Tìm bản sắc cho kiến trúc đô thị Hà Nội: Đề cao những giá trị văn hóa việt Nam

Trải qua chiều dài lịch sử, Thủ đô Hà Nội là nơi 'tụ hội' của nhiều phong cách kiến trúc đa dạng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc cập nhật nhiều xu hướng thiết kế một cách thiếu chọn lọc, đặc biệt là trào lưu "nệ cổ", “nhại cổ" trong kiến trúc đã khiến diện mạo đô thị Hà Nội rơi vào tình trạng "trăm hoa đua nở", với khá nhiều công trình "đẹp mà chưa đẹp".

Khu đô thị bán đảo Linh Đàm với hệ thống hồ điều hòa, công viên, cây xanh từng được công nhận là khu đô thị kiểu mẫu. Ảnh: Nhật Quang

Khu đô thị bán đảo Linh Đàm với hệ thống hồ điều hòa, công viên, cây xanh từng được công nhận là khu đô thị kiểu mẫu. Ảnh: Nhật Quang

Trào lưu "nệ cổ"

Ở Hà Nội, không khó để bắt gặp những “lâu đài” nguy nga, tráng lệ, được trang trí với hoa văn, họa tiết cầu kỳ, thậm chí được dát vàng, nhiều công trình xây mới mô phỏng theo kiến trúc nước ngoài... Nhưng có lẽ, vẻ choáng ngợp, lạ mắt thu hút sự hiếu kỳ của công chúng chỉ là cảm giác ban đầu. Những công trình ấy có thực sự đẹp, phù hợp với cảnh quan xung quanh? Có chông chênh không khi những “bóng hình quá khứ” ấy hiện diện trong cuộc sống đương đại, mang chức năng của thời kỳ hiện đại?

TS.KTS Nguyễn Trí Thành, Phó Trưởng khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, lý giải: “Nhiều người cho rằng kiến trúc thời Pháp đẹp. Thực sự là nó đẹp bởi đó là kiến trúc cổ điển, được đúc kết qua hàng nghìn năm, từ thời Hy Lạp, La Mã cổ đại và đến bây giờ đã trở thành một chuẩn mực. Đương nhiên phải dùng đúng tỷ lệ, chứ không phải làm nó méo mó đi và bảo đó là đẹp. Rất nhiều người không hiểu điều này nên đã điều chỉnh, uốn nắn, làm khác đi... và làm hỏng giá trị thẩm mỹ ban đầu được cho là tốt”.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, việc mô phỏng là một phần của phương pháp sáng tác kiến trúc, nhưng có lẽ chỉ nên ứng dụng một cách phù hợp chứ không thể lạm dụng. Chưa kể, khi nhìn lại sự xuất hiện của kiến trúc Pháp tại nước ta những năm đầu thế kỷ XX, các kiến trúc sư người Pháp đã học tập kinh nghiệm truyền thống Việt Nam trong việc xây dựng các công trình phù hợp với khí hậu, với nơi chốn, chứ không bê nguyên xi phong cách kiến trúc của họ sang xứ thuộc địa.

Ngôi nhà mang tên “Bắc Hồng” tại Đông Anh, Hà Nội - công trình đoạt giải Vàng Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2018.

Ngôi nhà mang tên “Bắc Hồng” tại Đông Anh, Hà Nội - công trình đoạt giải Vàng Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2018.

Trước đây, những công trình được xây dựng theo phong cách cổ điển, tân cổ điển thường là công sở bởi về hình thức, nó hướng đến sự cân bằng, chuẩn mực về mặt thẩm mỹ, tỷ lệ, vật liệu. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, người ta đã cải biến theo lối đơn giản hơn. Trào lưu này bắt đầu lan tỏa và đến với các công trình xây dựng của người dân.

Đặc biệt, sau thời kỳ đổi mới, khi nền kinh tế được cải thiện, đời sống người dân được nâng cao, việc lựa chọn phong cách kiến trúc cổ điển dường như là ưu tiên hàng đầu. Đầu tiên là một vài chi tiết nhỏ như đầu cột, mái, vòm, con sơn... để trông giống cổ điển. Sau đó, trào lưu này bắt đầu phát triển mạnh, tràn về các vùng nông thôn. Nhiều ngôi nhà tại đó được ví như những “lâu đài”, đắp điếm nhiều chi tiết cổ điển, các hoa văn, tượng các vị thần... trông rất xa lạ với người Việt Nam. Có nhiều gia đình quan niệm rằng, càng nhiều hoa văn, họa tiết trên những công trình càng chứng tỏ đẳng cấp của công trình, vị thế của chủ nhà.

Thời gian gần đây, không chỉ các công trình công sở, nhà dân mà những khu vui chơi, khu du lịch, khu đô thị mới trong lòng Hà Nội dường như cũng là nơi tái hiện các yếu tố kiến trúc của nước ngoài... Tuy vậy, điều này cũng đưa đến cảm nhận trái chiều, thậm chí gây ra tranh cãi trên nhiều diễn đàn kiến trúc.

