Cục Thuế nêu loạt giải pháp tăng quản lý với hộ kinh doanh
Cục Thuế tham mưu Bộ Tài chính ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; đề xuất sửa đổi, hoàn thiện một loạt chính sách pháp luật thuế... nhằm tăng quản lý thuế đối với hộ kinh doanh.

Tính tới cuối tháng 6, hơn 2 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, tăng 8% so với cuối năm 2024. Ảnh: Linh Huỳnh.
Chiều 10/7, Cục Thuế tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Trong đó, Cục đã báo cáo một loạt giải pháp triển khai thực hiện trong đổi mới quản lý thuế đối với hộ kinh doanh.
Siết luật, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo
Cục Thuế cho biết đã tích cực tham mưu Bộ Tài chính ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ và cá nhân kinh doanh. Cùng với đó là tổ chức các hội nghị chuyên đề, trao đổi chính sách với các đơn vị, hiệp hội ngành nghề.
Đáng chú ý, ngành thuế đã triển khai đồng bộ 10 giải pháp thuộc Đề án 420, với việc đánh giá định kỳ hàng tuần, hàng tháng theo từng nhóm nhiệm vụ cụ thể.
Đồng thời, cơ quan quản lý thuế cũng tổng hợp và đề xuất sửa đổi, hoàn thiện một loạt chính sách pháp luật thuế như Luật Quản lý thuế, Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập cá nhân…
Nhờ triển khai các biện pháp kể trên, theo số liệu tổng kết của Cục Thuế đến tháng 5, cả nước có khoảng 3,03 triệu hộ kinh doanh nộp tờ khai thuế, trong đó có 2,11 triệu hộ thuộc diện phải nộp thuế và 0,92 triệu hộ không thuộc diện nộp thuế.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ khu vực hộ kinh doanh đạt 17.100 tỷ đồng, hoàn thành 53,4% kế hoạch năm và tăng 31% so với cùng kỳ năm 2024.
Tính tới cuối tháng 6, tổng số hộ kinh doanh đang hoạt động vượt 2 triệu hộ, tăng 8% so với cuối năm 2024 và tăng 3% so với tháng 5 năm nay.
Đặc biệt, có 13.699 hộ kinh doanh đang nộp thuế khoán đã chuyển sang nộp thuế theo phương pháp kê khai. Ngoài ra, 1.474 hộ kinh doanh đã chuyển đổi mô hình hoạt động lên doanh nghiệp, riêng tháng 6 ghi nhận tới 910 trường hợp, chiếm gần 2/3 tổng số hộ chuyển đổi trong 6 tháng đầu năm.
Thực hiện Đề án 420 về chống thất thu thuế, cơ quan thuế đã rà soát và đưa vào quản lý thêm 254.111 hộ kinh doanh, tương đương 12,3% tổng số hộ đang hoạt động. Trong đó, đã xử lý 197.349 trường hợp vi phạm, truy thu tổng số thuế ước đạt 1.783 tỷ đồng.
Công tác số hóa trong quản lý thuế hộ kinh doanh cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện có 788.119 hộ sử dụng ứng dụng eTax Mobile, chiếm khoảng 77% tổng số hộ kinh doanh. Tỷ lệ hộ nộp thuế điện tử đạt 47%, với số tiền chiếm khoảng 31% tổng số nộp ngân sách từ khu vực này.
Về khai thuế, 98% số hộ kinh doanh đã thực hiện khai thuế điện tử (trong đó có 2% là hộ nộp thuế khoán). Tuy nhiên, nợ thuế từ khu vực hộ và cá nhân kinh doanh vẫn là một vấn đề đáng lưu ý. Tổng số tiền nợ thuế hiện đạt 14.257 tỷ đồng, tăng 1.971 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 16,1% so với cuối năm 2024.

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Cục Thuế. Ảnh: Cục Thuế.
Thuế từ kinh doanh online đổ mạnh vào ngân sách
Cũng theo báo cáo từ Cục Thuế, tính đến hết tháng 6, tổng thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử và các lĩnh vực kinh tế số khác đạt khoảng 98.000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2024.
“Việc siết chặt khâu kê khai, tăng cường quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử, trên nền tảng số, cải tiến quy trình hoàn thuế và triển khai các chuyên đề chống thất thu đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu thất thoát ngân sách Nhà nước”, Cục Thuế cho biết.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách Nhà nước do cơ quan thuế quản lý ước đạt gần 1,143 triệu tỷ đồng, hoàn thành 66,5% dự toán, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số 34 tỉnh, thành phố mới đi vào vận hành từ ngày 1/7, có 31 địa phương đạt tiến độ thu trên 55% dự toán, nổi bật như Hưng Yên, Hà Tĩnh, Cao Bằng, Nghệ An, Tây Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Ninh Bình, Điện Biên và Đồng Nai. Đáng chú ý, 33/34 địa phương ghi nhận mức tăng trưởng thu so với cùng kỳ.
Kế hoạch nửa cuối năm, Cục Thuế cho biết sẽ tập trung mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ, chống thất thu, phấn đấu tăng thu ngân sách trên 15% theo mục tiêu.
Ngành thuế sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; nâng cao chất lượng công tác kê khai, nộp thuế, hoàn thuế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý rủi ro, đảm bảo hoàn thuế đúng đối tượng, đúng quy định, đúng tiến độ.
"Ngành thuế sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; nâng cao chất lượng công tác kê khai, nộp thuế, hoàn thuế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý rủi ro, đảm bảo hoàn thuế đúng đối tượng, đúng quy định, đúng tiến độ"
Cục Thuế (Bộ Tài chính)
Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề rủi ro cao, dư địa thu lớn; đẩy mạnh kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra tại cơ quan thuế; ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong kiểm tra để nâng cao hiệu quả, hạn chế thất thu.
Cơ quan thuế sẽ triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp quản lý nợ, thu hồi nợ thuế; phân loại nợ, xử lý phù hợp từng nhóm nợ; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong đôn đốc, cưỡng chế thu nợ thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 8% số thực thu.
Đồng thời, tăng cường quản lý thuế đối với thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; đẩy mạnh cập nhật cơ sở dữ liệu, ứng dụng AI trong phân tích, cảnh báo rủi ro; triển khai hiệu quả Cổng thông tin dành cho hộ cá nhân kinh doanh, đảm bảo thu đúng, thu đủ.
Cuối cùng là mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện ngành thuế; triển khai các ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hóa đơn, hoàn thuế, kê khai, nộp thuế; nâng cao chất lượng vận hành hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn, thông suốt và hiệu quả phục vụ.