TikToker Nguyễn Quang Linh livestream mẫu truyền cảm hứng cho người khuyết tật
Tại sự kiện hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp kinh tế số dành cho người khuyết tật, TikToker Nguyễn Quang Linh đã thực hiện một phiên livestream mẫu để truyền cảm hứng cho cộng đồng này.

SYS Việt Nam, eComDX và Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình đào tạo, hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp kinh tế số dành cho người khuyết tật. Ảnh: PV
Ngày 10/7, ba đơn vị gồm Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp Việt Nam (SYS Việt Nam), Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX) - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình đào tạo, hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp kinh tế số dành cho người khuyết tật.
Đây là một trong những hoạt động cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 57 về ứng dụng khoa học – công nghệ vào đời sống, và Nghị quyết 68 về phát triển khu vực kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Chương trình được triển khai trong khuôn khổ Đề án “Nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam”, do SYS Việt Nam, TikTok Việt Nam và Báo Nhân Dân khởi xướng. Riêng với nhóm người khuyết tật, đây không chỉ là cơ hội được học tập, mà còn là cách thức để khẳng định vai trò xã hội trong môi trường số.
Trong chương trình, TikToker Nguyễn Quang Linh là người khuyết tật cũng tham gia chia sẻ kinh nghiệm và thực hiện một phiên livestream mẫu để truyền cảm hứng cho cộng đồng. Nguyễn Quang Linh tham gia bán hàng trên TikTok từ cuối năm 2024, hiện nay đã đạt doanh thu 1 tỷ đồng/tháng.
Ngay trong tháng 7/2025, chương trình đào tạo và hỗ trợ việc làm đầu tiên sẽ được khởi động. Đội ngũ giảng viên là các chuyên gia từ TikTok Shop, hệ thống DAKE MCN, và đặc biệt là những người khuyết tật đã khởi nghiệp thành công – sẽ trực tiếp tham gia truyền đạt kinh nghiệm và truyền cảm hứng.
Chương trình không dừng lại ở vài khóa đào tạo mà là một cam kết lâu dài, mở ra những cánh cửa mới cho hàng triệu người yếu thế – những người đang khát khao được sống, học tập, làm việc và mơ ước như bao người khác.
Sáng kiến lần này không chỉ giải quyết bài toán kinh tế cho người khuyết tật mà còn truyền đi một thông điệp rõ ràng: một xã hội bền vững là xã hội không bỏ lại ai phía sau. Trong kỷ nguyên công nghệ, chính công nghệ, nếu được sử dụng đúng, có thể trở thành chìa khóa để con người vượt qua mọi giới hạn về thể chất, hoàn cảnh hay xuất thân.

Bà Trần Tịnh Giang, đại diện TikTok Shop chia sẻ về chính sách trong sự kiện. Ảnh: PV
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Nguyễn Phan Huy Khôi, Giám đốc SYS Việt Nam chia sẻ: “Người khuyết tật cần cơ hội. Cơ hội để học hỏi, để làm việc, để sống bằng sức lao động của mình. Việc đồng hành cùng Hội Thanh niên Khuyết tật và eComDX là hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 57 và 68 trong đời sống thường ngày.”
Sáng kiến lần này thể hiện rõ mô hình hợp tác ba bên: Nhà nước (thông qua eComDX), tổ chức xã hội (Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam), và khối tư nhân (đại diện bởi hệ sinh thái TikTok, DAKE MCN).
Theo ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc eComDX: “Việc bổ sung người khuyết tật vào mạng lưới thụ hưởng của chương trình không chỉ thể hiện tính nhân văn mà còn tạo ra một lực lượng lao động mới – có khả năng ứng dụng thương mại điện tử vào đời sống và khởi nghiệp thực tế.”
Trong khuôn khổ hợp tác, các chương trình đào tạo kỹ năng số, tư duy kinh doanh và thương mại điện tử sẽ được thiết kế riêng, phù hợp với khả năng và điều kiện của từng nhóm người khuyết tật. Ngoài đào tạo, chương trình cũng sẽ hỗ trợ tư vấn mô hình kinh doanh, tiếp cận vốn, thị trường, công nghệ và truyền thông cộng đồng.
Tại lễ ký kết, ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam, nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn được đóng góp, được sống có ích. Có một nghề, có một sinh kế, có cơ hội làm chủ cuộc đời – đó là khát vọng của hàng triệu người khuyết tật Việt Nam.”
Hiện cả nước có trên 6,2 triệu người khuyết tật, nhưng phần lớn trong số họ chưa từng có cơ hội được đào tạo nghề hoặc tiếp cận công nghệ. Việc ký kết hôm nay kỳ vọng sẽ tạo ra một bước ngoặt quan trọng, đưa người khuyết tật hòa nhập sâu hơn vào nền kinh tế số.