Tiểu thương chợ đầu mối ở TP.HCM 'quanh co' không xuất trình giấy tờ nguồn gốc

Đêm 14/8, Đoàn công tác của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM đã có buổi khảo sát thực tế và làm việc tại chợ đầu mối Thủ Đức. Qua thực tế cho thấy, còn nhiều bất cập trong công tác quản lý nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trong chợ.

Đoàn khảo sát đã đi thực tế, theo dõi hoạt động của cơ quan chức năng kiểm tra giấy tờ nguồn gốc xuất xứ, việc ghi chép ở một số gian hàng trái cây. Tuy nhiên, không ít tiểu thương vẫn lúng túng, đưa ra nhiều lý do không đủ giấy tờ thủ tục theo quy định.

Qua phỏng vấn nhanh, một số tiểu thương cho biết, các mặt hàng đều được nhập ngoại nhưng người giữ giấy tờ không có mặt tại thời điểm này nên không thể xuất trình đầy đủ. Một bộ phận tiểu thương do nhập lại của công ty nhập khẩu khác nên không có giấy tờ nguồn gốc…

Kiểm tra giấy tờ nguồn gốc xuất xứ tại chợ đầu mối Thủ Đức, TP.HCM (Ảnh: Kim Dung)

Kiểm tra giấy tờ nguồn gốc xuất xứ tại chợ đầu mối Thủ Đức, TP.HCM (Ảnh: Kim Dung)

Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, thành viên đoàn giám sát, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho rằng, theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM chỉ kiểm tra được 10 mẫu, số lượng còn khiêm tốn. Đáng nói là trong số các mẫu kiểm nghiệm này lại không mẫu nào là mặt hàng có nguy cơ cao.

Bà Tuyết cũng cho biết, các cơ quan quản lý nêu khó khăn về việc quản lý những mặt hàng sản phẩm sơ chế, nhưng lại không dẫn đoàn đi khảo sát.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại chợ đầu mối Thủ Đức còn khác xa thực tế.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM khảo sát chợ đầu mối (Ảnh: Kim Dung)

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM khảo sát chợ đầu mối (Ảnh: Kim Dung)

Trong khi Công ty Cổ phần quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức báo cáo quy trình kiểm tra đầu vào chặt chẽ, nghiêm ngặt từ khâu đăng ký đến kê khai, nhập chợ, số lượng mặt hàng, nguồn gốc xuất xứ. Ban quản lý chợ cũng yêu cầu tiểu thương ghi chép hàng hóa, niêm yết rõ ràng thông tin sản phẩm. Thế nhưng tiểu thương khi được kiểm tra thì lấy nhiều lý do để không xuất trình giấy tờ nguồn gốc.

Ông Nhựt đặt câu hỏi, thực tế công ty đang quản lý các ô vựa trong chợ hay các hoạt động của những gian hàng nói trên?

Cũng theo ông Nhựt, trong thời gian qua, việc truy xuất ở các chợ đầu mối cũng khiến cho các đại biểu HĐND tự hào, thế nhưng đến khi đi kiểm tra thì mọi thứ mới thì là thông tin một chiều. Tất cả các hoạt động quản lý tại đây đều đang thủ công.

7 tháng đầu năm 2024, lượng trái cây, rau củ nhập chợ đầu mối Thủ Đức giảm 8,8% (Ảnh: Kim Dung)

7 tháng đầu năm 2024, lượng trái cây, rau củ nhập chợ đầu mối Thủ Đức giảm 8,8% (Ảnh: Kim Dung)

Do vậy, cần phải có sự đánh giá lại, tái cấu trúc, thay đổi các quản lý để chợ phát triển, thay đổi công nghệ để quản lý một cách tốt nhất. Bởi vì hiện nay tình hình kinh doanh tại đây ngày càng giảm. Tổng lượng hàng nhập trong 7 tháng đầu năm 2024 giảm 51.457 tấn, tương ứng giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

“Từ câu chuyện truy xuất nguồn gốc là câu chuyện về an toàn thực phẩm, cần phải đầu tư về các cơ sở hạ tầng cần phải đồng bộ. Thực tế cần có sự nghiên cứu, tham vấn cho UBND TP.HCM về việc phát triển chính sách như thế nào để cho 3 chợ đầu mối trên địa bàn, đặc biệt là chợ đầu mối nông sản Thủ Đức phát triển ngang tầm quốc tế”, ông Nguyễn Minh Nhựt nói.

Kim Dung/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tieu-thuong-cho-dau-moi-o-tphcm-quanh-co-khong-xuat-trinh-giay-to-nguon-goc-post1114564.vov