TikTok - ứng dụng gây tranh cãi nhất thế giới
Sau khi thu hút hơn 170 triệu người dùng Mỹ trong chưa đầy bảy năm, TikTok hiện phải đối mặt lệnh cấm hoàn toàn tại quốc gia này.
Ngày 19/1, chỉ một ngày trước khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống, Mỹ sẽ trở thành quốc gia mới nhất cấm hoàn toàn ứng dụng do Trung Quốc sở hữu.
Công ty mẹ của TikTok, ByteDance, vẫn đang cố gắng đảo ngược phán quyết và hiện họ có ba giải pháp tiềm năng để tránh lệnh cấm trên toàn quốc. Cách đầu tiên là nhờ Tòa án Tối cao Mỹ đảo ngược quyết định, thứ hai là thuyết phục ông Trump đảo ngược quyết định khi ông nhậm chức. Và cách thứ ba - mặc dù có khả năng khá thấp - ByteDance có thể tuân thủ phán quyết và bán TikTok cho một chủ sở hữu có trụ sở tại Mỹ.
Nếu không có phương án nào được thực hiện và lệnh cấm đi vào hiệu lực, Mỹ sẽ không phải là thị trường lớn đầu tiên của TikTok tẩy chay ứng dụng chia sẻ video này. Năm 2020, Ấn Độ ban hành lệnh cấm hoàn toàn ứng dụng này, cắt đứt khoảng 200 triệu người dùng. Chính phủ nước này trích dẫn các vấn đề về quyền riêng tư, tuyên bố rằng mối quan hệ giữa ByteDance và Chính phủ Trung Quốc đe dọa chủ quyền và an ninh của Ấn Độ.
Nhiều lệnh cấm TikTok của liên bang và tiểu bang đã có hiệu lực tại Mỹ, với các nhà lập pháp nêu mối lo ngại về an ninh quốc gia. Tuy nhiên, TikTok vẫn phát triển không ngừng. Ứng dụng này đã trở thành một trong những ứng dụng phổ biến nhất toàn cầu vào năm ngoái với 52 triệu lượt tải xuống tại Mỹ nói riêng và 733 triệu lượt quốc tế nói chung - kể cả khi hơn 3 tỷ người khắp thế giới đã bị chặn truy cập. Tổng số người dùng TikTok trên toàn thế giới đã vượt 2 tỷ, và chỉ có lệnh cấm của Ấn Độ cách đây ba năm mới có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng của nền tảng này một cách tạm thời.
Một số quốc gia và khu vực khác, bao gồm Liên minh châu Âu, đã áp dụng lệnh cấm một phần, ngăn chặn các nhân viên chính phủ và quân nhân cài đặt TikTok trên thiết bị của họ.
Cáo buộc thao túng nội dung
Năm ngoái, một cuộc khảo sát từ Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy TikTok là nền tảng phát triển nhanh nhất tại Mỹ, vì các nhóm người dùng khác ngoài đối tượng chính là giới trẻ cũng bắt đầu sử dụng nền tảng này. Người lớn tại Mỹ có tài khoản TikTok ngày càng sử dụng ứng dụng này như một nguồn tin tức, với khoảng một phần ba số người trong độ tuổi 18-29 thường xuyên dùng TikTok để cập nhật thông tin vào năm 2023.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố rằng mối quan hệ giữa nhà nước Trung Quốc với công ty mẹ ByteDance có thể cho phép ứng dụng này “thao túng nội dung” để phát tán tuyên truyền có hại.
Một số người đã phản bác lo ngại xung quanh an ninh quốc gia bằng những câu hỏi về vấn đề kiểm duyệt. Electronic Frontier Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế về quyền kỹ thuật số, mô tả lệnh cấm là “mối quan ngại về an ninh chôn vùi dưới nhu cầu kiểm duyệt gắt gao”.
Các nhóm vận động Mỹ đã kêu gọi mọi người “phản đối việc cấm một phương tiện truyền thông và ngôn luận phổ biến”. Trong hồ sơ nộp lên Tòa án Tối cao Mỹ ngày 13/1, TikTok chỉ ra việc cấm ứng dụng này vào giai đoạn chính trị cao điểm: “Đạo luật này sẽ đóng cửa một trong những nền tảng ngôn luận phổ biến nhất của Mỹ vào ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống”. “Từ đó, tiếng nói của nhiều người Mỹ sẽ bị đàn áp, những người sử dụng nền tảng này để trao đổi về chính trị, thương mại, nghệ thuật và các vấn đề khác mà công chúng quan tâm”.
Sau khi Tòa án Tối cao đồng ý thụ lý đơn khiếu nại ngày 15/1, phát ngôn viên của TikTok nói: “Chúng tôi tin rằng Tòa án sẽ thấy lệnh cấm TikTok là vi hiến, để hơn 170 triệu người Mỹ trên nền tảng của chúng tôi có thể tiếp tục thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình”.
tienphong.vn
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tiktok-ung-dung-gay-tranh-cai-nhat-the-gioi-post396305.html