Tiểu thuyết 'Sống' - góc nhìn của thế hệ thời chiến và thời bình
Lựa chọn hình thức thể hiện bằng tranh mới lạ và hiện đại, tiểu thuyết 'Sống' lần đầu ra mắt tại Pháp vào đầu năm 2023. Năm 2024, vượt qua rất nhiều sách minh họa Pháp ngữ, cuốn sách này đoạt giải của Ban Giám khảo toàn cầu dành cho truyện tranh. 'Sống' vừa chính thức được NXB Kim Đồng ấn hành tại Việt Nam.
Góc nhìn của 3 phụ nữ
Hành trình của “Sống” là câu chuyện có thật của nữ đạo diễn Việt Linh qua lời kể của Hải Anh - con gái bà (vốn sinh ra và lớn lên ở Pháp cùng người bạn là nữ họa sĩ Pauline Guitton). Bối cảnh chính là cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt tại miền Nam Việt Nam, những ngày Linh (đạo diễn Việt Linh) ra chiến khu để gặp lại người cha sau nhiều năm tập kết ra Bắc. Linh giận mẹ đã không thể chờ được bố sau 10 năm bặt tin và bà đã lấy chồng khác, có những đứa con khác, vì thế cô đã nghĩ ra cách đốt sạch giấy tờ tùy thân để ở lại chiến khu cho đến khi chiến tranh kết thúc. Đó cũng là cách duy nhất mà một cô gái mới 16 tuổi nghĩ ra để khiến mẹ phải đau lòng. Tất nhiên, Linh cũng không thể hình dung hết những gian truân đang chờ phía trước…
Từ năm 1969 tới 1975 Linh sống với cha và những nhà cách mạng. Cô gái thành thị phải làm quen với cuộc sống tập thể, với lội suối, băng rừng, với thịt chuột, thịt rắn. Cô cũng suýt nữa thì bỏ về, nhưng rồi lại nghĩ “ở nhà thì cũng đâu có gì hơn” và cuối cùng thì quen với cuộc sống chiến khu. Bằng cốt truyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại, bằng nét vẽ sinh động, “Sống” là chuyện kể qua góc nhìn của 3 người phụ nữ thuộc 2 thế hệ. Đó là người mẹ (đạo diễn Việt Linh), người con (tác giả Hải Anh), người bạn nước ngoài (nữ họa sĩ Pauline).
Chia sẻ cùng độc giả trong ngày ra mắt sách của con gái, đạo diễn Việt Linh cho biết, bà may mắn khi có những năm tháng sống ở chiến khu, được chứng kiến cha bà (nhà biên kịch Nguyễn Việt Tân) cùng đạo diễn Hồng Sến và đoàn làm phim thực hiện những cảnh quay cho bộ phim “Đường ra phía trước”. “Một tháng đó trải qua rất nhiều cung đoạn. Tôi không còn nhớ những khó khăn ngày đó mà chỉ thấy điện ảnh rất thiêng liêng. Vì sao? Vì chú Hồng Sến và ba tôi có thể bị máy bay bắn bất cứ lúc nào khi quay hình ảnh những người dân công chạy giữa bom đạn. Về sau tôi đi học bên Nga, những phim thời bình khiến tôi học hỏi được nhiều. Những bậc đàn anh dạy tôi rằng, muốn nói bất cứ điều gì chúng ta cũng phải bắt đầu từ con người, từ tính nhân văn. Tôi rất thèm làm những bộ phim hậu chiến để thấy những dư chấn về tinh thần. Cái đó đau hơn, sâu hơn những cảnh chúng ta làm về cái chết. Với tôi, dư chấn của chiến tranh nặng nề hơn với cả hai phía ta và địch. Đó là điều khiến tôi nghĩ rằng, “Sống” làm người ta rung động dù ở chiến tuyến này hay chiến tuyến kia” - đạo diễn Việt Linh chia sẻ thêm.
Cũng theo đạo diễn Việt Linh, đây là những câu chuyện góp nhặt trong gia đình từ khi Hải Anh 4 - 5 tuổi. Những mảnh hồi ức của người mẹ ngẫu nhiên được thẩm thấu lại qua trí tưởng tượng của người con. Đến năm 2016 Hải Anh nói với mẹ, cô và Pauline muốn viết một câu chuyện. Và cả 2 đã về Việt Nam sống trong 9 tháng để Pauline cảm nhận, để sống với Việt Nam.
