉ thu được một lượng phí rất khiếm tốn. Nhiều dự án giảm một nửa so với dự kiến. Có dự án như BOT Thái Nguyên - Chợ Mới còn giảm đến 88%.

Dù theo chủ trương ban đầu, vốn ngân sách là vốn mồi để thu hút đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà đầu tư phải bỏ vốn chủ sở hữu và vốn vay ngân hàng để thực hiện trước, tạo ra áp lực tài chính lớn.

Theo các nhà đầu tư, cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân chưa rõ ràng đang đẩy rủi ro về phía các nhà đầu tư tư nhân.

Trước nhiều bất cập trong triển khai, nhiều nhà đầu tư tư nhân đã hụt hơi sau thời gian dài gồng mình gánh nợ.

Một minh chứng rõ nhất là tại dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 vừa qua. Ban đầu được chia thành 11 dự án thành phần gồm: 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, do các nhà đầu tư tư nhân không còn mặn mà nên cuối cùng, cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 đã phải thay đổi ngược lại thành: 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư PPP.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 được kỳ vọng sẽ giải quyết được những bất cập cho thu hút vốn đầu tư tư nhân trong xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, gần 3 năm triển khai Luật, đến nay vẫn còn nhiều bất cập, thiếu các quy định, hướng dẫn… nên việc thu hút đầu tư PPP trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được như kỳ vọng.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, phương án tài chính ban đầu của nhiều dự án đã không được tính toán cụ thể, sát thực tế, từ đó, rủi ro về hụt thu là điều đương nhiên

Do đó, để đảm bảo khả thi, giảm thiểu rủi ro trong quá trình triển khai dự án PPP, một việc quan trọng là cần rà soát các quy định pháp luật, các điều khoản hợp đồng mẫu, mô hình tài chính…

Ngoài ra giữa tư nhân và nhà nước cần có những quy định bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia .

Các chuyên gia cho rằng, cần thay đổi tư duy trong thực hiện các dự án PPP bởi đã hết cái thời “những dự án ngon thì nhà nước làm, dự án xương thì tư nhân làm”.

Cũng theo các chuyên gia, giữa Nhà nước và tư nhân luôn phải nêu cao tinh thần hợp tác, sẵn sàng cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn phát sinh để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện. Nếu không thì rõ ràng sẽ đem lại gánh nặng cho Nhà nước sau này.

Trả lời trong phiên chất vấn trong Kỳ họp Quốc hội thứ 5 khóa XV vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định, Việc tạo lòng tin cho nhà đầu tư và giải quyết hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp - nhà nước - nhân dân được coi là chìa khóa để gọi vốn tư nhân vào hạ tầng giao thông.

Theo Bộ GTVT, chỉ tính riêng giai đoạn 2021-2025 này, vẫn còn cần tới hơn 200 nghìn tỷ vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông. Nguồn lực tư nhân được xác định là hình thức huy động quan trọng để thực hiện thành công chiến lược, quy hoạch ngành GTVT.

Nguồn lực trong xã hội rất dồi dào, song để huy động vốn tư nhân vào đầu tư kết cấu hạ tầng cần có một hệ thống các giải pháp để tạo lòng tin cho nhà đầu tư và giải quyết hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp - nhà nước và nhân dân.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Nguyễn Duyên -

Anh Đức -

Diệu Huyền -

Quang Sỹ

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tieu-diem-luat-ppp-da-thong-tai-sao-von-huy-dong-von-ppp-cho-giao-thong-van-tac-182935.htm