TikTok đang gây tác động tiêu cực thế nào cho giới trẻ?
Để tránh TikTok nói riêng và các mạng xã hội khác nói chung ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sự phát triển của trẻ, theo PGS.TS. Trần Thành Nam, vai trò giáo dục của cha mẹ vô cùng quan trọng.
Nhiều nội dung độc hại, gây tác động trực tiếp đến giới trẻ
TikTok chính thức ra mắt thị trường Việt Nam vào cuối tháng 4/2019, bắt đầu phát triển mạnh trong dịch COVID-19. Theo số liệu thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới với khoảng 49,9 triệu người dùng khi kết thúc tháng 2/2023.
Bên cạnh những nội dung chia sẻ kiến thức, cuộc sống, góc nhìn bổ ích thì phần lớn nội dung trên TikTok được cho là độc hại với người dùng, đặc biệt là giới trẻ.
Mới đây, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình - Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do chia sẻ trên báo chí, từ đợt dịch COVID-19, nhiều người ở nhà đã góp phần thúc đẩy đăng ký của TikTok và nền tảng này thực sự bùng nổ, phát triển mạnh vào năm 2021. Khi một nền tảng mạng xã hội đạt đến mức độ phát triển lớn, có sự tác động xã hội, từ đó phát sinh nhiều vấn đề xấu, trong đó nổi lên các nội dung độc hại, gây tác động trực tiếp đến giới trẻ.
Theo ông Lê Quang Tự Do, khác với các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay YouTube phân phối nội dung hoàn toàn tự động hoặc gợi ý thụ động, TikTok hoàn toàn do thuật toán phân phối nội dung. Thuật toán này, theo tìm hiểu là ưu tiên đưa nội dung "câu view, giật tít", bất kể là thông tin tốt hay độc hại để tạo thành "trend".
Trong nhiều trường hợp các "trend" độc hại từ nước ngoài hay ở trong nước cũng được thuật toán này gợi ý tạo thành "trend", gây tác động ảnh hưởng lớn đến giới trẻ. Tác động lớn nhất là những hành vi gây nguy hiểm như: nhảy trước xe tải, thử thách độc hại, những "trend" liên quan đến trẻ em, bùa ngải mê tín…
Tiếp đến là tin giả liên quan đến đời sống xã hội cũng phát tán trên môi trường này rất nhiều. Trước đây, tin giả chủ yếu trên Facebook và YouTube, còn bây giờ nền tảng này lan truyền tin giả, nhắm đến đối tượng là giới trẻ. Bên cạnh đó, thương mại điện tử của TikTok gần đây phát triển rất mạnh, kéo theo những hoạt động lừa đảo, kinh doanh buôn bán lừa đảo, quảng cáo sai sự thật cũng bùng nổ.
Ngoài ra, theo Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình - Thông tin điện tử, các thế lực thù địch cũng coi đây là một nền tảng để tung tin giả, tin sai sự thật chống phá Đảng, Nhà nước. Trước đây, các thế lực thù địch chỉ viết bài trên Facebook, một số nhóm làm clip trên YouTube, nhưng bây giờ phương thức mới của họ chuyên nghiệp hơn, xây dựng trang web để lưu trữ nội dung; khi bị chặn, gỡ thì nhanh chóng đăng lại dễ dàng. Với nội dung văn bản đăng trên Facebook, vẫn nội dung đó, họ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đọc tự động để lấy hình ảnh, đoạn clip từ báo chí lồng nội dung đăng trên Facebook vào thành đoạn video clip đăng trên YouTube. Sau đó, họ cắt gọt lại khoảng 15 - 20 giây để đăng trên TikTok.
Các thế lực thù địch tạo trang web có tên miền, máy chủ đặt ở nước ngoài để đọc lâu dài, vừa có Facebook để lan truyền bằng văn bản, vừa có YouTube để nghe tự động; còn TikTok để nghe tin nhanh có tác hại rất lớn. Việc tung tin xuyên tạc rất nhiều về tất cả những vấn đề nóng của đất nước.
Đầu tháng 5, Bộ TT&TT sẽ phối hợp các bộ, ngành kiểm tra toàn diện TikTok
Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình - Thông tin điện tử cho biết, tới đây, Bộ TT&TT sẽ triển khai một loạt các biện pháp quyết liệt, đồng bộ cả về kinh tế, kỹ thuật, pháp lý. Việc thanh tra nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của nền tảng này trong quá trình hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam. Hiện, Bộ TT&TT đã lập kế hoạch kiểm tra với các nội dung về quản lý nội dung TikTok; tại sao nội dung độc hại lan truyền, trách nhiệm của TikTok như thế nào với việc này?
Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ kiểm tra về các hoạt động quảng cáo; kiểm tra về quản lý thần tượng (idol); qua đó làm rõ hiện tượng người sáng tạo nội dung nhưng làm những nội dung câu khách, phản cảm, giật gân, thậm chí vi phạm pháp luật để nhận được những donate (quà) có đúng quy định pháp luật không…
Làm sao để những thông tin trên TikTok không ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ?
