Đại diện Bộ Tài chính nói gì về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, nước giải khát?

Theo đại diện Bộ Tài chính, cơ quan này đã báo cáo Chính phủ về điều chỉnh lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng

Ngày 22-4, tại Hội thảo "Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt" do Báo Nhân Dân tổ chức, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết tình hình kinh tế trong nước chịu nhiều tác động từ các diễn biến khó lường trên thế giới.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu tại hội thảo

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu tại hội thảo

Trong bối cảnh đó, theo ông Lê Quốc Minh, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo càng trở nên thách thức, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. "Trong đó, nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững là yêu cầu trở nên cấp bách"- ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Theo Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào tháng 5-2025, với mục tiêu quan định hướng sản xuất, điều chỉnh hành vi tiêu dùng của xã hội, hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe và môi trường.

Tuy nhiên, thông qua các đề xuất về bổ sung thêm mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), tăng thuế suất, lộ trình tăng thuế…, những nội dung sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này sẽ có tác động rất lớn đến chuỗi sản xuất của nhiều ngành hàng, từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đến phân phối, dịch vụ.

Theo ông Lê Quốc Minh, cần có những giải pháp phù hợp nhất với thực tiễn, có tính khả thi cao nhằm hoàn thiện dự thảo luật theo nguyên tắc chung là hài hòa giữa yêu cầu bảo vệ sức khỏe của người dân, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Dưới góc nhìn chuyên gia kinh tế, PGS-TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, căn cứ vào việc số lượng doanh nghiệp Việt Nam rút khỏi thị trường ngày càng gia tăng theo thời gian, có thể nhận định: Môi trường kinh doanh hiện nay đang có rất nhiều vấn đề nội tại.

Ông Thiên cũng nêu ra một số nghịch lý của nền kinh tế Việt Nam, điển hình như hiện tượng GDP tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp "bền vững", lãi suất lại quá cao; nền kinh tế dồi dào tiền nhưng doanh nghiệp lại "khát" vốn...

Ông Lưu Đức Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) phát biểu

Ông Lưu Đức Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) phát biểu

Cũng băn khoăn trước các khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ khi ban hành chính sách thuế cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trong điều kiện kinh tế và điều kiện thực tế của ngành; cẩn trọng, hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, với ngành bia, rượu, đề xuất lùi hiệu lực tăng thuế TTĐB tới năm 2028; tăng thuế 5%/năm trong 5 năm. Với ngành nước giải khát, chưa nên bổ sung mặt hàng giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

TS Lê Duy Bình, Chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng một lộ trình tăng thuế hợp lý, về cả mức thuế và thời gian áp dụng, sẽ giúp hài hòa được việc đạt được mục tiêu của sắc thuế TTĐB đối với ngành rượu bia như cơ quan soạn thảo đề ra. Đồng thời sẽ giúp khoan thư sức doanh nghiệp, hỗ trợ để hồi phục và đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao trong năm nay và những năm tới.

Tại hội thảo, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho rằng quyết định tăng thuế là một vấn đề quan trọng khi ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích cũng như sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng như thuốc lá, rượu bia và nước giải khát có đường.

Theo báo cáo của Ủy ban, dự báo đến năm 2030, có 2 triệu trẻ em Việt Nam sẽ bị tình trạng béo phì. Do đó, chúng ta cần hài hòa lợi ích chung, nhưng cần chú trọng bảo vệ quyền trẻ em và cao hơn là quyền con người.

Thậm chí, theo ông Hạ, cần nghĩ tới việc đánh thuế vào nước có đường hay đường, liên quan đến các loại kẹo cũng chứa hàm lượng đường rất cao. Tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội lưu ý việc này cần nhìn nhận từ nhiều góc độ, cần tìm phương án hài hòa với doanh nghiệp, lộ trình, thời điểm phù hợp.

Phản hồi một số ý kiến tại hội thảo, ông Lưu Đức Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 có nêu định hướng phải sửa đổi bổ sung thuế tiêu TTĐB.

Ông Lưu Đức Huy khẳng định trong định hướng chiến lược, không có câu nào nhắc đến tăng thuế TTĐB nhằm mục tiêu tăng thu ngân sách. Rõ ràng, luật được ban hành để hạn chế tiêu dùng các sản phẩm rượu, bia, nước giải khát thì không thể tăng thu ngân sách được.

Việc Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Huy cho biết Chính phủ đã có chỉ đạo, Bộ Tài chính có nghiên cứu báo cáo với Chính phủ xem xét một số vấn đề về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong đó, xem xét giãn lộ trình tăng thuế với các mặt hàng trong dự thảo luật, trong đó có mặt hàng bia, rượu, đề xuất thực hiện từ năm 2027, thay vì 2026 như phương án trước đó.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dai-dien-bo-tai-chinh-noi-gi-ve-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-ruou-bia-nuoc-giai-khat-196250422183530651.htm