TikTok Shop bứt phá, thay đổi cục diện thị trường thương mại điện tử

Doanh số và sản lượng toàn ngành TMĐT Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong quý I, nhưng đi kèm là làn sóng rút lui của hàng chục nghìn nhà bán nhỏ lẻ. Sự phân hóa giữa các nhóm bán hàng đang trở nên rõ rệt, khi các đơn vị có quy mô vận hành bài bản ngày càng chiếm ưu thế. Đồng thời, thay đổi hành vi tiêu dùng, chính sách thuế mới và sự bứt phá của TikTok Shop đang tái định hình lại toàn bộ cục diện thị trường.

Theo báo cáo tổng quan thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý I và dự báo quý II của Metric.vn công bố mới đây, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2025, tiếp tục tăng trưởng mạnh về doanh số và sản lượng. Tuy nhiên, phía sau bức tranh tăng trưởng là sự phân hóa ngày càng rõ rệt giữa các nhà bán nhỏ lẻ và các đơn vị quy mô lớn, đồng thời cho thấy sự thay đổi đáng kể trong hành vi tiêu dùng và cấu trúc thị phần các sàn.

Tăng trưởng ấn tượng về doanh số và sản lượng, nhưng số lượng nhà bán lại giảm

TMĐT Việt Nam bước vào quý I với nhiều tín hiệu tích cực. Báo cáo của Metric.vn cho thấy, tổng doanh số toàn ngành đạt 101.400 tỷ đồng, tăng 42,29% so với cùng kỳ năm 2024. Sản lượng hàng hóa tiêu thụ cũng tăng 24%, lên 950,7 triệu sản phẩm.

Tuy nhiên, bức tranh tăng trưởng này đồng thời phản ánh xu hướng phân hóa rõ rệt giữa các nhóm nhà bán: trong khi số lượng nhà bán hàng có phát sinh đơn giảm 7,45% (tương đương hơn 38.000 shop rời khỏi thị trường), thì nhóm nhà bán lớn lại ghi nhận đà tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt nhóm đạt doanh số từ 50 tỷ đồng trở lên tăng gần gấp đôi (+95%) so với cùng kỳ.

Điều này phản ánh sự phân hóa rõ rệt trong thị trường: Trong khi các nhà bán nhỏ lẻ rút lui dần, thì các nhà bán lớn với năng lực vận hành bài bản đang khẳng định vị thế dẫn đầu.

Quý I, số lượng shop đạt doanh số từ 50 tỷ đồng trở lên đã tăng gần gấp đôi (+95%) so với quý I/2024. Nguồn: Metric.vn.

Quý I, số lượng shop đạt doanh số từ 50 tỷ đồng trở lên đã tăng gần gấp đôi (+95%) so với quý I/2024. Nguồn: Metric.vn.

Cơ cấu thị phần các sàn TMĐT ghi nhận sự xáo trộn đáng kể trong ba tháng đầu năm. TikTok Shop trở thành điểm sáng với mức tăng trưởng doanh số đạt 113,8%, nâng thị phần từ 23% lên 35%. Trong khi đó, các sàn truyền thống như Lazada và Tiki chứng kiến sự sụt giảm mạnh, lần lượt mất 43,5% và 66,6% doanh số so với quý I/2024. Diễn biến này cho thấy xu hướng tiêu dùng đang nghiêng về phía các nền tảng ứng dụng công nghệ nội dung số, nơi người dùng vừa tiếp cận sản phẩm, vừa được giải trí thông qua video ngắn và livestream tương tác trực tiếp.

Sự thay đổi hành vi người tiêu dùng cũng thể hiện rõ nét qua mức chi tiêu bình quân. Nhóm sản phẩm có giá từ 100.000–200.000 đồng ghi nhận tăng trưởng mạnh, chiếm 25,9% tổng doanh số – tăng gần 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, nhóm sản phẩm có giá từ 1 triệu đồng trở lên giảm tỷ trọng doanh số từ 19,4% xuống 17,2%.

Điều này cho thấy người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu, ưu tiên hàng hóa thiết yếu, vừa túi tiền. Một số ngành hàng như làm đẹp, thời trang và sản phẩm mẹ & bé thuộc phân khúc phổ thông – trung cấp được dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới.

Doanh số và sản lượng theo phân khúc giá quý I. Nguồn: Metric.vn.

Doanh số và sản lượng theo phân khúc giá quý I. Nguồn: Metric.vn.

TMĐT trong năm 2025: Tiếp đà tăng trưởng nhờ kích cầu và chuyển đổi hành vi tiêu dùng

Metric dự báo trong quý II, đà tăng trưởng sẽ được duy trì, với doanh số toàn ngành ước đạt 116.600 tỷ đồng (tăng 15% so với quý I) và sản lượng sản phẩm tiêu thụ dự kiến vượt mốc 1,1 tỷ đơn vị (+17%). Các yếu tố hỗ trợ chính bao gồm mùa mua sắm giữa năm, sự phục hồi tiêu dùng hậu dịch và xu hướng tiêu dùng trực tuyến ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, các nền tảng TMĐT tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào logistics, công nghệ hiển thị và các công cụ tương tác nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm và hiệu suất vận hành cho nhà bán hàng.

Tuy nhiên, thị trường TMĐT Việt Nam quý II cũng sẽ đối mặt với những thách thức mới, đặc biệt là việc chính sách thu thuế TMĐT chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4.

Theo ông Đỗ Hữu Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), quy định mới sẽ tác động đáng kể đến mô hình kinh doanh của người bán, đặc biệt là nhóm kinh doanh cá nhân, nhỏ lẻ. Ước tính có khoảng 30.000 nhà bán sẽ bị truy thu thuế, đồng thời số lượng rời khỏi sàn có thể tăng thêm 38.000 shop. Ngược lại, nhóm nhà bán chuyên nghiệp với quy mô lớn lại cho thấy khả năng thích ứng tốt. Metric.vn ghi nhận 95% số nhà bán có doanh thu từ 50 tỷ đồng trở lên tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng gấp đôi, bất chấp môi trường pháp lý chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, trong dài hạn, tiềm năng phát triển của TMĐT Việt Nam vẫn được đánh giá cao. Theo Chỉ số Thương mại điện tử EBI 2025, quy mô thị trường có thể đạt từ 25–32 tỷ USD, chiếm tới hai phần ba tổng giá trị nền kinh tế số. Việt Nam hiện sở hữu các điều kiện thuận lợi như dân số trẻ, tỷ lệ người dùng Internet trên 70% và mức độ chấp nhận công nghệ cao, tạo nền tảng cho TMĐT tiếp tục bứt tốc.

Đồng thời, hạ tầng logistics được cải thiện, niềm tin người tiêu dùng gia tăng nhờ các giải pháp kiểm soát hàng giả, tăng cường bảo mật thông tin và xử lý gian lận trực tuyến cũng là những yếu tố hỗ trợ quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/tiktok-shop-but-pha-thay-doi-cuc-dien-thi-truong-thuong-mai-dien-tu.html