Tiểu thuyết đậm chất điện ảnh
Trong lần “Sống” ra mắt tại Hà Nội, tác giả Hải Anh chia sẻ: “Tôi lớn lên ở Pháp, biết rất ít về lịch sử Việt Nam. Suốt thời thơ ấu cho tới lúc trưởng thành, tôi đã nghe mẹ kể nhiều chuyện rất hay. Mẹ đã sống ở chiến khu suốt 7 năm, vì thế mỗi lần ra công viên, nhìn thấy cây là mẹ nhớ rừng. Tôi thấy mẹ rất “ngầu” (cười). Mỗi lần tôi kể cho bạn bè ở trường, ai cũng ngạc nhiên hỏi lại: “Ôi, mẹ bạn từng sống trong rừng suốt 7 năm hả?”. Không một ai biết được câu chuyện này. Vì thế tôi phải kể lại. Câu chuyện này đáng được kể lại”.
Đạo diễn Việt Linh sinh năm 1952 tại Sài Gòn, từng theo học tại VGIK - một trong những trường điện ảnh danh giá nhất thuộc Liên Xô (cũ). Bà đạo diễn 6 bộ phim truyện và nhiều phim được phát hành, trao thưởng ở nước ngoài như “Gánh xiếc rong” (1988), “Chung cư” (1999), “Mê Thảo, thời vang bóng” (2002).
Quá trình ra đời của tiểu thuyết “Sống” hội tụ bởi rất nhiều điều. Hải Anh biết về quê hương, về lịch sử Việt Nam qua những câu chuyện của mẹ mình. Và cô muốn kể lại những năm tháng tuổi trẻ của mẹ, kể lại những câu chuyện như một sự tự hào về Tổ quốc. Cô đã viết nội dung như một kịch bản và sau đó trao đổi với người bạn thân của mình - nữ họa sĩ Pauline Guitton.
Theo họa sĩ Pauline Guitton, sau khi đọc bản thảo và trao đổi với Hải Anh, cô nhận thấy câu chuyện mang nhiều tính lịch sử. Vì thế, để tránh các lỗi có thể xảy ra, ngoài việc sang Việt Nam, cô cũng tìm những hình ảnh, thước phim lưu trữ để có được phác thảo chuẩn xác nhất về cuộc sống trong chiến khu. Giải thích lý do tại sao lại là truyện tranh mà không làm phim hay tiểu thuyết đơn thuần, Hải Anh chia sẻ, vì cô và Pauline rất mê truyện tranh. “Ở Pháp người ta đọc truyện tranh rất nhiều (Top 3 quốc gia thích truyện tranh là Mỹ, Pháp, Nhật Bản). Từ nhỏ, tôi và Pauline luôn chia sẻ truyện tranh với nhau. Gia đình tôi ai cũng làm điện ảnh, nhưng tôi không kể chuyện này bằng điện ảnh vì tôi rất sợ phim chiến tranh. Tôi thấy truyện tranh nhẹ nhàng hơn, thơ hơn. Thêm nữa, ký ức của mẹ tôi cũng không theo thứ tự thời gian nên làm truyện tranh sẽ có lý hơn. Bên Pháp cũng có những câu chuyện tương tự như vậy. Họ kể lại về gia đình mình và chiến tranh. Hai truyện tranh rất nổi tiếng là “Persepolis” của Marjan Satrapi (đã dựng thành phim) và “Maus” của Art Spielgerman. Tôi lấy cảm hứng từ hai cuốn đó” - Hải Anh nói.
Tiểu thuyết “Sống” qua biểu đạt của 2 nghệ sĩ trẻ (một gốc Việt, một người Pháp) đã tạo ra góc nhìn lắng hơn, xúc động hơn về sự hy sinh của tuổi trẻ trong thời chiến. Nó giống như sự hóa giải quan hệ giữa 2 mẹ con, nói rộng hơn ra là 2 thế hệ thời chiến và thời bình. Nói như Hải Anh là: “Khi hiểu đất nước hơn, bạn sẽ hiểu mẹ mình hơn. Khi hiểu mẹ mình hơn, bạn sẽ hiểu đất nước hơn”.
* Qua câu chuyện của những cá nhân cụ thể, chúng ta có thể thấy hình ảnh của cả dân tộc gian khổ kháng chiến để đến ngày thống nhất đất nước. “Sống” có những trang không có một lời văn nào mà tự hình ảnh đã gây nên nỗi xúc động lớn lao.
Nhà thơ, Tiến sĩ Ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ
* Khi đọc cuốn sách, tôi đã nghĩ tới một thể loại mà chúng ta chưa từng nghĩ tới, đó là tiểu thuyết điện ảnh. Chất điện ảnh trong “Sống” rất rõ. Có lẽ Pauline và Hải Anh đã nói chuyện với nhau rất nhiều về nội dung cuốn sách nên ngay cả khi chúng ta bỏ hết mọi ký tự, chỉ xem tranh cũng có thể hình dung được 80% câu chuyện.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy