TikTok tràn ngập video hướng dẫn 'khoanh lụi' đáp án trước kỳ thi THPT
Những video dạy 'lụi nhanh', 'khoanh bừa' các môn thi tốt nghiệp THPT xuất hiện dày đặc trên TikTok. Điều đáng nói, nhiều sĩ tử lại tin tưởng và dự định áp dụng vào thực tế.
Gõ vào ô tìm kiếm của TikTok các từ khóa “mẹo khoanh lụi đáp án”, “bí kíp khoanh trắc nghiệm”, "lụi đâu trúng đó", người dùng có thể tìm thấy hàng trăm video chỉ mẹo, bí kíp "khoanh lụi" đáp án thoát liệt. Trong đó, số lượng nhiều nhất rơi vào môn Tiếng anh, Toán, Lịch sử, Hóa học…
Hàng loạt video chỉ cách "khoanh lụi"
Cụ thể, tài khoản @HaChang đăng tải nội dung “mẹo khoanh lụi mà tỷ lệ trúng đến 90%” thu hút hơn 3 triệu lượt xem cùng hàng nghìn lượt bình luận. Theo đó, TikToker này chỉ ra để "khoanh lụi" môn Toán "một cách chính xác, thí sinh không cần đọc đề, chỉ cần khoanh vào đáp án có sự khác biệt".
Cũng ở tài khoản này, ngoài môn Toán, video chỉ cách "khoanh lụi" môn Tiếng Anh cũng nhận về lượt tương tác cao. Ở bài thi Tiếng Anh, TikToker @HaChang cho rằng thí sinh không cần đọc hết đoạn văn, từ vựng trong đề, chỉ cần tìm đại từ ở bài đọc, sau đó dò xem đáp án nào gần với đại từ đó nhất thì chọn.
Tương tự, gõ dòng chữ “Cách chống liệt môn Lịch sử” trên thanh tìm kiếm, hàng loạt video xuất hiện với nội dung hướng dẫn "khoanh lụi" hiệu quả, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, chia sẻ. Thậm chí, nhiều tài khoản khẳng định nếu khoanh theo cách này, tỷ lệ trúng lên đến 80%.
Cụ thể, một tài khoản có tên@thidaihoctoantruyen chỉ ra một số mẹo khi làm bài thi môn Lịch sử, bằng cách khoanh vào các từ khóa. Người này đưa ví dụ về các từ khóa nhân dân, chính sách… hoặc các quốc gia, như Mỹ là cường quốc số 1 về kinh tế, chính trị; Liên Xô là công nghiệp vũ trụ, ủng hộ hòa bình; Ấn Độ là cách mạng xanh, xám…
Tài khoản này cũng cho biết nếu đáp án đọc lên thấy thuận miệng hoặc xuất hiện dấu ba chấm ở cuối, thí sinh nên khoanh vào.
Thực hành áp dụng nhưng… sai gần hết
Dưới mỗi video hướng dẫn "khoanh lụi" đáp án, nhiều học sinh để lại bình luận như "video hữu ích quá, mình sẽ thực hành luôn đỡ mất công ôn tập"; "mình cũng hay dùng cách này"; "nhả vía khoanh lụi được 8 điểm Toán"; "hướng dẫn thêm các môn khác đi"… Thậm chí, nhiều sĩ tử gắn thẻ bạn bè để cùng áp dụng cách này.
Tuy nhiên, thực tế, nhiều người đã tự trải nghiệm và xác nhận các bí quyết mà TikToker đưa ra không hiệu quả. Nguyễn Nam (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) là một trong số đó. Nam sinh xem video hướng dẫn rồi áp dụng nhưng xác suất trúng rất thấp. Thậm chí có những mã đề, cậu "khoanh lụi" và chỉ đúng 3-4 câu.
Nam sinh cho biết nhằm tăng tương tác cho video, nhiều tài khoản ẩn danh, không rõ danh tính bình luận về tính hiệu quả, để thu hút người xem và làm theo các thủ thuật.
Nhiều người còn khẳng định từng đạt điểm rất cao khi thi đại học nhờ vận dụng những mẹo trong video. Điều này khiến nhiều thí sinh, đặc biệt những bạn "hổng kiến thức”, tin tưởng, thực hành áp dụng.
