Tìm cách quản lý lòng đường, vỉa hè hiệu quả

Hơn 1 năm triển khai thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè, TP HCM thu về khoảng 7 tỉ đồng - con số khiêm tốn so với dự tính ban đầu

Sắp tới, TP HCM sẽ bãi bỏ Quyết định 32/2023 của UBND thành phố về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè. Song song đó, sẽ xây dựng Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (lòng đường, vỉa hè) theo Nghị định 44/2023 về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Vậy làm thế nào để bài toán quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè ở TP HCM hiệu quả hơn?

Phê bình địa phương không vào cuộc

Theo thống kê của Sở Giao thông công chánh (GTCC) TP HCM, toàn thành phố có 4.869 tuyến đường từ 5 m trở lên. Trong đó, 2.271 tuyến có vỉa hè, nhưng phần lớn lại có bề rộng dưới 3 m, khiến không gian dành cho người đi bộ trở nên hạn hẹp. Chỉ khoảng 27,4% diện tích vỉa hè có thể xem xét cho dùng tạm thời ngoài mục đích giao thông. Còn lại hơn 50% đường của thành phố không có vỉa hè.

Sau 1 năm triển khai đề án thu phí, đến nay chỉ có 6/22 quận, huyện gồm: quận 1, 3, 4, 8, 10 và 12 triển khai thu phí theo quy định, với khoảng 4,5 tỉ đồng từ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, buôn bán hàng hóa, trung chuyển vật liệu xây dựng. Riêng Sở GTCC thu về khoảng 2,5 tỉ đồng từ các hoạt động tổ chức sự kiện văn hóa, bố trí trạm xe đạp, trạm trung chuyển rác thải.

Sở GTCC nhận định một trong những khó khăn khiến công tác thu phí khó triển khai đồng bộ do hơn một nửa vỉa hè ở thành phố có diện tích hẹp, không thể cho thuê. Chưa kể người dân còn đặt lợi ích cá nhân lên lợi ích cộng đồng, không hợp tác khi chính quyền lấy ý kiến cho thuê vỉa hè trước nhà.

Một đoạn vỉa hè trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP HCM

Một đoạn vỉa hè trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP HCM

Ngoài ra, nhiều quận, huyện chưa quan tâm triển khai việc quản lý, thu phí, nhiều địa phương cho rằng còn nhiều vướng mắc do quy định về cách tính diện tích thu phí hoạt động công trình tạm; việc quản lý, thu phí lòng đường, vỉa hè cần thống nhất trên một ứng dụng. Hay việc sử dụng vỉa hè phải chờ UBND thành phố hướng dẫn triển khai thi hành Nghị định 44/2024 quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ….

Sở GTCC đánh giá việc triển khai không đồng bộ, tạo ra dư luận không tốt như thiếu minh bạch, tạo sự mất công bằng đối với các cá nhân, tổ chức chấp hành tốt. Do đó, trong thời gian tới, để công tác triển khai việc quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè tốt hơn, Sở GTCC kiến nghị UBND thành phố chấp thuận tiếp nhận phần mềm quản lý, thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè do Công ty VISA Worldwide Pte.Limited tài trợ để sử dụng trên toàn hệ thống.

Đồng thời kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Nội vụ đánh giá thi đua đối với các quận 1, 3, 4, 8, 10 và 12 trong năm 2024 cao hơn 1 bậc so với các quận còn lại và phê bình nghiêm khắc các địa phương không vào cuộc.

Cân nhắc đề án mới

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng về quy định công năng thì vỉa hè phải dành cho người đi bộ. Nhưng hiện nay tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, bày biện hàng hóa, để xe rất nhiều, gây mất an toàn giao thông. Chưa kể, người buôn bán không chỉ chiếm dụng vỉa hè mà còn đổ nước thải xuống cống, gây ô nhiễm môi trường, dễ tắc nghẽn cống.

Hiện dân số tại TP HCM rất đông, do đó cần không gian vỉa hè để người dân đi bộ, rèn luyện sức khỏe. "Thời gian qua, việc quản lý, cho thuê sử dụng vỉa hè không được nhiều địa phương triển khai vì họ xung đột với lợi ích người dân, chưa kể, lực lượng ở phường mỏng, không quản lý xuể việc lấn chiếm vỉa hè huống hồ là quản lý việc cho thuê. Ở chỗ tôi sống, dù không cho thuê vỉa hè nhưng người dân vẫn chiếm dụng để buôn bán" - ông Hậu nói.

Trong giai đoạn này, thành phố nên cân nhắc việc quản lý, cho thuê vỉa hè, tăng cường tuần tra, xử phạt các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Theo luật sư Hậu, nếu cho thuê vỉa hè thì chỉ áp dụng với các loại hình mang tính nghệ thuật, giải trí như vẽ tranh, thư pháp, bán hàng mỹ thuật… và đối với vỉa hè có bề ngang trên 7 m.

Với Đề án mới về sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được Viện Nghiên cứu Phát triển xây dựng trong thời gian tới, thành phố cần cân nhắc kỹ lưỡng để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vỉa hè. TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng hơn 70% vỉa hè ở thành phố không đủ điều kiện cho thuê, do đó nhiều quận, huyện không thực hiện được, chưa kể nếu triển khai các đoạn vỉa hè nhỏ lẻ thì hiệu quả không cao, không quản lý được.

Sau 1 năm triển khai, nguồn thu từ vỉa hè khoảng 7 tỉ đồng, không đạt được 10% kế hoạch đặt ra. "Tôi ủng hộ việc thu phí nhằm đưa vỉa hè vào trật tự, nền nếp và tạo nguồn thu cho thành phố. Song, cần đánh giá cụ thể hơn, rà soát kỹ những khó khăn, vướng mắc tại các địa phương, cái nào phát huy được thì tiếp tục, không thì bỏ. Ngoài ra, nên tận dụng vỉa hè các công viên lớn, khu trung tâm, quảng trường để cho thuê, tạo nguồn thu lớn cho thành phố" - TS Phạm Viết Thuận nhấn mạnh.

Bài và ảnh: THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tim-cach-quan-ly-long-duong-via-he-hieu-qua-196250328194412833.htm