Tiểu thương cũng cần biết sử dụng smartphone để bán hàng

Thời đại công nghệ số phát triển vượt bậc, thói quen của người tiêu dùng dần dịch chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến. Chính vì thế, việc dùng smartphone (điện thoại thông minh) để bán hàng là giải pháp mà nhiều tiểu thương đã và đang làm.

Người buôn bán hàng rong ở xã Núi Cấm, tỉnh An Giang - Ảnh: Tô Văn

Người buôn bán hàng rong ở xã Núi Cấm, tỉnh An Giang - Ảnh: Tô Văn

Dọc theo tuyến đường từ phường Tịnh Biên ngược về xã Tri Tôn (tỉnh An Giang) có nhiều phụ nữ dân tộc Kh'mer chạy xe máy hoặc lội bộ gánh hàng bán me Thái.

Mỗi ngày gánh me Thái của chị Neáng Phia (ngụ xã Núi Cấm, tỉnh An Giang) bán ra hơn 10kg. Do chưa biết dùng smartphone nên chị chỉ bán cho khách du lịch và giao sỉ cho các sạp bán ven đường.

Chị Neáng Phi cho hay nhiều khách du lịch cũng khuyên chị nên học cách lên mạng, lập tài khoản Facebook, tham gia các hội nhóm để bán được hàng nhiều hơn. Nhưng do chị còn kém về công nghệ nên vẫn loay hoay chưa biết cách làm. Bởi vậy mà chiếc smartphone của chị tính tới thời điểm hiện tại chỉ thực hiện đúng 2 chức năng là gọi và nghe.

“Thú thật, cứ ai nhắc về công nghệ là tôi thua, smartphone hay mạng nhà đều có hết rồi nhưng chỉ có điều biết dùng hay không thôi”, chị Neáng Phi tâm sự.

Chị Neáng Phi kể trước đây chị gánh hàng loanh quanh núi Cấm để bán me cho khách, doanh thu hằng tháng vẫn tốt do khách du lịch rất đông. Nhưng đến thời điểm này, làm ăn khó khăn, tiết kiệm chi tiêu nên chị chỉ bán được mỗi ngày hơn 10kg.

“Thế nên tôi mới nghĩ, việc mình không biết dùng smartphone là thiệt thòi cực lớn, đặc biệt trong thời buổi công nghệ 4.0. Giá như tôi biết lên mạng thì doanh thu chắc hẳn sẽ không xuống dốc như hiện nay”, chị Neáng Phi lý giải.

Tương tự, ông Ba Tài (62 tuổi, ngụ phường Tịnh Biên, tỉnh An Giang), chủ sạp bán trái thốt nốt trên đường tỉnh 948 (từ Tịnh Biên đi Tri Tôn) kể do ông không có điện thoại smartphone nên việc giao hàng đến tận nhà cho khách rất bất tiện. Nhiều khi, ông bỏ lỡ những cơ hội lớn chỉ vì không có phương tiện liên lạc.

“Giờ ai đến mua hàng cũng bảo tôi cho số điện thoại để họ đặt hàng mang tới tận nhà. Nhưng khổ nỗi tôi làm gì biết sử dụng điện thoại smartphone nên thành ra nhiều khi thiệt thòi ở đó”, ông Ba Tài kể.

Cô Nguyễn Thị Cẩm Lệ đã biết dùng điện thoại smartphone để bán hàng - Ảnh: Tô Văn

Cô Nguyễn Thị Cẩm Lệ đã biết dùng điện thoại smartphone để bán hàng - Ảnh: Tô Văn

Tiến bộ hơn chị Neáng Phi và ông Ba Tài, cô Nguyễn Thị Cẩm Lệ (51 tuổi, chủ tiệm bánh bắp đùm, xã Long Kiến, tỉnh An Giang) cho hay thương hiệu bắp đùm của cô gắn bó với phần lớn học sinh, người lao động do ngon, giá rẻ, nên lượng khách đến ủng hộ nhiều. Cô được con gái chỉ dẫn xài điện thoại smartphone, lập Zalo, Facebook, cung cấp số điện thoại nên hễ khi cần là khách chỉ việc a lô, hàng giao tới tận nhà. Bởi vậy mà nguồn thu vẫn được đảm bảo và duy trì tốt.

Tô Văn

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tieu-thuong-cung-can-biet-su-dung-smartphone-de-ban-hang-234743.html