Sau khi thử đánh lụi môn Sử theo công thức mà video hướng dẫn, Thùy Trâm, học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Du (Đăk Lăk), cho rằng nếu chỉ dựa vào thủ thuật, bài thi không thể đạt quá 3 điểm.
“Em nghĩ 'khoanh lụi' là trò may rủi chứ không có một công thức chung nào cả”, Trâm nói.
Ngoài ra, nữ sinh cho rằng về mặt kiến thức, những bí kíp khoanh đáp án mà các TikToker đưa ra không có cơ sở.
Lấy ví dụ, Trâm cho biết video còn hướng dẫn thí sinh không khoanh vào phương án có từ khóa "hoàn toàn", "chỉ", "tuyệt đối”. Tuy nhiên, nữ sinh cho rằng đề thi có thể xuất hiện những câu hỏi về việc "bước đầu phá sản" hoặc "phá sản hoàn toàn" của một số chiến dịch đấu tranh. Nếu học theo trên mạng, thí sinh sẽ mất điểm những câu này.
Cần loại bỏ suy nghĩ chỉ dựa vào mẹo là có thể đạt điểm cao
Bàn về những video bí kíp "khoanh lụi" đáp án trên TikTok, cô Đặng Linh, giảng viên Cao đẳng Công Thương Việt Nam, cho rằng các nội dung hướng dẫn "khoanh lụi" trên TikTok thường mang tính chủ quan, thiếu kiểm duyệt và chứa nhiều rủi ro. Tuy nhiên, rất nhiều học sinh lại tin tưởng vào đó và làm theo, đặc biệt trong giai đoạn nước rút này.
Theo cô Linh, việc các TikToker hướng dẫn các thủ thuật "khoanh lụi" khiến học sinh có tư tưởng nhàn rỗi, lười suy nghĩ, không phát huy tính tự học, dẫn đến đầu óc trống rỗng, tư duy trì trệ.
Ở thời điểm nước rút, cô Linh khuyên học sinh cần tập trung ôn luyện giải đề. Quan trọng hơn là sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, giữ tâm lý ổn định, không phụ thuộc vào bất kỳ điều gì.
"Những bạn 'mất gốc' cần loại bỏ suy nghĩ chỉ dựa vào mẹo là có thể đạt điểm cao. Các em cần cố gắng ôn tập kiến thức cơ bản, luyện đề ở mức nhận biết, thông hiểu để đúc rút kinh nghiệm, luyện phản xạ. Một bài thi tốt cần sự chuẩn bị kỹ năng, kiến thức trọng tâm ngay từ đầu chứ không phải nhờ sự may rủi", cô Linh cho biết.
Nói về việc thí sinh lạm dụng mẹo trong bài thi trắc nghiệm, cô Thùy Linh, giảng viên Tiếng Anh tại Hà Nội, cho biết thí sinh chỉ nên dùng mẹo kết hợp với kiến thức để giúp loại đi phương án không chắc chắn. Dựa hoàn toàn và sử dụng nó như một hành trang để đi thi là sai lầm.
“Dù thế nào, mẹo cũng chỉ đúng trong một số trường hợp, không thể chính xác 100%. Thí sinh sẽ gặp rủi ro lớn nếu chỉ dựa vào điều này. Trước câu hỏi khó, các em nên phân tích, suy luận thật kỹ trước khi nhờ vào sự may mắn", cô Thùy Linh nhấn mạnh.
Tương tự, không có tư tưởng học tủ, đoán đề hay "khoanh lụi", ở mỗi môn học, Thùy Trâm cho hay cách làm của em là chia kiến thức thành nhiều phần khác nhau.
Ví dụ, môn Lịch sử bao quát kiến thức rộng, phức tạp, nữ sinh sẽ phân loại theo sự kiện, bao gồm thời gian, cách thức, tính chất, ý nghĩa… Ngoài ra, Trâm cho biết việc học theo từ khóa từng thời kỳ cũng giúp thí sinh nhớ lâu, phù hợp với cả những bạn chỉ dự thi tốt nghiệp THPT, không xét tuyển đại học.
Nguyễn Nam cũng cho rằng việc nghe theo những hướng dẫn trên mạng có thể dẫn tới "liệt" điểm. Vì vậy, cậu vẫn ưu tiên học chắc kiến thức, tránh khoanh bừa quá nhiều.