Tìm cách nâng cao chất lượng giáo dục huyện miền núi ở Quảng Bình

Chiều 17/7, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình tổ chức cuộc họp với UBND huyện Minh Hóa nhằm bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Cuộc họp bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục huyện miền núi Minh Hóa.

Cuộc họp bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục huyện miền núi Minh Hóa.

Dự cuộc họp có ông Cao Văn Định, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình.

Tồn tại nhiều hạn chế

Trong năm học vừa qua, huyện miền núi Minh Hóa đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Mạng lưới trường học trên địa bàn được sắp xếp tinh gọn, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh (HS), phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Công tác tuyển sinh đầu cấp đạt tỷ lệ 100%.

Tuy nhiên, huyện đang gặp nhiều khó khăn vì cơ sở vật chất xuống cấp; thiếu phòng học, trang thiết bị dạy học. Do việc tinh giản biên chế nên huyện đang thiếu giáo viên, tỷ lệ giáo viên/lớp ở nhiều trường học chưa đạt theo quy định để tổ chức dạy học hiệu quả, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Vì thiếu biên chế nên phải ghép lớp, dẫn đến số học sinh trong mỗi lớp học vượt quy định...

Đối với Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024, Phòng GD&ĐT huyện Minh Hóa đã đề ra những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó tập trung vào 3 môn học: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh lớp 9. Các trường học đã triển khai thực hiện phân loại học sinh, xây dựng kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng.

Mặc dù đã nỗ lực nhưng công tác giáo dục và đào tạo ở huyện Minh Hóa vẫn tồn tại nhiều hạn chế.

Mặc dù đã nỗ lực nhưng công tác giáo dục và đào tạo ở huyện Minh Hóa vẫn tồn tại nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, kết quả tuyển sinh trên địa bàn huyện thấp hơn nhiều so với các địa bàn khác. Một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên là do kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn huyện gần như không có tỷ lệ chọi, không quy định mức điểm cần đạt của các môn thi nên chưa tạo được sự phấn đấu của học sinh.

Mặt khác, các trường THCS chưa thực sự quyết liệt trong theo dõi, kiểm tra công tác dạy học đối với giáo viên, học sinh. Một số giáo viên chưa thực sự cố gắng để nâng cao chất lượng giáo dục, chưa chủ động bổ sung, rèn luyện kiến thức, kỹ năng một cách đầy đủ.

Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc thúc đẩy việc học tập ở nhà của học sinh còn nhiều hạn chế. Một bộ phận phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con em. Các trường học và giáo viên gặp khó khăn trong việc huy động học sinh tham gia ôn thi. Không ít học sinh có tâm lý là đi xuất khẩu lao động hoặc đi làm thuê chứ không thi vào đại học, cao đẳng nên không có sự phấn đấu trong học tập.

Giải pháp tháo gỡ

Tại cuộc họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng nhằm phân tích, làm rõ nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa còn thấp và bàn biện pháp tháo gỡ.

Một trong những giải pháp được đưa ra là tạo điều kiện cho giáo viên giảng dạy các bộ môn chính được học tập, trao đổi kinh nghiệm, từng bước đổi mới phương pháp dạy học, ôn tập; đồng thời thực hiện tốt công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS để nâng cao chất lượng đầu vào bậc THPT.

Tại cuộc họp, ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho ngành Giáo dục huyện Minh Hóa, Sở sẽ tổ chức các hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc chia sẻ kinh nghiệm dạy học và công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Đồng thời đề nghị huyện Minh Hóa quản lý chặt chẽ hơn nữa công tác giáo dục của các nhà trường theo phương châm dạy thật, học thật, chất lượng thật.

Bên cạnh đó, huyện Minh Hóa cần xây dựng mục tiêu chiến lược, lộ trình cụ thể nhằm rút ngắn khoảng cách về giáo dục với các địa phương khác.

Ông Đặng Ngọc Tuấn, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội nghị.

Ông Đặng Ngọc Tuấn, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình Cao Văn Định yêu cầu huyện Minh Hóa cần có giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng giáo dục.

Trước mắt, huyện phải rà soát tất cả các cấp học, nhất là đội ngũ giáo viên, phân tích, đánh giá những hạn chế, tồn đọng, đặc biệt là bậc tiểu học, THCS, phải nhìn thẳng vào sự thật để có giải pháp khắc phục.

Huyện phải chú trọng đến việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên theo các hình thức phù hợp. Sở GD&ĐT và UBND huyện tham mưu cho UBND tỉnh về việc đầu tư nguồn lực cho giáo dục huyện Minh Hóa.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình Cao Văn Định phát biểu tại cuộc họp.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình Cao Văn Định phát biểu tại cuộc họp.

Mặt khác, huyện phải tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý giáo dục, làm tốt công tác chính trị, tư tưởng nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp, ngành, người dân trên địa bàn huyện về công tác giáo dục.

“Đề nghị Sở GD&ĐT tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng giáo dục và làm việc với Sở Nội vụ trong việc tìm giải pháp phân bổ chỉ tiêu biên chế, từng bước giúp huyện Minh Hóa khắc phục khó khăn triển khai hiệu quả công tác GD&ĐT”, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình nói.

Hiệp Tài

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tim-cach-nang-cao-chat-luong-giao-duc-huyen-mien-nui-o-quang-binh-post647038.html