Làm biến dạng các phong cách kiến trúc

Việc mô phỏng và kết hợp các phong cách kiến trúc mang tính nửa vời, tùy tiện dẫn đến sự ra đời của những công trình không theo một quy chuẩn nào, khiến cho phong cách kiến trúc cổ điển bị biến dạng. TS.KTS Trương Ngọc Lân, khoa Kiến trúc và Quy hoạch đô thị, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng: “Dường như hành trình phát triển kiến trúc thế giới của hơn 100 năm đã hội tụ tại Việt Nam chỉ trong vòng hơn một thập niên”.

Phong cách thiết kế "nệ cổ" và ngoại lai không hiếm gặp ở Hà Nội.

Phong cách thiết kế "nệ cổ" và ngoại lai không hiếm gặp ở Hà Nội.

Phong cách thiết kế "nệ cổ" và ngoại lai không hiếm gặp ở Hà Nội.

Phong cách thiết kế "nệ cổ" và ngoại lai không hiếm gặp ở Hà Nội.

Theo KTS Lê Lương Ngọc, Kiến trúc sư trưởng Văn phòng V-Architecture (Hà Nội), việc bắt chước phong cách kiến trúc của nước ngoài cho thấy chúng ta chưa cân nhắc đến mục đích cuối cùng là gì. “Cái đối chiếu đơn giản nhất là quan sát tự nhiên. Người phương Tây quan sát thiên nhiên của họ và đưa ngôn ngữ “hoa lá” của họ vào ngôi nhà. Người Việt mình lại mang ngôn ngữ “hoa lá” ấy "cắm" ở Việt Nam. Bản thân nó không có gì sai trong bối cảnh văn hóa, xã hội, vị trí của nó. Nhưng nó sai khi bị mang đi chỗ khác và người ta cố “trồng” nó trong điều kiện thổ nhưỡng khác. Đó là sự cưỡng bức” - KTS Lê Lương Ngọc nói.

Hành vi sao chép, tâm lý "nệ cổ" trong kiến trúc không chỉ để lại những hệ quả là sự hỗn loạn trong sản phẩm kiến trúc, mà còn ảnh hưởng đến việc kiến tạo, phát triển bền vững bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Nếu không tỉnh táo thì chúng ta sẽ bị cuốn theo dòng xoáy đó, khiến cho người dân mặc định đó là những thứ đại diện cho cuộc sống tiện nghi, chất lượng, nhầm lẫn về các giá trị văn hóa, tạo ra làn sóng “người sau nối tiếp người trước”, coi “cổ điển” hay “tân cổ điển” mới là biểu hiện của sự sang trọng, tiện nghi. Trong khi đó, một số kiến trúc sư trẻ, mong muốn gợi lại kiến trúc bản địa Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thậm chí bị lạc lõng khi phải đối diện với phong trào cổ xúy, ưu tiên phong cách kiến trúc “cổ điển”, “tân cổ điển”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng: Kiến trúc cần kế thừa những giá trị, bản sắc của dân tộc, đồng thời kết hợp với tinh hoa của thế giới để tạo ra sự độc đáo cho kiến trúc Việt Nam. Trong lịch sử, chúng ta có thể tự hào với phong cách kiến trúc Đông Dương, với những công trình như Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội (phố Lê Thánh Tông), Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Nhà khách Chính phủ... mà khi nhìn vào, người ta đều biết ngay đó là các công trình mang giá trị văn hóa Việt Nam.

“Chúng ta thường nói: “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”. Như vậy, “nhà Tây” - kiến trúc phương Tây vẫn được xem là một mẫu hình tiêu chuẩn với người Việt Nam nói chung. Chính vì thế, trong thời gian qua có khá nhiều công trình được xây dựng lấy kiến trúc phương Tây như một tiêu chuẩn. Đó là một thực tế, nhưng dần dần, tôi tin các yếu tố Việt sẽ được đưa vào, để thích nghi với thói quen sinh hoạt, điều kiện tự nhiên, xã hội của người Việt, để có được những công trình kiến trúc thể hiện được giá trị văn hóa dân tộc và là niềm tự hào của chúng ta với bạn bè thế giới” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ thêm.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần tìm về kiến trúc bản địa, với những kinh nghiệm thiết kế, xây dựng trên cơ sở lắng nghe khí hậu, văn hóa của nơi chốn, học tập từ truyền thống xây dựng địa phương. Đặc biệt, với Hà Nội - nơi tụ hội tinh hoa, tiếp nối truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc - càng phải khắt khe hơn nữa trong việc tạo ra một diện mạo đô thị vừa hiện đại, văn minh, vừa mang “hồn núi sông nghìn năm”. Do vậy, chúng ta không thể thay thế một kiến trúc đặc trưng của nơi đó bằng một thứ kiến trúc không đại diện cho một nơi nào cả!

Phương Thúy

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tim-ban-sac-cho-kien-truc-do-thi-ha-noi-de-cao-nhung-gia-tri-van-hoa-viet-nam-673925.html