Tiểu thuyết lịch sử chảy theo thời cuộc

Tiểu thuyết lịch sử là một loại văn học chuyên viết về những nhân vật và sự kiện có thật trong lịch sử.

Các tác phẩm miêu tả đời sống sinh động của nhân vật lịch sử, một trải nghiệm của người có tính cách, cá tính, trong dòng chảy của lịch sử, khiến cho người đọc không chỉ biết một câu chuyện mà còn sống, thể nghiệm với thời đại ấy.

Những năm qua, tiểu thuyết lịch sử ở nước ta có không ít tác phẩm tạo được sự chú ý. Bộ tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân của tác giả Nguyễn Đình Tư, sau gần 30 năm ra mắt lần đầu, vừa được NXB Văn hóa - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh hiệu đính, chỉnh sửa, hoàn thiện tái bản. Tác phẩm được nhà văn Nguyễn Đình Tư viết dựa trên một số sự kiện lịch sử đầu thế kỷ X, khi Ngô Quyền xưng vương và băng hà vào năm 944. Tiếp đến là sự kiện loạn 12 sứ quân trong thời phong kiến nước nhà. Các sứ quân xây thành đắp lũy thôn tính lẫn nhau, gây nên cuộc tranh chấp kéo dài suốt 28 năm khiến dân chúng cực khổ. Tuy vậy, các sứ quân không “cõng rắn cắn gà nhà” hòng bảo vệ địa vị và duy trì quyền lợi của mình. Chấm dứt cuộc nổi loạn của 12 sứ quân, mang lại sự bình yên cho người dân, người anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh đã hoàn thành sứ mệnh trước lịch sử khi giương cao ngọn cờ thống nhất quốc gia.

Một số tiểu thuyết lịch sử được bạn đọc yêu mến thời gian qua.

Một số tiểu thuyết lịch sử được bạn đọc yêu mến thời gian qua.

Nếu là một tín đồ của tiểu thuyết lịch sử thì cuốn Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Hội thề (Nguyễn Quang Thân), Tám triều vua Lý, Bão táp triều Trần (Hoàng Quốc Hải)… sẽ là vật gối đầu giường của nhiều người. Tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly không chỉ dựng lại một nhân vật lịch sử, thời đại lịch sử ngắn ngủi mà còn đánh thức người đọc “tri tân” về những vấn đề của hiện tại: thân phận người trí thức - những cá nhân có tầm nhìn táo bạo đi trước thời đại giữa đám đông quần chúng. Nhà văn Hoàng Quốc Hải mất 20 năm mới hoàn thành bộ tiểu thuyết lịch sử Tám triều vua Lý, khắc họa thời kỳ lịch sử kéo dài 216 năm (1009 - 1225). Trong bộ tiểu thuyết này, tác giả nhấn mạnh tới sự phát triển của văn hóa, dân sinh và tam giáo đồng nguyên dưới thời nhà Lý. Những câu chuyện, chi tiết lịch sử đề cập trong bộ tiểu thuyết không chỉ giúp “phổ cập lịch sử”, mà còn mang tới những bài học quý giá cho hậu thế: muốn cho nước cường thịnh thì trước hết phải làm cho dân yên ổn, chính quyền phải làm cho dân tin.

Trong khi đó, Hội thề của Nguyễn Quang Thân đem đến cho độc giả góc nhìn mới, kiến giải mới về nhân vật Lê Lợi - anh hùng cái thế, nhà lãnh đạo xuất sắc nhưng trong thâm tâm ông mãi là một hào trưởng chân chất xứ Mường. Không khô khan và hào hùng như những gì ta vẫn liên tưởng về lịch sử, Hội thề vẽ nên những bức chân dung sinh động về tiền nhân. Qua chân dung từng nhân vật, Hội thề khắc họa cuộc xung đột về danh lợi ngay giữa lòng nghĩa quân Lam Sơn trong những ngày cuối của cuộc khởi nghĩa, nỗi dằn vặt thể xác lẫn tinh thần của người chủ soái trước khi đưa ra quyết định lịch sử, tình yêu cùng đức hy sinh vì chồng vì con của người phụ nữ, và hơn cả là số phận của người trí thức trước guồng quay của thời cuộc.

Tiểu thuyết lịch sử vẫn hòa vào dòng chảy của nền văn học nước nhà nhiều năm qua, không phục dựng lịch sử “nguyên si” mà là dùng quá khứ để soi sáng thực tại, cung cấp một nhận thức về thực tại. Và giá trị của những tiểu thuyết lịch sử, đó là đã lấp chỗ trống những sự kiện lịch sử vốn hết sức vắn gọn trong các bộ chính sử, truyền cảm hứng tìm hiểu lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay.

Mộc Lan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tieu-thuyet-lich-su-chay-theo-thoi-cuoc-n180520.html