Tiểu thương từng mong có vài m2 ở khu chợ này giờ lâm cảnh đìu hiu, vắng khách
Từng được coi là nét đặc trưng trong văn hóa của người Việt nhưng giờ đây, chợ truyền thống lại đang đối mặt với tình trạng đìu hiu, vắng khách khiến nhiều tiểu thương rơi vào cảnh ế ẩm, lao đao.
Ghi nhận của PV tại một trong những khu chợ lâu đời nhất Hà Nội - chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) trong sáng 24/5, đa số các sạp hàng gần như không có hoặc chỉ lác đác một vài khách hỏi mua. Người bán còn nhiều hơn người đến mua khiến các tiểu thương chỉ biết giết thời gian bằng nhiều cách khác nhau. Người ngồi lướt điện thoại, người tụm ba, tụm năm nói chuyện, thậm chí có tiểu thương còn tranh thủ…tập thể dục
Bà Phan Thị Hà - một tiểu thương buôn bán lâu năm ở chợ chia sẻ: “Tôi buôn bán ở chợ mấy chục năm rồi nhưng chưa bao giờ tôi thấy chợ lại ế ẩm và vắng khách đến như vậy. Đầu năm đến giờ chúng tôi hầu như chỉ đến ngồi chơi để giết thời gian chứ không thấy khách đến mua hàng”.
Theo bà Hà, chợ Đồng Xuân có một lượng lớn khách du lịch tham quan và mua hàng. Tuy nhiên, không như mấy năm trước, hiện tại khách du lịch đến đây hầu hết chỉ để tham quan, chụp ảnh nhưng rất ít người mua.
Đối mặt với cảnh buôn bán ế ẩm, không thể trả tiền thuê mặt bằng đã khiến bà Hà và các tiểu thương khác phải đi vay mượn để duy trì kinh doanh, mong vượt qua được giai đoạn khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (54 tuổi, Hà Nam), một tiểu thương cho biết: “Nếu mấy năm trước bán được 10 thì năm nay may ra chỉ bán được 1. Không mở ki ốt thì sốt ruột mà mở thì lại không có khách. Tôi đến đây chỉ biết ngồi chờ khách từ sáng đến tối rồi về chứ không bán được cho ai. Không biết bao giờ mới khá khẩm lên”.
Không khá khẩm hơn, ghi nhận tại chợ Mơ - khu chợ truyền thống nổi tiếng tại Hà Nội với các hoạt động buôn bán các mặt hàng như quần áo, giày dép,... Không còn cảnh khách hàng ra vào mua bán tấp nập, có thời điểm cả khu chợ không có một khách hàng qua lại khiến chủ sạp chỉ biết ngồi chơi để giết thời gian.
Bán hàng tại chợ Mơ (Hà Nội) được 20 năm, cô Khánh Huyền (42 tuổi, Nam Định) cho biết chưa bao giờ chứng kiến cảnh chợ vắng vẻ như năm nay. "Cô bán hàng ở đây lâu rồi năm nay là vắng khách nhất. Sau đợt dịch COVID cũng không vắng đến mức như này khiến cô và các tiểu thương rơi vào bế tắc. Giờ ngừng bán thì tiếc vì mình đã làm nghề lâu rồi nhưng nếu cứ kéo dài mãi như vậy cũng không biết cầm cự được đến khi nào”.
Chị Huyền cho biết thêm chị và các chủ sạp khác cũng thử bán hàng online nhưng không thể bán được vì không có ai tương tác, không thể cạnh tranh với những người có kinh nghiệm bán hàng online lâu năm.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Sơn (45 tuổi, Hải Dương) cho hay: “Kinh tế khó khăn mà hàng quán thì ngày càng nhiều khiến việc kinh doanh của chúng tôi ngày càng ế ẩm. Thu nhập của chúng tôi giờ chỉ bằng một nửa so với trước đây. Buôn bán ế ẩm kéo dài như này khiến tiểu thương chúng tôi rơi vào cảnh lao đao”.
Trước tình hinh khó khăn, nhiều tiểu thương phải dừng kinh doanh, dản bảng cho thuê sạp, sang sạp, thậm chí trả lại sạp trước hợp đồng. Chị Nguyễn Thị Thu (35 tuổi, Hà Nộ)i cho biết: “Mỗi tháng chị phải chi gần 40 triệu bao gồm tiền mặt bằng, tiền thuê nhân viên nhưng buôn bán ế ẩm quá nên giờ chị đành phải trả mặt bằng trước thời gian và chấp nhận bồi thường tiền vi phạm hợp đồng chứ không thể gánh nổi nữa”.
Sức mua sụt giảm, hàng hóa ế ẩm khiến các tiểu thương phải cắt giảm chi phí để cầm cự việc mình doanh. Tuy nhiên, việc chợ truyền thống đối mặt với tình trạng vắng khách kéo dài nhiều tiểu thương đành chấp nhận đóng cửa hàng hoặc trả mặt bằng trước thời hạn.
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chị Phạm Thị Hoa (35 tuổi, Hà Nội) - tiểu thương kinh doanh sạp bán giày dép tại chợ Mơ cho biết: “Sau ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ gia đình cắt giảm chi tiêu so với trước. Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm online đang phát triển mạnh và được giới trẻ ưa chuộng bởi sự tiện lợi, nhiều mẫu mã, ưu đãi… Điều này cũng khiến chợ truyền thống dần mất một tệp khách nhất định”.