Là một chuyên gia về công nghệ, ông Nguyễn Ngọc Khánh - Giám đốc phụ trách về giải pháp phần mềm công nghệ thông tin và viễn thông Công ty Viễn Đạt cho biết, không thể phủ nhận những lợi ích tích cực khi sử dụng mạng xã hội, tuy nhiên, trẻ em khi sử dụng cần có sự giám sát của người lớn và thời gian sử dụng hợp lý. Thời gian dành cho các thiết bị điện tử khi trẻ ở nhà chỉ nên tối đa là 1 giờ/ngày và nên có sự tương tác của các thành viên trong gia đình.
Chuyên gia công nghệ khuyến cáo một số cách phụ huynh có thể giữ an toàn cho con cái khi sử dụng TikTok như sử dụng cài đặt bảo mật để giới hạn lượng thông tin mà con chia sẻ. Trường hợp nếu con tạo clip, cha mẹ cần đảm bảo đoạn video được xem xét trước khi tải lên để không chứa nội dung gây hiểu nhầm hoặc tiêu cực. Với trẻ em dưới 13 tuổi muốn dùng ứng dụng, người lớn cần lưu ý đến phần dành riêng cho nhóm tuổi này, bao gồm các tính năng bổ sung về quyền riêng tư và an toàn. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần lưu ý về việc thu thập dữ liệu của TikTok. Cha mẹ nên giúp con biết mình đang chia sẻ những gì và tác động đối với chúng.
PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục - ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, thời gian qua, TikTok đang rất thịnh hành tại Việt Nam, bên cạnh những thông tin giải trí hữu ích thì có không ít người đưa thông tin sai lệch, xấu độc, phản cảm, dung tục, mê tín dị đoan… ảnh hưởng tới giới trẻ đặc biệt là trẻ nhỏ và học sinh.
Để tránh TikTok nói riêng và các mạng xã hội khác nói chung ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sự phát triển của trẻ, theo PGS.TS Trần Thành Nam, vai trò giáo dục của cha mẹ vô cùng quan trọng. Gia đình cần kết hợp với nhà trường cùng giáo dục các con kỹ năng tự bảo vệ mình trong môi trường thực và môi trường mạng. Cha mẹ nên trang bị cho trẻ kỹ năng sống an toàn trên mạng cũng như năng lực tư duy phản biện từ sớm. Cần có những chương trình phổ biến của nhà nước nâng cao năng lực không chỉ cho trẻ mà cho cả bố mẹ để giúp trẻ sử dụng không gian mạng an toàn.
Không chỉ với trẻ em, ngay cả những người lớn có đầy đủ năng lực tư duy và nhận thức cũng có thể bị "thao túng tâm lý" bởi những "thủ thuật" của mạng xã hội này. Sự "thao túng" thể hiện qua việc thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan, coi trọng chủ nghĩa vật chất, coi nhẹ việc học hành, nó cũng như cách thức "ru ngủ" ý chí của mọi người không cần cố gắng, phấn đấu, rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp; cách nhìn về thế giới xung quanh trở nên méo mó. Người xem dần bị lệ thuộc vào mạng xã hội ảo mà bỏ bê cuộc sống đời thực, không cố gắng phát triển bản thân. Người dùng TikTok cần cân bằng giữa cuộc sống thực và thế giới ảo, chọn lọc thông tin tiếp cận để tránh những tác động tiêu cực không đáng có đến tâm lý, sức khỏe và cuộc sống.
PGS.TS Trần Thành Nam cho biết thêm, việc Bộ TT&TT có cuộc thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam trong thời gian tới là việc làm rất cần thiết.
Về phía Bộ TT&TT, Bộ đang yêu cầu TikTok phải có một ứng dụng dành cho trẻ em ở Việt Nam như ở một số nước đã làm. Trong đó, nội dung phải được tiền kiểm từ đầu chứ không phải đăng lên rồi mới hậu kiểm để những nội dung độc hại không tác động đến trẻ em. Ngoài biện pháp trên, nếu như TikTok không xử lý và chấn chỉnh, Bộ TT&TT sẽ triển khai một loạt những biện pháp mạnh tay, cứng rắn hơn. Tất cả các nền tảng xuyên biên giới khi vào Việt Nam phải tuân thủ quy định pháp luật của Việt nam. Nếu như không tuân thủ pháp luật Việt Nam, TikTok sẽ không được chào đón hoạt động ở Việt Nam.
13 nước và vùng lãnh thổ đã cấm TikTok
TikTok hiện là nền tảng xã hội được sử dụng nhiều thứ 6 trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều quốc gia trên thế giới đang cấm ứng dụng này vì lo ngại về rủi ro an ninh mạng. TikTok đang đối mặt với hàng loạt lệnh cấm tạm thời và cấm hoàn toàn, cùng nhiều cuộc điều tra tại các quốc gia trên khắp thế giới.
Tính đến nay, 13 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức đã ban lệnh cấm Tiktok trên thiết bị của nhân viên, gồm: Đan Mạch, Bỉ, Ấn Độ, Đài Loan, Mỹ, Australia, Canada, New Zealand, Na Uy, Hà Lan, Anh, Pháp và Ủy ban châu Âu (EC).
3 quốc gia ban lệnh cấm hoàn toàn gồm Jordan, Ấn Độ và Afghanistan. Ngoài ra, Indonesia và Pakistan cũng từng nhiều lần áp đặt lệnh cấm tạm thời với nền tảng này.