Tìm cách lấp khoảng trống tài chính dành cho SME
Các ngân hàng xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là nhóm khách hàng quan trọng trong tăng trưởng tín dụng, do đó ngoài giải pháp vốn còn cạnh tranh cả về lãi suất. Tuy nhiên, các SME cũng cần minh bạch hệ thống báo cáo tài chính và thông tin.

Nhiều tổ chức tín dụng, trong đó có các ngân hàng nước ngoài triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho SME
Gỡ rào cản
Khu vực kinh tế tư nhân - trong đó các SME hiện chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp - luôn giữ vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Khu vực này đóng góp hơn 50% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước và tạo ra hơn 40 triệu việc làm, tương đương hơn 82% lực lượng lao động của nền kinh tế. Tuy nhiên, để phát triển nhanh, bền vững cả về quy mô lẫn chất lượng, cộng đồng SME cần được giải quyết các khó khăn đang phải đối mặt, đặc biệt trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị và chuyển đổi số do thiếu tài sản đảm bảo.
Ngày 25/3/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về thúc đẩy phát triển SME, đặt mục tiêu đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp mới, đồng thời đẩy mạnh hạ tầng hỗ trợ và nâng cao khả năng tiếp cận tài chính, tín dụng và nguồn nhân lực cho SME. Đáng chú ý, Nghị quyết 68-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 4/5/2025 thể hiện kỳ vọng lớn: đưa khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.
Theo Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2% khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn ESG. Đây là bước đi quan trọng nhằm tháo gỡ vướng mắc lớn về vốn cho doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh - nhóm đang thiếu nguồn lực và gặp khó khăn khi vay vốn dài hạn, chi phí cao. Chính sách này không chỉ là ghi nhận vai trò, mà còn là lời hiệu triệu tới toàn bộ hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là ngành tài chính - ngân hàng, cần thay đổi mạnh mẽ để đồng hành sâu sát hơn.
Theo ông Hồ Vân Long, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB, dư địa phát triển của khu vực kinh tế tư nhân là rất lớn, nhưng hiện tại, hơn 42% doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận vốn, hơn 60% gặp khó trong chuyển đổi số và khoảng 60% chưa có hệ thống quản lý chi tiêu minh bạch. Các tỷ lệ này có thể tăng cao khi đối mặt với yếu tố bất định như đại dịch hay căng thẳng thương mại, do SME là nhóm dễ tổn thương nhất.
Giám đốc cấp cao phụ trách thanh toán SME của Visa, ông Gareth Parrington cho biết, SME chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố tăng trưởng kinh tế. GDP Việt Nam năm nay dự kiến tăng 6,8%, được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa, vốn FDI gia tăng và thương mại điện tử bùng nổ - dự kiến đạt quy mô 32 tỷ USD vào năm 2025. Điều này tạo cơ hội cho SME mở rộng tệp khách hàng trực tuyến. Đồng thời, sự cải tiến công nghệ thanh toán như API ngân hàng mở, tích hợp hệ thống kế toán, quản lý hóa đơn… cũng giúp SME nâng cao hiệu quả quản lý tài chính. Tuy nhiên, thủ tục phức tạp và thời gian xử lý lâu vẫn là rào cản lớn trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Khơi thông vốn
Khoảng trống tài chính của SME tại Việt Nam ước tính lên tới 24 tỷ USD - hơn gấp đôi mức cho vay hiện tại và cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nền kinh tế đang phát triển.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB ví von: “Nếu thể chế là trận địa, thì doanh nghiệp chính là lực lượng tác chiến”. Ông khẳng định, ACB cam kết cung cấp nguồn lực và giải pháp tài chính hiệu quả cho SME - nhóm chiếm hơn 95% khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng. Những cải cách từ Nghị quyết 68-NQ/TW như miễn giảm thuế, cải thiện tiếp cận đất đai, ưu tiên tín dụng sẽ tác động trực tiếp đến dòng tiền và năng lực vận hành của doanh nghiệp.
ACB hiện triển khai gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, trong đó 20.000 tỷ đồng dành riêng cho SME, phần còn lại cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số. Lãi suất ưu đãi thấp hơn thông thường từ 2% trở lên. Ngân hàng cung cấp sản phẩm không yêu cầu tài sản thế chấp cho xuất khẩu, tài trợ chuỗi cung ứng, thấu chi tín chấp và tín dụng dài hạn để các doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh.
Dù vậy, ACB cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế tín dụng cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là hành lang pháp lý cho Quỹ bảo lãnh tín dụng và Quỹ phát triển SME - những “bệ đỡ trung gian” giúp chia sẻ rủi ro với ngân hàng khi cấp vốn cho những doanh nghiệp tiềm năng, có mô hình kinh doanh đổi mới, sáng tạo.
Tại VIB, ông Hồ Vân Long cho biết, Ngân hàng đã xây dựng bộ giải pháp tài chính toàn diện cho SME, đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn, quản trị chi phí, thanh toán, gồm thẻ tín dụng VIB Business Card, gói cho vay vốn lưu động - VIB Business Loan và ngân hàng số VIB Business. SME có thể tiếp cận khoản vay tối đa 150 tỷ đồng, lãi suất từ 6,7%/năm, tỷ lệ cho vay đến 90% giá trị tài sản đảm bảo - giúp doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường.
Với Nam A Bank, ngân hàng này vừa được Quỹ Hợp tác Khí hậu Toàn cầu (GCPF) giải ngân 10 triệu USD, nâng tổng số dư huy động vốn từ nước ngoài lên hơn 110 triệu USD, nhằm chủ động nguồn vốn, mở rộng tín dụng xanh, kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ tài chính cho phụ nữ, SME.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc OCB cho hay, Ngân hàng sẽ tiếp tục khai thác chuỗi giá trị, mở rộng kênh phân phối, phục vụ tốt hơn nhu cầu vốn của doanh nghiệp. OCB đặt mục tiêu tổng tài sản năm 2025 tăng 13%, huy động vốn và dư nợ thị trường 1 tăng lần lượt 14% và 16%, duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Kết thúc quý I/2025, dư nợ thị trường 1 đạt 184.388 tỷ đồng, trong đó SME đóng góp đáng kể với mức tăng 9,3%.
Thực tế, phần lớn SME có năng lực tài chính hạn chế, thông tin thiếu minh bạch, tài sản đảm bảo ít nên tiếp cận tín dụng vẫn khó khăn. Theo FiinGroup, khoảng trống tài chính của SME tại Việt Nam ước tính lên tới 24 tỷ USD - hơn gấp đôi mức cho vay hiện tại và cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nền kinh tế đang phát triển.
Vì thế, cho vay tín chấp là giải pháp cấp thiết. Nhiều SME đề xuất được vay tín dụng xanh với hình thức bảo lãnh 30 - 50%. Ngân hàng Nhà nước một mặt khuyến khích tín dụng xanh, mặt khác cũng yêu cầu nâng cao năng lực quản trị rủi ro.
Một chuyên gia tài chính cấp cao cho rằng, cần xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đầy đủ và minh bạch hơn. Hiện hệ thống thông tin về SME còn hạn chế, khiến ngân hàng vẫn yêu cầu tài sản đảm bảo. Việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu doanh nghiệp sẽ là chìa khóa mở rộng tín dụng cho nhóm doanh nghiệp quan trọng này.