Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới

Năm nay, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam có chủ đề là 'Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới', kêu gọi các cơ quan và cộng đồng doanh nghiệp chung tay thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Người dân mua sắm tại Hội chợ hàng hóa sản phẩm vì người tiêu dùng tại Khu đô thị Royal City.

Người dân mua sắm tại Hội chợ hàng hóa sản phẩm vì người tiêu dùng tại Khu đô thị Royal City.

Thành phố Hà Nội cũng khuyến khích người dân phản ánh, khiếu nại các vấn đề tới các cơ quan chức năng; góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.

Từ ngày 11 đến 15/3, đến Hội chợ hàng hóa sản phẩm vì người tiêu dùng tại Khu đô thị Royal City (quận Thanh Xuân), người tiêu dùng có cơ hội tham quan, mua sắm tại 120 gian hàng với nhiều mặt hàng như nông sản, thực phẩm; dệt may; hàng tiêu dùng; điện tử... của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Hội chợ có sự tham gia của các doanh nghiệp thương hiệu, uy tín với nhiều chương trình tri ân như tặng quà, giảm giá, hỗ trợ bảo hành, bảo trì sản phẩm... Bác Nguyễn Thanh Mai ở chung cư Royal City đánh giá: "Hàng hóa tại hội chợ khá phong phú, người bán phục vụ, tư vấn nhiệt tình và có nhiều chương trình hỗ trợ sau bán hàng".

Đây là một trong nhiều hoạt động thiết thực của thành phố Hà Nội và ngành Công thương nhằm triển khai chương trình "Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng" năm 2022 trên địa bàn với chủ đề "Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới". Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Hà Minh Hải cho biết, những năm qua, việc đẩy mạnh triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Riêng năm 2021, thành phố đã vận động các doanh nghiệp đưa ra 40.000 chương trình khuyến mại trị giá hơn 20.000 tỷ đồng để tri ân người tiêu dùng; tổ chức Hội chợ "Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng" thu hút gần 100 doanh nghiệp tham gia, 30.000 lượt người tiêu dùng tới tham quan, mua sắm; tổ chức 24 sự kiện kích cầu, khuyến mại để tri ân người tiêu dùng...

Thời gian qua, người tiêu dùng đã phản ánh, khiếu nại nhiều vụ việc liên quan tới các vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, nhất là trong mua sắm trực tuyến, tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), Tổng đài 024.1081 của thành phố Hà Nội và đường dây nóng của Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội. Riêng năm 2021, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận hơn 13.000 cuộc gọi phản ánh của người tiêu dùng, tăng 17,6% so với năm 2020. Trong đó, Cục đã tiếp nhận, tư vấn và hỗ trợ giải quyết cho gần 2.600 trường hợp thông qua gọi điện và gửi đơn, thư phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng. Các kênh tiếp nhận của thành phố đã giải quyết kịp thời, thỏa đáng 20 đơn khiếu nại của người tiêu dùng; tiếp nhận và giải đáp 9.178 cuộc gọi qua tổng đài 024.0181 về Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa vụ của doanh nghiệp…

Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Trịnh Anh Tuấn cho biết, các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng tập trung vào các nhóm hành vi như: Thực hiện hợp đồng giao kết, cam kết với người tiêu dùng; số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng; bảo hành, bảo vệ thông tin người tiêu dùng... Nhiều người tiêu dùng phản ánh đã bị lừa đảo, mất tiền khi mua hàng trực tuyến, làm theo yêu cầu của một số đối tượng mời chào mua hàng qua điện thoại, tin nhắn.

Để tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng yên tâm giao dịch, mua sắm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn hỗ trợ, giải đáp cho người tiêu dùng về Luật Bảo vệ người tiêu dùng với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhất là kinh doanh trên môi trường mạng...

Nói về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đánh giá, năm 2022, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và chi tiêu của người dân. Vì vậy, Sở Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, xã hội tuyên truyền cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm để hiểu rõ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là giải quyết, xác nhận các hợp đồng liên quan đến các lĩnh vực tiêu dùng của người dân nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng theo đúng các quy định của pháp luật.

NGUYÊN TRANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/tieu-dung-an-toan-trong-thoi-ky-binh-thuong-moi-689184/