Tương tự, chị Nguyễn Thùy Tươi (40 tuổi, Nam Định) - chủ cửa hàng bán quần áo tại chợ Đồng Xuân cũng đau đầu trước sức ép, cạnh tranh của thị trường mua bán online: “Nhiều khách hàng vào xem hàng rồi rời đi, có người còn đưa điện thoại ra so sánh với giá trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada,... Nhưng tôi không thể cắt giảm các chi phí ở cửa hàng, vì ngoài tiền vốn nhập quần áo, tôi còn phải tốn thêm chi phí mặt bằng, điện, nước…”, chị Tươi chia sẻ.
Nhiều tiểu thương thừa nhận kinh tế khó khăn, thu nhập của phần lớn người lao động bị giảm đáng kể, nên hầu hết các gia đình áp dụng chính sách tiết kiệm, chỉ mua những đồ dùng thực sự thiết yếu. Thêm vào đó, thói quen mua sắm qua kênh thương mại điện tử đã phá vỡ kênh kinh doanh truyền thống, hoạt động mua bán tại các chợ ngày càng bị thu hẹp.
Phạm Thị Ngọc Ánh (20 tuổi, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội) thường mua hàng online, ít khi ra chợ truyền thống mua sắm vì “chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh kết nối Internet, tôi có thể mua bất cứ đồ gì mình cần, được giao hàng đến tận nhà, sản phẩm được mô tả kỹ càng, giá cả cũng rẻ hơn nhiều so với mua trực tiếp ngoài chợ. Bình thường đi chợ với mẹ, tôi rất ngại trả giá với tiểu thương. Mua online tôi có thể thoải mái so sánh giá thành sản phẩm giữa các shop, tìm kiếm ưu đãi phù hợp để mua với giá tốt nhất”, Ánh nói.
Không chỉ riêng Ngọc Ánh, mua hàng online còn là xu hướng của đại đa số người tiêu dùng hiện nay. Ông Chu Văn Việt (53 tuổi, Nam Định) cũng dần chuyển sang mua hàng online trong một năm trở lại đây. Ông kể: “Trước đây, mỗi lần mua gì đều phải đến chợ huyện cách nhà 15km, vừa bất tiện mà nhiều khi còn không như ý thích. Khi biết đến hình thức mua hàng trực tuyến, ban đầu tôi cũng lo ngại về chất lượng sản phẩm nhưng người bán livestream hỗ trợ nhiệt tình, giải đáp thắc mắc và hướng dẫn chi tiết cách đặt hàng nên tôi mua thử vài lần. Nhận hàng về được kiểm tra, ưng ý mới nhận nên tôi rất an tâm. Bây giờ tôi ưu tiên mua sắm online vì tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức”.
Để ứng phó với tình hình khó khăn hiện nay, TS. Nguyễn Thị Diễm Hằng (Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) kiến nghị: “Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ cho các tiểu thương chợ truyền thống trước tình cảnh khó khăn như hiện nay. Đầu tiên là ban hành chính sách trợ giá khi có lạm phát xảy ra, sau đó, nhà nước cùng tiểu thương tìm kiếm thị trường, đào tạo, hướng dẫn cách thức, mô hình kinh doanh mới để tiểu thương có thể thích ứng với sự thay đổi”.
Để duy trì kinh doanh, thích ứng với xu hướng mới, chị Đinh Ngọc Mai (29 tuổi, Hà Nội) đã kết hợp hai hình thức bán quần áo trực tiếp tại chợ Đồng Xuân và bán online. “Từ khi bán online, tình hình kinh doanh của cửa hàng cải thiện đáng kể. Khách hàng của tôi không chỉ là người dân đến xem trực tiếp mà còn ở khắp các tỉnh thành trên đất nước. Nhờ đó, tôi đã có kinh phí trả tiền mặt bằng, nhân viên và các phụ phí phát sinh khác”, chị Mai cho hay.
Chị Mai thừa nhận kinh doanh online thời điểm đầu tiên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, thu hút người tiêu dùng, cách chụp hình, đăng bài, livestream, tương tác với khách hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Đó cũng là khó khăn, thách thức với những tiểu thương lớn tuổi, không thành thạo công nghệ. “Tôi đã kinh doanh tại chợ truyền thống gần 40 năm, muốn học bán hàng trực tuyến nhưng tuổi cao, học chậm, không ăn nói lưu loát được như các bạn trẻ ngày nay, nhiều khi sử dụng điện thoại thông minh còn phải nhờ con cháu dạy đi dạy lại nên việc chuyển đổi hình thức kinh doanh không phải chuyện một sớm một chiều”, bà Nguyễn Thị Hồng (60 tuổi, Hà Nội) - tiểu thương kinh doanh bánh kẹo tại chợ Mơ cho biết.
Có thể thấy, việc khắc phục tình trạng ế ẩm tại các chợ truyền thống đòi hỏi một sự kết hợp giữa các biện pháp truyền thống và các giải pháp hiện đại. Ban quản lý chợ và tiểu thương cần đề ra chiến lược quảng cáo hiệu quả để thu hút người mua, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, quảng cáo về các sản phẩm, dịch vụ và các sự kiện đặc biệt trong chợ. Mỗi tiểu thương cũng cần chủ động tìm giải pháp nâng cao trải nghiệm của khách hàng, vững vàng vượt qua khó khăn để phát triển phù hợp với xu thế chung của xã hội.