Tiểu thương Đài Loan chật vật ứng phó đợt dịch mới
Kéo dài lệnh giãn cách xã hội để ngăn chặn đợt dịch mới lan rộng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bán lẻ truyền thống của người dân Đài Loan.
Theo South China Morning Post, đợt dịch mới bùng phát tại Đài Loan có nguy cơ thổi bay tăng trưởng của khu vực dịch vụ quan trọng của hòn đảo.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo ngành dịch vụ sẽ thu hẹp và tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm mạnh nếu các lệnh hạn chế mới được áp dụng để ngăn chặn đợt dịch mới lan rộng.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 mới ở Đài Loan ghi nhận 1.889 ca nhiễm mới trong 11 ngày, trong đó chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm kinh tế Đài Bắc.
Giới chức Đài Loan đã nâng mức cảnh báo nguy cấp lên mức 3/4 và ra lệnh đóng cửa thư viện, trung tâm giải trí, phòng triển lãm và rạp chiếu phim để hạn chế người dân tập trung đông người.
Nhiều người dân Đài Loan ở nhà trong đại dịch, trong khi Tổng thống Đài Loan kêu gọi người dân không nên đổ xô tích trữ hàng hóa trong thời điểm bất ổn.
Dù trước lệnh đóng cửa các nhà hàng phục vụ tại chỗ vào thứ năm tuần trước, chủ các hàng quán nhỏ lẻ đã chật vật duy trì hoạt động khi chỉ có vài khách đến dùng bữa.
Ông Hung Chia-chun, chủ quán cà phê Y.J Coffee mới khai trương ở Đài Bắc, cho biết dù ở vị trí đắc địa gần các trung tâm lớn, doanh thu của quán hiện tại còn thấp hơn những chi nhánh ở các huyện nhỏ nơi dịch không bùng phát.
Quán cà phê của ông gần như không có khách. "Mọi người rất sợ, dù cho ra quán uống một tách cà phê là một thói quen truyền thống của người Đài Loan. Đại dịch làm mọi thứ rất khó khăn, chúng tôi chưa hề chuẩn bị trước", ông than thở.
Nếu các lệnh hạn chế tụ tập nơi công cộng tiếp tục kéo dài, các nhà kinh tế dự đoán mảng dịch vụ của Đài Loan có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Lĩnh vực dịch vụ chiếm khoảng 2/3 tổng GDP của hòn đảo này, ước tính đạt giá trị 759 tỷ USD năm ngoái.
"Lượng khách hàng chi tiêu vào hoạt động giải trí, di chuyển, ăn uống và mua sắm... giảm rõ rệt trong quý II", chuyên gia kinh tế Ma Tieying tại Ngân hàng DBS cho biết. "Các lĩnh vực liên quan cũng chịu ảnh hưởng trầm trọng", Ma nói thêm.
Ma dự báo tiêu dùng tư nhân dự kiến giảm trong quý này và nhiều khả năng giảm vượt 10% so với hai quý đầu năm ngoái.
Bà Alicia Garcia Herrero, trưởng nhóm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương của Naxtis, cho biết nếu các biện pháp giãn cách của Đài Loan tiếp tục duy trì đến cuối tháng 6, mức tiêu thụ dịch vụ sẽ giảm từ 0,5-1% so với dự báo GDP năm 2021.
"Tuy nhiên, nếu Đài Loan chuyển sang mức nguy cấp 4 trong một hoặc hai tháng, sản xuất sẽ đình trệ và đầu tư sẽ giảm mạnh. Điều này có nghĩa tăng trưởng GDP có thể dao động quanh mức 0%", bà nói thêm.
Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit dự đoán hoạt động kinh tế của hòn đảo, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ truyền thống, sẽ hứng chịu sụt giảm trong tháng 4-5.
"Đóng cửa càng lâu, hậu quả nền kinh tế gánh chịu sẽ càng nghiêm trọng", Biswas nói.
Trong khi đó, ngành sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan có thể sẽ "sống sót" qua giai đoạn khó khăn. Đài Loan là xương sống của ngành sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, trong khi tình trạng khan hiếm chip trên thế giới càng thúc đẩy hoạt động của ngành ở Đài Loan.
"Điều kiện xuất khẩu được duy trì tốt có thể 'cứu' nền kinh tế Đài Loan tiếp tục tăng trưởng ngay cả khi lệnh giãn cách kéo dài", chuyên gia kinh tế Gareth Leather nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tieu-thuong-dai-loan-chat-vat-ung-pho-dot-dich-moi-post1219004.html