Tiêu điểm: Trái đất bên bờ vực về thảm họa khí hậu

Toàn cầu đang đứng trước một cuộc khủng hoảng kép: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy giảm đa dạng sinh học học. Và cái giá phải trả cho cuộc khủng hoảng này ngày càng đắt, đe dọa nghiêm trọng tính mạng con người, đến mọi sự sống trên hành tinh. Vì vậy, các quốc gia cần bắt tay vào hành động một cách thực chất, nhanh chóng và có trách nhiệm để chạy đua với thời gian bảo vệ Trái đất trước khi quá muộn.

Các hoạt động của con người đã tác động lên môi trường thiên nhiên và bầu khí quyển. Khi nhiều loại khí độc, khí nhà kính phát thải ra như CO2, SO2… khiến trái đất nóng lên và gây biến đổi khí hậu.

Thế giới đã ghi nhận: tháng 7/2023 là tháng nóng nhất trong lịch sử, với nhiệt độ cao bất thường được ghi nhận cả trên đất liền và trên biển. Tổng thư ký Liên hợp quốc đã đưa ra cảnh báo mới nhất về tác động kinh khủng của biến đổi khí hậu. Đó là kỷ nguyên của hiện tượng "ấm lên toàn cầu" đã chấm dứt và kỷ nguyên "nung nóng toàn cầu" đã bắt đầu.

Hiện tượng El Nino cũng đã quay trở lại gây tăng nhiệt độ, dự kiến sẽ phát triển trong những tháng tới và hiện tượng này kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra có thể đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức cao chưa từng có.

Một trong những hệ quả của tình trang trái đất nóng lên chính là cháy rừng, hủy hoại lá phổi xanh của trái đất. Qua thời gian, cháy rừng xảy ra trên khắp thế giới với số lượng và cường độ không ngừng gia tăng.

Thiên nhiên đang dồn dập gióng lên hồi chuông báo động nhằm thúc giục con người nhanh chóng hành động để ứng phó cuộc khủng hoảng môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo Liên hợp quốc, đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người, chạm ngưỡng không thể đảo ngược.

Các số liệu do Diễn đàn liên chính phủ Liên hợp quốc về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái từng công bố cho thấy thực trạng rất đáng quan ngại: 01 triệu trong tổng số 8 triệu loài động, thực vật trên hành tinh đang bị đe dọa tuyệt chủng; mỗi năm có khoảng 10 triệu ha rừng bị mất kéo theo nhiều loài thực vật bị suy giảm.

Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm. Nhưng Việt Nam cũng đang là quốc gia thứ hai trong khu vực Đông Á về số lượng các loài bị đe dọa tuyệt chủng.

Không có giải pháp duy nhất cho biến đổi khí hậu, tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm xử lý vấn đề chung. Nếu thế giới không cùng chung tay hành động ngăn chặn thảm họa của cuộc khủng hoảng kép về môi trường, thì hậu quả mà con người và trái đất phải gánh chịu sẽ ngày một nặng nề hơn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Hiền Trang

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tieu-diem-trai-dat-ben-bo-vuc-ve-tham-hoa-khi-hau-187497.htm