Tìm cách hóa giải thách thức kép

Theo Báo cáo nhân lực ngành IT Việt Nam, do TopDev công bố, đến năm 2025 ngành Công nghệ thông tin tại Việt Nam dự kiến cần đến 700.000 nhân sự. Tuy nhiên, con số thực tế chỉ đạt khoảng 530.000 người, cho thấy ngành này đang thiếu hụt một lượng lớn lao động lành nghề.

Công nghệ thông tin vẫn là ngành hấp dẫn về tuyển dụng và thu nhập. Ảnh: L.H.

Công nghệ thông tin vẫn là ngành hấp dẫn về tuyển dụng và thu nhập. Ảnh: L.H.

Tình trạng khát nhân lực chất lượng đặt ra thách thức kép cho các doanh nghiệp Việt Nam khi vừa phải tìm giải pháp cho vấn đề thiếu hụt nhân sự, vừa tối ưu hóa nguồn lực nội bộ.

Nhu cầu tuyển dụng tăng

Theo TopCV Việt Nam, ngành công nghệ thông tin (IT) được đánh giá là ngành trả mức lương tương đối cao. Nếu không tính cấp bậc giám đốc, trung bình mức lương người làm trong ngành IT - phần mềm ở Việt Nam dao động từ 9 đến 40 triệu đồng/tháng. Với vị trí cao hơn là trưởng nhóm, mức lương mà họ có thể nhận nằm trong khoảng từ 19 - 33 triệu đồng. Nếu lên được vị trí quản lý hoặc trưởng phòng, những người làm việc trong ngành IT - phần mềm có thể hưởng mức lương từ 22 - 40 triệu đồng.

Ngay cả với vị trí thực tập sinh, người làm trong ngành IT cũng có thể nhận được mức thù lao từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Trong khi, nhân viên IT mới ra trường (dưới 1 năm kinh nghiệm) nhận mức lương phổ biến trong khoảng 8 đến 15 triệu đồng.

Ở vị trí quản lý, lương của giám đốc công nghệ cũng được trả cao nhất, dao động trong khoảng 60 đến 142 triệu đồng. Mức này cao hơn nhiều so với giám đốc nhân sự (49,5 đến 90 triệu đồng), giám đốc kinh doanh (60,5 đến 120 triệu đồng) và giám đốc tài chính (50,5 đến 105) triệu đồng.

“Cùng với kinh doanh/bán hàng, IT - phần mềm là nhóm ngành "khát" nhân lực nhất tại Việt Nam. Đây cũng là 2 nhóm ngành có số lượng đăng tải thông tin tuyển dụng nhiều nhất trong năm 2023. Năm 2024, IT - Phần mềm cũng là một trong những nhóm ngành mục tiêu tiếp theo mà các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng” - báo cáo TopCV Việt Nam cho biết.

Điểm đáng chú ý của báo cáo đó là, trong môi trường kinh doanh, doanh nghiệp (DN) cũng đang chứng kiến sự thay đổi đáng kể do Trí tuệ nhân tạo (AI). Đại diện TopCV cho biết các DN Việt Nam đang có xu hướng tích hợp yêu cầu AI vào các vị trí công việc. Theo đó, nhu cầu về nhân viên có khả năng làm việc cùng với AI và các hệ thống tự động hóa đang tăng. Điều này có thể đặt ra những yêu cầu mới cho người lao động như cải thiện kỹ năng làm việc cùng với công nghệ và hiểu biết về cách tương tác với các hệ thống AI.

Theo số liệu từ nền tảng TopCV, số lượng tin đăng tuyển dụng có các từ khóa liên quan đến AI cũng tăng đột biến trong hơn một năm qua. Cụ thể, xét dữ liệu từ cả năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, số tin đăng tuyển dụng các vị trí của riêng ngành CNTT có từ khóa liên quan đến AI tăng khoảng 113%.

Nâng chất nguồn nhân lực

Thực tế trong bối cảnh nhiều cơ quan, DN đang tích cực chuyển đổi số, nhu cầu nhân sự làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) - phần mềm luôn ở mức cao. Đãi ngộ tốt, nhu cầu lớn, tuy nhiên, tuyển dụng nhân sự IT luôn là “bài toán khó” với nhiều DN trong thời điểm hiện nay.

Ông Vũ Nhật Anh - Giám đốc Sản phẩm & Công nghệ CTCP TopCV Việt Nam cho biết, 75,8% DN tham gia khảo sát khẳng định vẫn tiếp tục gia tăng số lượng nhân viên, đặc biệt là với 3 nhóm ngành: Kinh doanh/Bán hàng, IT - Phần mềm, Marketing/Truyền thông/Quảng cáo. Đây sẽ là những nhóm ngành có sự quay vòng ứng viên hoặc/và quy mô DN (tuyển mới, tuyển thêm) được thay đổi và tối ưu liên tục.

Dự báo đây sẽ là những nhóm ngành dự kiến tiếp tục “khát nhân lực" trong năm 2024, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các DN đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và chuyển đổi số.

Mặc dù nhu cầu tuyển dụng lớn, mức lương trả tương đối cao xong việc tuyển dụng nhân lực của doanh nghiệp không hề dễ dàng. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi năm Việt Nam sẽ tăng 13% nhu cầu tuyển dụng về IT. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển công nghệ số, nhu cầu nhân lực là rất lớn và không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực IT Việt Nam vẫn chưa khắc phục được là có một tỷ lệ cao chưa đáp ứng được chất lượng và chuyên môn sâu về công nghệ cho doanh nghiệp. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó có 2 nguyên nhân đáng chú ý là thiếu hụt nhân sự có chất lượng và tỷ lệ nhảy việc cao trong nhóm ngành này.

Theo TS Đỗ Ngọc Minh - Chủ tịch Liên minh Blockchain trong các trường đại học Blockchain đã và đang phát huy vai trò then chốt trong các tập đoàn đa quốc gia, trong thương mại toàn cầu cũng như trong nhiều mặt của cuộc sống. Tuy nhiên, nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu này còn đang thiếu hụt. Do đó, rất cần sự vào cuộc tích cực của các DN và cơ sở đào tạo. Đặc biệt, các cơ sở đào tạo cần phải phối hợp chặt chẽ với DN sử dụng lao động để nghiên cứu, xây dựng các chương trình đào tạo sát thực tiễn với nhu cầu của DN. Bên cạnh đó, cần tiến hành phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong thời đại chuyển đổi số.

Theo TopDeV, năm 2024, số lượng nhân lực ngành CNTT của Việt Nam cần khoảng 500.000 người nhưng hiện thiếu hụt khoảng 200.000 người. Nhiều chuyên gia dự báo, nhu cầu nhân lực ngành CNTT sẽ tăng cao trong thời gian tới, nhất là ở một số vị trí đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư công nghệ, kỹ thuật viên, lập trình viên…

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tim-cach-hoa-giai-thach-thuc-kep-10285391.html