Tìm cách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam: Thay đổi tư duy là quan trọng nhất

Nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể.

Thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hóa để thu về những nguồn lợi kinh tế. Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển CNVH.

Đạo diễn KiKi Trần

Đạo diễn KiKi Trần

Để công nghiệp âm nhạc phát triển, từng bước hội nhập quốc tế, thực sự đóng góp vào GDP của CNVH Việt Nam, và làm sao để nâng tầm trình độ - chuyên môn của đội ngũ lao động trẻ trong ngành CNVH, tôi nghĩ cần quan tâm những vấn đề sau:

1-Thách thức và khó khăn đầu tiên đến từ nhận thức, quan niệm của xã hội, lâu nay ở Việt Nam chỉ xem văn hóa là các hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Văn hóa là tổng thể tất cả các vấn đề trong xã hội, chứ không phải như ở Việt Nam chúng ta hay nghĩ đơn giản văn hóa chỉ là văn hóa văn nghệ.

Đặc biệt là nhận thức của những người trực tiếp liên quan đến lĩnh vực văn hóa, về vai trò, vị trí của các ngành CNVH đối với sự phát triển chung của đất nước. Như vậy, để xã hội có một nhận thức đầy đủ hơn đối với các ngành CNVH, ngành văn hóa và những lĩnh vực liên quan cần phải chứng minh tầm quan trọng và vị trí thực sự của các ngành CNVH đối với sự phát triển chung của đất nước.

Từ đó, khi ngành CNVH được nâng tầm và có sự quan tâm của các cơ quan nhà nước và chính phủ mới có điều kiện tập trung vào việc xây dựng và nâng cấp nhân lực cho ngành CNVH.

2- Về nhân lực, chúng ta có nhiều tài năng trong nhiều lĩnh vực CNVH, nhưng lại thiếu hụt các điều kiện để tài năng phát triển, yếu về cách thức để đưa các tài năng này tiếp cận và phát triển ở thị trường (cả trong nước và quốc tế), hay nói cách khác là yếu về cách kết nối giữa tài năng nghề nghiệp và kỹ năng thị trường.

Trình diễn drone trong đêm khai mạc Lễ hội sông nước TP HCM năm 2024

Trình diễn drone trong đêm khai mạc Lễ hội sông nước TP HCM năm 2024

Nguồn nhân lực là một trong những "tài nguyên" đặc biệt quan trọng để phát triển CNVH. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Việt Nam đang thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực sáng tạo. Tháo gỡ những vướng mắc trong đào tạo nguồn nhân lực văn hóa là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, cần gỡ "nút thắt" đào tạo bằng cách thay đổi tư duy, đổi mới toàn diện từ triết lý đào tạo đến thiết kế chương trình, phương thức và mô hình đào tạo. Đào tạo nguồn nhân lực cho CNVH cần được định hướng theo thị trường lao động, gắn với nhu cầu thực tế phát triển kinh tế, xã hội, ngành nghề và hướng tới hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời, đào tạo phải bám sát nhu cầu thực tiễn sáng tạo, sản xuất, kinh doanh, đảm bảo mục tiêu sinh viên tốt nghiệp có việc làm, sản phẩm đào tạo được chấp nhận bởi các nhà tuyển dụng...

Nhìn ra thế giới, xu hướng trong đào tạo các lĩnh vực CNVH là cần có sự chuyên môn hóa cao. Kinh nghiệm ở các quốc gia phát triển hàng đầu về CNVH là đào tạo theo triết lý chuyên môn hóa mới có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao để CNVH mang về siêu lợi nhuận. Do đó, một số ngành chuyên môn hóa cao mà trong nước chưa mở chuyên ngành đào tạo hoặc chất lượng chưa đáp ứng thì cần sớm có chính sách linh hoạt hỗ trợ tài năng sáng tạo, cử đi du học...

Với kinh nghiệm làm việc với các đối tác và đơn vị tổ chức biểu diễn quốc tế, tôi nhận thấy rằng tiềm năng phát triển về kỹ năng – ý tưởng và tác phong chuyên nghiệp đối với nguồn nhân lực tại Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đội ngũ Việt Nam ngày nay, có trình độ, chuyên môn và sự sáng tạo, nhưng cơ hội để học hỏi - cọ xát và trực tiếp thực thi trên những môi trường tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp là không nhiều, từ đó, dấu ấn về nguồn nhân lực Việt Nam đối với ngành công nghiệp biểu diễn ở nước ngoài là không cao.

3- Ở nước ta còn nhiều điểm yếu như thiếu địa điểm biểu diễn, hạ tầng kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng đạt tiêu chuẩn và tiệm cận với quốc tế, ngoài ra, tính chuyên nghiệp khâu tổ chức, hậu cần…còn là một khoảng trống so với các nước trong khu vực. Vì vậy, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ giải trí - biểu diễn cũng là một yếu tố then chốt để có cơ sở & thiết bị phục vụ cho nhu cầu thực tiễn sáng tạo, sản xuất và phát triển của đội ngũ nhân lực trẻ trong ngành công nghiệp văn hóa.

4- Mở rộng hợp tác quốc tế với các nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp âm nhạc để học hỏi và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Kết nối mạng lưới, tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa với các nước, các tổ chức quốc tế; chú trọng lồng ghép chương trình văn hóa gắn với các sự kiện ngoại giao, giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế; mở rộng hợp tác liên doanh với các tổ chức nước ngoài trong đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trong tổ chức các chương trình, sản phẩm, liên hoan văn hóa - nghệ thuật.

Bên cạnh đó, hoạt động giao lưu học hỏi và trải nghiệm với các nước tiên tiến sẽ giúp nguồn nhân lực trẻ của chúng ta có nhiều cơ hội mài dũa kinh nghiệm, cập nhật xu hướng đồng thời xây dựng liên kết - hợp tác mang tính chất quốc tế mà ở đó - nguồn nhân lực Việt Nam cũng có đầy đủ kiến thức - kỹ năng & tính chuyên nghiệp sáng tạo không thua kém các nước bạn.

Để đạt được những đề xuất đã nêu trên là cả một hành trình thay đổi về tư duy nên không thể đòi hỏi có kết quả ngay được. Và yếu tố con người, sự thay đổi tư duy là quan trọng nhất nhưng cũng cần có những yếu tố phụ trợ khác để phát triển. Vậy nên, Nhà nước cần đầu tư một cách đồng bộ mới có hiệu quả, đồng bộ về sự quản lý, sáng tạo, cùng các cơ sở vật chất khác để tạo điều kiện cho sự sáng tạo ấy phát triển.

Đạo diễn KiKi Trần (Ảnh: Hoàng Triều)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tim-cach-thuc-day-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-viet-nam-thay-doi-tu-duy-la-quan-trong-nhat-196240611143524132.htm