Tìm cách 'hạ nhiệt' chi phí logistics

Giới chuyên gia nhận định, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam yếu một phần nguyên nhân nằm ở chi phí logistics quá cao. Do đó, rất cần cải thiện khâu này để giảm áp lực cho doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

“Chi phí logistics cao trong tổng GDP đang làm hạn chế sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Thực trạng này bắt nguồn từ cơ cấu nền kinh tế cũng như các lý do đến từ hiệu quả thấp của hoạt động logistics tại Việt Nam, quy mô hoạt động chưa tối ưu của doanh nghiệp logistics” - ông Trần Đức Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Delta, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) chia sẻ như vậy trong buổi ra mắt HNLA mới đây.

Số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, chi phí logistics so sánh với tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đang ở mức 16,80%, so với bình quân thế giới là 10,70%. Tính trong ASEAN, chi phí logistics Việt Nam cao hơn các nước Singapore đang ở mức 8,50%, Malaysia 13,00% và Thái Lan là 15,50%.

Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, giá vận chuyển hàng hóa gần 2 năm qua liên tục tăng khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất vì các chi phí đều được cộng vào giá thành của sản phẩm. Hiện nay, giá cước vận chuyển từ châu Á đi Mỹ bằng đường hàng không đã tăng lên hơn 10 lần; trong đó, chi phí logistics chiếm tới 20 -25%, đó là những con số cho thấy doanh nghiệp xuất khẩu khó có thể đạt được lợi nhuận khi chi phí vào dịch vụ logistics quá lớn.

Không chỉ chi phí logistics tăng, thời gian vận chuyển hàng hóa cũng kéo dài thêm 1,5 - 2 lần so với thời điểm đầu năm 2020. Đơn cử trước đây, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng đường biển sang Hoa Kỳ mất từ 30 - 35 ngày nhưng hiện tăng lên 45-60 ngày. Do vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đơn hàng để bù cho khoảng thời gian vận chuyển có thể tăng thêm.

Theo Chủ tịch HNLA, sở dĩ chi phí logistics của chúng ta cao một phần nguyên nhân đến từ quy hoạch logistics chưa được quan tâm đúng mức, bên cạnh đó có cả nguyên nhân đến từ thể chế chính sách.

Trong bối cảnh việc đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu chưa thể khôi phục trong một sớm một chiều, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Giá cước vận chuyển sẽ chưa hạ nhiệt ngay lập tức. Hơn nữa, chi phí lưu kho bãi cũng tăng hơn 20% do nhu cầu lưu kho bãi tăng trong khi nguồn cung chưa đủ đáp ứng, nhân lực thiếu và giá bất động sản tăng cao… Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp ứng phó để “hạ nhiệt” logistics, như vậy mới có thể giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Và giải pháp hạ nhiệt được các chuyên gia “hiến kế”: cần phải tạo sự liên kết giữa các thành tố trong chuỗi cung ứng như: Hải quan, kho cảng, hãng vận tải đường bộ, hãng tàu,… giúp giảm thời gian giao nhận hàng. Đồng thời, áp dụng công cụ quản lý mới, cải thiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), để lĩnh vực logistics phát triển một cách hiệu quả, các chính sách về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đang được triển khai thực hiện nhằm đạt được mục tiêu giảm chi phí, nâng cao hiệu quả logistics. Cùng với đó, với xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các trung tâm logistics truyền thống đã và đang dần chuyển đổi sang trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ số để đạt hiệu quả hơn, năng suất cao hơn.

M.Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tim-cach-ha-nhiet-chi-phi-logistics-5702149.html