TikTok tuyên bố đầu tư hàng tỉ đô la vào Đông Nam Á
Nền tảng tạo và chia sẻ video ngắn TikTok, công ty con của ByteDance (Trung Quốc), có kế hoạch đầu tư hàng tỉ đô la vào thị trường Đông Nam Á trong những năm tới. TikTok đang dồn nguồn lực vào khu vực này giữa lúc chịu sức ép giám sát an ninh dữ liệu trên toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu.
Thông tin trên được Shou Zi Chew, CEO TikTok, thông báo tại một diễn đàn tác động Đông Nam Á do TikTok tổ chức ở Jakarta, Indonesia hôm 15-6.
“Chúng tôi sẽ đầu tư hàng tỉ đô la vào Indonesia và Đông Nam Á trong vài năm tới”, Shou Zi Chew nói tại diễn đàn khi nêu bật tác động kinh tế và xã hội của TikTok trong khu vực.
Ông không tiết lộ con số chính xác hoặc thời hạn cho khoản đầu tư này, nhưng nói sẽ tập trung vào đào tạo, quảng cáo và hỗ trợ các nhà cung cấp nhỏ muốn tham gia nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop. Khoản đầu tư sẽ bao gồm 12,2 triệu đô la Mỹ hỗ trợ cho hơn 120.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nhân và thanh niên trong khu vực trong 3 năm tới.
Chew cho biết nội dung trên TikTok trở nên đa dạng hơn khi có thêm nhiều người dùng hơn và nền tảng này đang mở rộng sang thương mại điện tử bên cạnh mảng quảng cáo, cho phép người tiêu dùng mua hàng thông qua các liên kết trên các video phát trực tiếp trên TikoTok.
Chew tiết lộ TikTok có 8.000 nhân viên ở Đông Nam Á và 15 triệu doanh nghiệp nhỏ của khu vực đang hoạt động trên nền tảng này, bao gồm 5 triệu doanh nghiệp nhỏ của Indonesia.
Đông Nam Á, khu vực có tổng dân số 630 triệu người, với một nửa trong số đó dưới 30 tuổi, là một trong những thị trường lớn nhất của TikTok về số lượng người dùng.
Nhưng nền tảng này vẫn chưa thể biến cơ sở người dùng lớn thành nguồn doanh thu thương mại điện tử lớn trong khu vực vì đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ lớn hơn là Shopee của Sea, Lazada của Alibaba và Tokopedia của GoTo.
Theo dữ liệu từ Công ty tư vấn Momentum Works, các giao dịch thương mại điện tử trên toàn khu vực đạt gần 100 tỉ đô la vào năm 2022, trong đó Indonesia chiếm 52 tỉ đô la.
TikTok đóng góp 4,4 tỉ đô la giao dịch thương mại điện tử trên khắp Đông Nam Á vào năm ngoái, tăng từ 600 triệu đô la vào năm 2021. Con số này kém xa so với doanh số bán hàng hóa 48 tỉ đô la của Shopee ở Đông Nam Á trong năm 2022, Momentum Works cho biết.
Tại diễn đàn ở Jakarta, Chew lưu ý rằng khi TikTok ra đời cách đây hơn 5 năm, ứng dụng này chủ yếu được sử dụng cho mục đích giải trí.
Giờ đây, TikTok có 325 triệu người dùng ở Đông Nam Á, đang sử dụng ứng dùng này cho các mục đích khác như trao quyền cho cộng đồng địa phương và doanh nghiệp để tiếp cận nhiều đối tượng và khách hàng hơn.
“Khi chúng tôi tiếp tục mở rộng nền tảng của mình, nội dung của chúng tôi cũng trở nên đa dạng hơn. Nhảy nhót và ca hát vẫn quan trọng và chúng giữ được sức hấp dẫn riêng. Nhưng chúng tôi đang chứng kiến nội dung của các lĩnh vực khác như giáo dục tăng vọt trên nền tảng của chúng tôi trên toàn cầu”, Chew nói.
Hôm 15-6, TikTok đưa ra một báo cáo nghiên cứu mới, cho thấy trung bình có hơn 6/10 người kiếm sống trên ứng dụng TikTok ở 9 nước Đông Nam Á kiếm được nhiều hơn mức lương tối thiểu ở nước của họ.
Cụ thể, hơn 6 trong số 10 người sáng tạo nội dung ở Indonesia mà TikTok khảo sát đang kiếm được nhiều hơn mức lương tối thiểu ở Indonesia. Lào đứng ở vị trí cao nhất, với gần 9/10 người sáng tạo nội dung trên TikTok kiếm được thu nhập cao mức lương tối thiểu của đất nước.
Cũng theo báo cáo nghiên cứu, 74% doanh nghiệp được khảo sát nói rằng ứng dụng TikTok đã giúp tăng doanh số bán hàng của họ.
Nghiên cứu do công ty nghiên cứu Kadence International (Mỹ) thực hiện thông qua một cuộc khảo sát hơn 3.400 người dùng TikTok và 25 tổ chức phi lợi nhuận từ tháng 8 đến tháng 9 năm ngoái.
Kế hoạch đẩy mạnh đầu tư ở Đông Nam được đưa ra TikTok chịu áp lực giám sát từ một số chính phủ và cơ quan quản lý trên thế giới vì họ lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng nền tảng này để thu thập dữ liệu người dùng hoặc thúc đẩy lợi ích riêng.
Các nước bao gồm Anh và New Zealand đã cấm ứng dụng TikTok trên thiết bị của chính phủ. Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), cũng cấm nhân viên sử dụng TikTok trên điện thoại thông minh trong bối cảnh các chính phủ phương Tây lo ngại về những rủi ro mà ứng dụng này có thể gây ra cho an ninh quốc gia. Hàng chục bang ở Mỹ cấm nhân viên sử dụng TikTok trên thiết bị của chính quyền. Nhiều cơ quan liên bang ở Mỹ gồm Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh nội địa và Bộ Ngoài giao cũng cấm nhân viên sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ.
Quốc hội Mỹ đang xem xét một số dự luật nhắm vào TikTok, chẳng hạn cấm các công ty Mỹ kinh doanh với ứng dụng này, hoặc cho phép chính phủ cấm hoặc hạn chế các ứng dụng có quan hệ với các chính phủ nước ngoài thù địch.
TikTok cho biết các quyết định cấm đó dựa vào “những quan niệm sai lầm cơ bản” và được thúc đẩy bởi yếu tố địa chính trị rộng lớn hơn.
TikTok nhiều lần phủ nhận việc chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ Trung Quốc và khẳng định sẽ không làm như vậy nếu được yêu cầu.
TikTok không phải đối mặt với các lệnh cấm lớn đối với các thiết bị của chính phủ ở Đông Nam Á, nhưng đang bị giám sát chặt chẽ về nội dung. Hồi tháng 7-2018, Indonesia từng cấm TikTok vì cho rằngcác video trên nền tảng có “nội dung khiêu dâm, nội dung không phù hợp và báng bổ”. Tuy nhiên, lệnh cấm được rút lại nhanh chóng sau khi TikTok cam kết kiểm duyệt nội dung. Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đang thanh tra toàn diện TikTok vì có nhiều nội dung xấu, độc hại, thông tin sai sự thật xuất hiện trên nền tảng này. Kết luận của cuộc thanh tra sẽ được công bố đầu tháng 7.
Theo Reuters, Straits Times, CNBC
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tiktok-tuyen-bo-dau-tu-hang-ti-do-la-vao-dong-nam-a/