Tiểu thuyết đồng tính không cốt truyện được ưa chuộng

Những tác phẩm không có sự biến ảo mạnh mẽ của dòng nội dung nhưng vẫn đưa độc giả nhẹ nhàng thấm những câu chuyện rất đời và sâu sắc.

Có một kệ sách được dán nhãn "tiểu thuyết không có cốt truyện" trong hiệu sách nơi cây viết Rachel Gerry của trang The Walrus làm việc. Đây là nơi tràn ngập sự hấp dẫn và bất ngờ khi một người bán sách tự hỏi: "Đây là tiểu thuyết, nhưng sao lại không có cốt truyện?". Khách hàng thường hỏi các nhà bán sách về kệ sách này, tuy nhiên, ngay cả họ cũng có thể chưa hiểu đúng.

Có nhiều yếu tố khiến một câu chuyện hấp dẫn như ngôn ngữ, địa điểm, sự tinh tế và tất cả xảy ra một cách tự nhiên, không cần một sự biến ảo rõ rệt. Và dù không có nút thắt, tác phẩm đó vẫn đủ để khiến độc giả đắm chìm, bị quyến rũ và bị cuốn hút.

Bước tiến của tiểu thuyết đồng tính

Gần đây, kệ sách này xuất hiện một loạt tiểu thuyết của các nhà văn đồng tính nữ - những người coi sự độc đáo là một nét đặc sắc trong văn học và cuộc sống. Nhiều tác phẩm trong số này đã lọt vào danh sách rút gọn cho các giải thưởng lớn, như Giải thưởng Booker quốc tế và Giải thưởng văn học danh giá của Canada Governor General, cũng như nhận được sự hoan nghênh cao của giới phê bình.

Trên thực tế, tiểu thuyết đồng tính đang cho thấy một bước tiến đáng kể. Tờ New York Times và tờ Guardian đã đưa tin về sự trỗi dậy và phát triển của thể loại tiểu thuyết lãng mạn đồng tính, với nhiều bài xã luận ca ngợi "sự đại diện rất cần thiết" của chúng - điều giúp bác bỏ lối mòn văn học quá phổ biến của thế kỷ 20, thường cho rằng tình yêu đồng tính đi kèm sự đi xuống trong tâm lý xã hội.

Cùng sự phát triển mạnh của tiểu thuyết lãng mạn đồng tính, có một sự bùng nổ ngầm trong lĩnh vực tiểu thuyết đồng tính không cốt truyện bìa mềm. Các tác phẩm hoàn toàn ra khỏi lối mòn cũ, tái hiện ý chí của tác giả để mang đến nhiều điều mới mẻ. Điều này được minh chứng rõ nét qua tác phẩm của Renee Gladman, một trong những cây viết đồng tính nữ xuất sắc hiện tại.

Những cây viết có sức nặng

Tác phẩm của Gladman lấy cảm hứng từ nghệ thuật, kiến trúc và giàu trí tưởng tượng để kể những câu chuyện vừa về ngôn ngữ vừa về con người. Trong cuốn sách mới nhất của bà, My Lesbian Novel, được nhà xuất bản độc lập Dorothy ra mắt vào mùa thu 2024, một hình thức sáng tác mới đã được thử nghiệm.

 My Lesbian Novel đã được The Guardian lên bài đánh giá. Ảnh: The Guardian.

My Lesbian Novel đã được The Guardian lên bài đánh giá. Ảnh: The Guardian.

Nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết, một nhà văn tên là "Renee", tham gia vào cuộc trò chuyện với một người phỏng vấn giấu tên khi họ thảo luận về việc viết một câu chuyện tình đồng tính nữ. Người đối thoại của Renee hỏi nhân vật chính: "Bà sẽ bắt đầu cuốn tiểu thuyết mà bà muốn viết như thế nào?". Trong quá trình Renee chia sẻ, cuộc trò chuyện của họ liên tục bị ngắt quãng bằng nội dung tác phẩm mà Renee muốn viết.

Theo đó, câu chuyện sẽ nói về một người phụ nữ tên là June đang hẹn hò với một người đàn ông tên là Ellis nhưng lại tán tỉnh một người phụ nữ tên là Thena. Trong My Lesbian Novel, tác giả Renee Gladman có thể chính là nhân vật Renee và nhân vật Renee có thể là chính là nhân vật June.

Tác phẩm đa tầng nghĩa này cho thấy một cách tiếp cận mới, phần nào khiến độc giả đắm chìm trong những câu hỏi không bao giờ có lời đáp. Sự khác biệt giữa thực tế và hư cấu bị che mờ.

Tuy nhiên, My Lesbian Novel không chỉ có vậy. Thông qua góc nhìn của nhân vật Renee, tác phẩm lên tiếng về một thể loại tiểu thuyết đồng tính nữ "đang được viết rất nhiều": Đó là tác phẩm có kết thúc có hậu.

