Tìm 'chìa khóa' sáng tạo cho vở diễn Tết
Nếu cứ chọn hình thức dàn dựng nghèo nàn và lạc hậu, số phận các vở diễn phục vụ Tết nguyên đán sẽ hẩm hiu
Ban Lý luận phê bình của Hội Sân khấu TP HCM gần đây có tổ chức tọa đàm về chủ đề "Đạo diễn và hình thức dàn dựng, biểu diễn hiện nay - Thực trạng và giải pháp". Rất nhiều ý kiến thảo luận chung quanh vấn đề tìm hướng đi tháo gỡ khó khăn để vận dụng hình thức dàn dựng mới trong điều kiện hiện nay và vai trò của người đạo diễn trong quá trình tìm "chìa khóa" sáng tạo. Trước mùa Tết năm nay, đạo diễn sân khấu đã tích cực tìm kiếm hình thức dàn dựng mới để "nói đi đôi với làm", mang mùa Xuân về cho sàn diễn.
Làm đối phó thì khó có vở hay
Có 3 thành phần sáng tạo chính làm nên vở diễn là biên kịch, đạo diễn, diễn viên. Sân khấu phía Nam lâu nay rời xa ý thức chỉn chu trong dàn dựng, hiếm hoi lắm mới có được vở đáp ứng yếu tố này. Thực trạng cho thấy nhiều sân khấu xem nhẹ việc đầu tư do không có kinh phí nên vẫn sử dụng phông màn, cảnh trí, bục bệ cũ. Cách làm đối phó cho xong trong điều kiện nghèo nàn về vật chất đã giết chết ý tưởng dàn dựng của đạo diễn.
Đối với các nhà chuyên môn, vở Tết thường bị làm ẩu do phải chạy theo kịp tiến độ. Một vấn đề khác là nguy cơ diễn viên bị phân tán mỏng do chạy sô từ phim, truyền hình đến sàn diễn. Thêm vào đó là chuyện tác giả viết một đằng, đạo diễn dựng một nẻo. Có khi vở Tết chỉ còn giữ lại tên nhân vật, tên vở cũng bị đổi. Ngoài ra, có diễn viên không nghiên cứu kịch bản, thêm thoại, cương ẩu, dẫn đến chủ đề tư tưởng lệch hướng trầm trọng. "Hệ lụy đó giết đi sức sáng tạo của đạo diễn trẻ. Họ ra trường hăm hở, phấn khởi được cống hiến, đem lại cái mới cho sàn diễn nhưng rồi điều kiện đầu tư vở diễn như thế, vẫn chỉ nhờ vào diễn viên làm trò, chứ hình thức vẫn là con số 0" - NSND Trần Minh Ngọc chia sẻ.
Các đạo diễn đều hiểu một tác phẩm sân khấu đạt chuẩn trước hết cần có một kịch bản mang chủ đề tư tưởng phản ánh được đời sống xã hội, lời thoại và kịch tính phải cuốn hút. Hiện nay, cứ nghĩ đến vở Tết là phải vui cười, phải náo nhiệt nên đa phần tác giả viết kịch bản cứ bị vội, bị "thả nổi" để mặc tình trạng diễn viên tung hứng. Nhà báo Cát Vũ cho rằng không riêng gì vở Tết mà đã là tác phẩm sân khấu thì phải dựng làm sao để tuổi thọ của tác phẩm bền bỉ. "Thực trạng vở Tết chết yểu không sống qua tháng giêng là một phí phạm" - nhà báo Cát Vũ khẳng định.
Chưa có sân khấu thực sự đúng chuẩn
Đáng chú ý, chìa khóa sáng tạo của đạo diễn hiện bị gò bó bởi yếu tố "thích an toàn" của nơi đầu tư. Ông bà bầu ngại chi phí cao, ngại vở đụng chạm vấn đề nhạy cảm, ngại quy tụ đông diễn viên sẽ tốn kém… Gò bó sáng tạo còn đồng nghĩa với sự lãng phí.
Hầu hết ý kiến các nhà chuyên môn khi được hỏi đến vở Tết đều cho rằng đạo diễn trẻ sân khấu sau khi tốt nghiệp không tìm được nơi trình bày vở diễn. Vở Tết hiếm khi có được chỗ để họ chen vào mà chính họ ít nhiều mới thật sự là thế hệ thanh xuân, làm tươi mát sàn diễn đầu năm.
Gò bó còn nằm ở chỗ sân khấu hiện nay vẫn chưa có những phương tiện kỹ thuật đáp ứng được nhu cầu hoạt động phát triển văn hóa - nghệ thuật trong thời đại mới. TP HCM vẫn chưa có một sân khấu thực sự đúng chuẩn.
Đạo diễn Quốc Thảo nói ở nước ngoài, rạp được xây chỉ để diễn một vở theo đúng bố cục của tác phẩm dưới sự chỉ huy của đạo diễn. Còn ở TP HCM, đa số sân khấu kịch xã hội hóa đều phải đi thuê mướn mặt bằng là các hội trường của trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi để làm sàn diễn. Cơ sở vật chất như thế thì khó mà thử nghiệm và hai chữ sáng tạo chỉ để nói cho vui.
NSND Trần Minh Ngọc từng chia sẻ nếu vở Tết làm hay thì ắt sẽ có khán giả. Muốn làm phải tìm tòi, cập nhật tình hình mới, độc đáo. Khán giả hôm nay rất tinh tế và có nhiều sự lựa chọn trong mùa Tết vì ngoài sàn diễn còn nhiều loại hình giải trí khác. "Nếu cứ tự gò bó, làm vở Tết theo thói quen vui một chút, bi một chút, chẳng có chiều sâu thì sẽ không có tuổi thọ, báo hiệu sàn diễn thụt lùi sau mùa Tết nếu cứ làm theo tư duy đó" - ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho rằng ngày Tết người xem thích những vở diễn mang tính giải trí nhưng cũng không quá đơn điệu, vì đòi hỏi của công chúng ngày nay rất lớn. "Đi tìm chìa khóa cho công tác đạo diễn mới thấy quá nhiều lỗ hổng. Mà nếu chỉ để đạt số lượng vở diễn mà không chú trọng đến chất lượng thì vở Tết chết yểu là cái chắc" - ông cảnh báo.
16 vở diễn mới mùa Tết năm nay
Mùa Tết năm nay có 16 vở diễn mới đang làm nóng các sàn tập, từ sân khấu xã hội hóa đến sàn diễn công lập. Đạo diễn NSƯT Hoa Hạ đã dàn dựng xong vở cải lương kinh điển "Nàng Xê Đa" mà theo chị là một phiên bản mới, đặt các diễn viên trẻ vào quỹ đạo sáng tạo nghệ thuật mới lạ, đáp ứng nhu cầu thích xem sự độc đáo trong cách dàn dựng.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/tim-chia-khoa-sang-tao-cho-vo-dien-tet-20210117203440342.htm