Tiêu thụ vải thiều năm 2022: Coi trọng khai thác tối đa thị trường trong nước
Khai thác tốt hơn thị trường nội địa là một trong những giải pháp tiêu thụ vải thiều năm 2022.
Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các huyện, thành phố chung tay kết nối tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng năm 2022.
Văn bản nêu rõ, tiếp tục phối hợp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, xác định thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước đều rất quan trọng; phải coi trọng khai thác tối đa thị trường trong nước, đổi mới trong việc giới thiệu sản phẩm đối với thị trường nội địa, tập trung vào các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối lớn như Hà Nội, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai…
Bên cạnh đó, tận dụng tốt các nhà phân phối, hệ thống các tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam như Go, SaiGon.Coop, Happro, Vinmart…; các khu công nghiệp lớn ở Bắc Giang và miền Bắc; các tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn trong nước; các tổ chức chính trị - xã hội có mạng luới rộng lớn như Mặt trận Tổ quốc, công đoàn, hội hông dân, hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên… để đưa sản phẩm vải thiều Lục Ngạn và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng năm 2022 đến tất cả các kênh, mạng luới phân phối, tiêu thụ trong cả nước.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp khơi thông thị trường trong nước, ưu tiên hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ cho các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Global gap. Tăng cường kết nối với các tập đoàn phân phối, các tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn, ban quản lý các khu công nghiệp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở trong và ngoài tỉnh để ưu tiên xúc tiến cung ứng, tiêu thụ sản phẩm của các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Global gap.
Đặc biệt là xây dựng kế hoạch, phương án ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, bán vải thiều trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua các kênh thương mại điện tử; phối hợp với Cục Thương mại điện tử - Bộ Công Thương triển khai bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Voso.vn, Lazada.vn, Alibaba…
Đối với một số sở, ngành chức năng tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân thu mua vải thiều về quy trình sơ chế, đóng gói vải thiều xuất khẩu năm 2022 phù hợp với yêu cầu, tiêu chuẩn của từng thị trường; hỗ trợ các giải pháp công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, quản lý truy xuất nguồn gốc, kiểm định, quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý tiêu thụ sản phẩm vải thiều; các giải pháp duy trì bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm vải thiều Lục Ngạn ở trong và ngoài nước.
Ngoài ra, kết nối với Hiệp hội Vận tải ô tô và các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh để xây dựng phương án phối hợp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vận chuyển, phương tiện vận tải an toàn để vận chuyển vải tiêu thụ ở các tỉnh bạn.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), năm nay, do thời tiết thuận lợi, dự báo sản lượng vải thiều toàn huyện ước khoảng hơn 95 nghìn tấn, chất lượng tốt hơn năm trước. Đến nay, UBND huyện đã xây dựng phương án, dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng gần 75,5 nghìn tấn, trong đó tiêu thụ tại thị trường trong nước gần 37.000 tấn; còn lại sấy khô, bảo quản lạnh, chế biến công nghiệp.