Tiêu thụ thép trong nước khởi sắc, nhưng xuất khẩu chậm lại

Quý I/2025 là giai đoạn đầy thách thức đối với ngành thép Việt Nam, với sự đối lập giữa tăng trưởng tại nội địa và những khó khăn từ thị trường xuất khẩu do các chính sách thương mại bảo hộ tại các thị trường lớn như Mỹ, EU...

Sản xuất và tiêu thụ thép quý I/2025 khởi sắc nhờ cầu tăng lên tại thị trường nội địa.

Sản xuất và tiêu thụ thép quý I/2025 khởi sắc nhờ cầu tăng lên tại thị trường nội địa.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, quý I/2025 là giai đoạn đầy thách thức đối với ngành thép Việt Nam, với sự đối lập giữa tăng trưởng nội địa và những khó khăn từ thị trường xuất khẩu do các chính sách thương mại bảo hộ như: Tuyên bố mở rộng Đạo luật 232 và thuế đối ứng của Mỹ; EU cũng sẽ cập nhật thay đổi chính sách phòng vệ thương mại trong tháng 3, áp dụng từ 1/4.

Cùng với đó, Ấn Độ, nước sản xuất thép lớn thứ 2 thế giới, hôm 21/4 đã áp thuế tạm thời 12% đối với thép nhập khẩu trong một nỗ lực kiềm chế sự xâm nhập ồ ạt của thép nhập khẩu giá rẻ.

Bán hàng thép thành phẩm quý I/2025 đạt 7,5 triệu tấn, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,4 triệu tấn, giảm 37,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Đây đều là các thị trường xuất khẩu thép hàng đầu của Việt Nam những năm qua, phụ thuộc vào từng mặt hàng. Vì thế, lượng và giá trị xuất khẩu của các mặt hàng thép (HRC, tôn mạ, ống thép,..) đã biến động trái chiều", VSA lý giải.

Số liệu thống kê của VSA, quý I/2025, sản lượng thép thô sản xuất đạt 5,81 triệu tấn, tăng 9,1%; thép thành phẩm đạt 7,464 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng thép thành phẩm bán ra thị trường quý I/2025 đạt 7,501 triệu tấn, tăng 12,2% so với quý I/2024. Thị trường nội địa vẫn đang thể hiện tốt vai trò làm trụ đỡ cho các doanh nghiệp thép.

Trong đó, phân khúc thép xây dựng ghi nhận tăng trưởng vượt trội: Sản xuất đạt 3,003 triệu tấn tăng 10,6%, bán hàng đạt 3,075 triệu tấn tăng 19,9%.

Đứng đầu thị phần thép xây dựng quý 1/2025 vẫn là Hòa Phát với 1,191.729 tấn, chiếm 38,76% thị phần, Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP (VNSteel) đứng thứ 2 với 355.660 tấn, chiếm 11,57% thị phần, theo sau là Việt Đức, Vinakyoei và POSCO Yamato Vina.

Thị trường nội địa quý I ghi nhận những tín hiệu tích cực khi tăng trưởng GDP đạt 6,93%, cao nhật xét trong cùng kỳ 5 năm qua. Chính phủ cũng đang thúc đẩy việc đầu tư các công trình hạ tầng, điển hình như cao tốc bắc - nam, sân bay Long Thành, giúp hỗ trợ việc tiêu thụ thép.

Bên cạnh đó, việc Bộ Công thương áp biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời đối với thép HRC và tôn mạ nhập khẩu từ một số nước, đặc biệt là Trung Quốc đã và sẽ giúp thúc đẩy việc bán hàng của các doanh nghiệp thép Việt Nam.

Ngược lại với thị trường nội địa khởi sắc, hoạt động xuất khẩu thép quý I/2025 đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Lượng thép xuất khẩu chỉ đạt 1,745 triệu tấn, giảm 18,83% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu thép thành phẩm chỉ đạt 1,414 triệu tấn, giảm sâu tới 37,2% so với cùng kỳ.

Theo phân tích của VSA, nguyên nhân chủ yếu là do: Mỹ mở rộng phạm vi áp thuế theo Đạo luật 232, EU áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nghiêm ngặt hơn, Ấn Độ ban hành các biện pháp tự vệ đối với thép cuộn mạ và thép cán nguội.

Nhóm sản phẩm thép chịu ảnh hưởng nặng nhất là tôn mạ với lượng xuất khẩu giảm tới 41,5%; tiếp đó là HRC, xuất khẩu chỉ đạt 198.000 tấn, bằng 26,5% cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu thép cán nóng giảm tới 74% xuống còn hơn 198.000 tấn. Tỷ trọng xuất khẩu trong cơ cấu bán hàng ở mức 19%, giảm mạnh so với 34% của cùng kỳ năm ngoái

Ngoài ra, mặt bằng giá nguyên liệu quốc tế cũng có biến động nhẹ trong quý I/2025. Theo đó, giá quặng sắt 62% Fe trung bình tháng 3/2025 đạt 102,4 USD/tấn, giảm 6,5% so với tháng 3/2024. Giá than luyện coke FOB Australia trung bình tháng 3/2025 đạt 223,9 USD/tấn, giảm 36,5% cùng kỳ năm trước.

Với tình hình thương mại phức tạp như hiện nay, giá thép được dự báo sẽ ổn định từ nay đến cuối năm.

Theo đó, Trung Quốc đang dư cung nên giá thế giới khó để lên. Còn trong nước, chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công nên nhu cầu tăng lên. Kèm theo đó, thời gian qua Việt Nam cũng dựng lên hàng rào bảo hộ. Những yếu tố này hỗ trợ lên giá.

Nhưng ngược lại, nếu thuế quan của My ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam thì giá thép có thể giảm xuống. Như vậy, yếu tố tăng giảm đan xem lẫn nhau.

Nhận định về tiêu thụ thép năm nay, doanh nghiệp trong ngành cho rằng, thị trường nội địa vẫn đóng vai trò là trụ đỡ cho tăng trưởng của ngành thép trong bối cảnh thị trường xuất khẩu có nhiều biến động lớn. Tuy nhiên, bản thân thị trường nội địa hiện vẫn có nhiều biến số liên quan tới sắc lệnh thuế đối ứng của Mỹ.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tieu-thu-thep-trong-nuoc-khoi-sac-nhung-xuat-khau-cham-lai-d276876.html