Những tác phẩm tương tự trong thế giới thực có thể là những cuốn sách ăn khách về chủ đề đồng tính vui nhộn như We Are Never Meeting in Real Life của Samantha Irby, Dykette của Jenny Fran Davis và các tác phẩm của Casey McQuiston, hiện được nhiều nhà xuất bản lớn mua bản quyền.

Renee đã đọc hàng trăm cuốn sách như vậy và trở thành chuyên gia về cảm xúc ẩn sau đó. Bà viết: "Trong những cuốn tiểu thuyết nhẹ nhàng, có rất nhiều cảnh tiếp xúc bằng ánh mắt mà tôi thích. Không chỉ thế, tôi rất thích những người phụ nữ cõng nhau trên lưng".

Từ các tác phẩm này, Gladman đã vận dụng đa dạng khía cạnh của những câu chuyện tình lãng mạn để đưa chúng vào tác phẩm ngày càng mang tính thử nghiệm của bà. My Lesbian Novel trở thành một loại chuyện tình lãng mạn riêng, khắc họa "nhiều ham muốn hơn là thực tế".

Trong khi tiểu thuyết này không thể hiện những quan điểm chính thống về hôn nhân, điều quan trọng đối với Gladman là cách tác phẩm này đóng vai trò như một con đường tư duy, nơi tâm trí không chỉ của tác giả mà độc giả cũng được tự do.

Sức mạnh của phong cách viết thử nghiệm

Với nhiều tác giả viết về đề tài đồng tính, sức mạnh của việc thử nghiệm những sáng tạo mới trong cách viết, cách đọc hay tự mình trải nghiệm tác phẩm của mình, được hoàn toàn thể hiện trong những tác phẩm có cốt truyện lạ.

Điều này đúng với Constance Debré, một nhà văn được đánh giá cao với nhiều tiểu thuyết theo lối tự truyện tối giản được Semiotext(e) xuất bản: Love Me Tender (2022), Playboy (2024) và sắp ra mắt Nom. Tác phẩm của bà đã được tất cả ấn phẩm văn học lớn lên bài đánh giá.

 Playboy (2024) trên tờ New York Times. Ảnh: New York Times.

Playboy (2024) trên tờ New York Times. Ảnh: New York Times.

Các tiểu thuyết của Debré thường theo chân quá trình chuyển đổi của bà từ một người vợ trong giai cấp tư sản/một luật sư làm công ăn lương thành một nhà văn đồng tính nữ với đời sống khổ hạnh. "Nếu tôi vẫn giữ mối liên hệ với thế giới như trong các vai trò ban đầu thì sẽ ít rắc rối hơn nhiều", bà viết trong Love Me Tender.

Trong Playboy, bà ghi lại giai đoạn khám phá tình dục như một người đồng tính nữ mới, từ việc hẹn hò với một người phụ nữ lớn tuổi hơn, rồi một người trẻ hơn đến việc không giao phó bản thân cho bất kỳ ai.

Các chương viết của bà ngắn gọn, giọng văn gần gũi, tuy nhiên, lại cho thấy rõ một sự kiềm chế cảm xúc (điều phù hợp với một người mới công khai xu hướng tính dục), cũng như sự kiêng khem vật chất, điều xuất phát từ sự quan sát kỹ lưỡng chủ nghĩa sống hư vô của xã hội hiện tại.

Đối với Debré, văn học là nơi sự độc đáo được thử nghiệm, những biến động lớn trở nên dễ chấp nhận hơn và thế giới cũ bị ném đi như một chiếc tất.

Cách tiếp cận này cũng được thể hiện qua các tiểu thuyết của Eva Baltasar, một thế lực khác trong nền văn học đồng tính nữ ngày nay. Khi cuốn Boulder của bà, được Julia Sanches dịch từ tiếng Catalan lọt vào danh sách rút gọn cho Giải thưởng Booker Quốc tế năm 2023, bộ ba tác phẩm rời của bà, bao gồm cả Permafrost (2021) và gần đây nhất là Mammoth (2024), đã nhận được sự quan tâm của giới phê bình.

Nếu câu văn của Debré thực tế, thì câu văn của Baltasar lại xa hoa, ngôn ngữ của bà là tiếng kêu gọi chống lại lối sống hẹp hòi. Người kể chuyện trẻ tuổi, kỳ quặc của Mammoth rời thành phố để đến một trang trại đổ nát, nơi cô có thể thử thách giới hạn thể chất và hiện sinh của mình. Giống như tất cả nhân vật chính của Baltasar, cô rất độc lập và tự trải nghiệm thế giới của mình một cách kỳ lạ.

Có một điểm chung trong cách những nhà văn này sáng tác. Họ tin vào khả năng hiệu chỉnh cuộc sống của ngôn ngữ và tiềm năng của một cuốn sách trong việc thay đổi thực tại. Niềm tin này khiến tác phẩm của họ trở nên táo bạo và thú vị, cho phép họ tạo ra những thế giới mà họ có thể sống trọn vẹn.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/tieu-thuyet-dong-tinh-khong-cot-truyen-duoc-ua-chuong-post1528015.html